07:38 | 08/07/2013

Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên: Kết tinh của hồn thiêng sông núi

(LV) - Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là "tiếng nói" của con người và của thần linh theo quan niệm "vạn vật hữu linh".

Độc đáo, đặc sắc và đa dạng

Theo nhiều nhà nghiên cứu, các dàn cồng chiêng Tây Nguyên lấy thang âm bồi tự nhiên làm cơ sở để thiết lập thang âm của riêng mình, trong đó mỗi biên chế của từng tộc người đều cấu tạo bởi thang 3 âm, 5 âm hay 6 âm cơ bản. Tuy nhiên, cồng chiêng vốn là nhạc cụ đa âm, bên cạnh âm cơ bản bao giờ cũng vang kèm một vài âm phụ khác, do đó, trên thực tế, một dàn 6 chiêng sẽ cho tối thiểu 12 âm hay nhiều hơn nữa. Điều này lý giải tại sao âm sắc cồng chiêng nghe thật đầy đặn và có chiều sâu.

Thực chất, mỗi chiếc cồng chiêng chỉ tạo ra một âm cơ bản trong hàng âm, tương đương với mỗi phím trên các cây đàn. Điều đó có nghĩa là mỗi một người trong dàn công chiêng chỉ đảm trách một nhạc âm trong đường tuyến giai điệu và chuỗi giai điệu chính là kết quả của sự phối hợp ăn ý của cả dàn cồng chiêng, biểu hiện tính diễn xướng tập thể của nghệ thuật cồng chiêng. Bên cạnh đó, dàn cồng chiêng khi đánh lại trải dài trong không gian nên giai điệu luôn hiện hữu dưới dạng âm thanh 3 chiều, cùng với độ cao thấp, dài ngắn, còn nghe thấy cả độ xa gần của từng bộ phận cấu trúc bài bản. Đó chính là hiệu ứng âm thanh nổi - một hiện tượng hết sức độc đáo, dường như chỉ có ở âm nhạc cồng chiêng.


Dấu ấn thời gian và không gian

Cồng chiêng Tây Nguyên là một di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Từ chủng loại, phương pháp kích âm, biên chế và thang âm cho đến hệ thống bài bản và nghệ thuật diễn tấu, chúng ta sẽ bắt gặp những gì của một dải nghệ thuật đa diện từ đơn giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều, từ đơn tuyến đến đa tuyến... trong đó bảo lưu cả những lớp cắt lịch sử của tiến trình phát triển âm nhạc từ thời kỳ sơ khai.

Ở đây, mọi giá trị nghệ thuật đều nằm trong mối quan hệ tương đồng và dị biệt, xác định cá tính vùng miền của nghệ thuật. Với sự phong phú, độc đáo và đa dạng từ toàn bộ đến từng phần, có thể khẳng định vị trí đặc biệt của cồng chiêng Tây Nguyên trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên...). 

Âm nhạc của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn, những người dân dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện tuyệt vời.

Không gian văn hoá của cộng đồng

Đối với hầu hết các tộc người vùng Tây Nguyên, cồng chiêng là nhạc cụ mang sức mạnh thiêng, tiếng nói tâm linh, tinh thần, diễn tả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Họ coi mỗi chiếc cồng chiêng ẩn chứa một vị thần, cồng chiêng càng cổ thì vị thần càng quyền lực. Vì thế, cồng chiêng cũng là phương tiện tín ngưỡng dùng để giao tiếp với các đấng siêu nhiên, là thứ tài sản quý giá, biểu tượng của quyền lực và sự giàu có.

Văn hóa cồng chiêng là hình thức sinh hoạt cộng đồng có từ lâu đời, gắn bó mật thiết với cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng suốt 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) và chủ nhân của nó là các dân tộc Bana, Xê-đăng, M nông, Cơho, Ê đê, J’rai… Mỗi buôn làng có một đội cồng chiêng riêng phục vụ đồng bào trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ hội. Mỗi dân tộc lại sáng tạo ra những bản nhạc cồng chiêng khác nhau, mang đặc trưng của dân tộc mình.

Công chiêng có mặt trong hầu hết các sinh hoạt văn hóa, lễ hội của người Tây Nguyên. Cồng chiêng được đánh lên để mừng những ngày hội mùa màng như lễ mừng cơm mới, lễ đâm trâu… đến những lễ ma chay, cưới hỏi, thổi tai cho trẻ sơ sinh… Vào những ngày lễ tết, ngày hội, già trẻ gái trai quây quần bên đống lửa, vừa đánh cồng, gõ chiêng, vừa cùng nhau nhảy múa, uống rượu cần… Trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, Tây Nguyên như được bao trùm trong một không gian văn hóa lãng mạn và huyền ảo; nghe cồng chiêng như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... của Tây Nguyên. Chính điều này đã tạo nên và khẳng định giá trị nét sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật nhất, đặc trưng nhất nhưng cũng đầy sức quyến rũ của vùng đất sử thi hùng tráng này.

Có thể khẳng định, văn hóa và âm nhạc cồng chiêng thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa - nghệ thuật ở đỉnh cao của các dân tộc Tây Nguyên. Và vì thế, tại phiên họp của UNESCO ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được vinh danh. Đây là di sản thứ hai của Việt Nam (sau Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là "Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại".

Song Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site