15:27 | 18/09/2013

Khu đền tháp Mỹ Sơn: Sự kỳ diệu của nghệ thuật Chăm

(LV) - Những nghệ nhân người Chăm đã truyền hết tinh lực và tài năng của mình vào những khối đá, những mảng gạch vô tri tạo nên những tác phẩm tràn đầy sức sống trường tồn với thời gian.

>>> Hội An: Bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị 

>>> Quần thể Di tích cố đô Huế: Một kiệt tác đô thị 

>>> Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long: Bộ lịch sử sống của Thăng Long - Hà Nội 

Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng tròn, đường kính chừng 2km, bao quanh bởi đồi núi, thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Hội An khoảng 40km. Khu đền tháp này được phát hiện vào năm 1898 bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Sau đó, các nhà khoa học đã đến nghiên cứu các bia ký và công trình kiến trúc, điêu khắc ở Mỹ Sơn và cũng chính họ đã vén lên bức màn bí mật về khu đền tháp này.

Ngày 04/12/1999, tại phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Di sản thế giới tổ chức tại Ma-rốc, Khu đền tháp Mỹ Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Khu đền tháp Mỹ Sơn
Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Đền tháp Mỹ Sơn được xây dựng theo cùng một nguyên tắc là chia thành cụm, kết cấu mỗi cụm có một đền thờ chính, xung quanh có những đền nhỏ hoặc công trình phụ như tháp cổng, đền phụ thờ các vị thần trông coi hướng trời, nhà chuẩn bị hành lễ, kho cất giữ đồ tế lễ. Đền thờ của người Chăm không có… cửa sổ mà chỉ các công trình tháp phụ mới có cửa sổ.

Mỗi cụm tháp Chăm gồm: Đền thờ (Kalan) chính, Tháp cổng (Gopura), Nhà chuẩn bị hành lễ (Mandapa), Tháp hoả (Kosa grha), Đền thờ (Kalan) phụ. Mỗi ngôi đền tháp ở Mỹ Sơn có kết cấu ba phần chính: Đế - tượng trưng cho thế giới trần tục; Thân - tượng trưng cho thế giới tâm linh; Mái - tượng trưng cho thế giới thần linh. Các đền tháp thường được gia cố phần đế móng khá kỹ bằng những lát cắt, đá cuội, đá dăm; móng, tường, mái được ghép bằng gạch và những chi tiết trang trí bằng đá. Các viên gạch và các chi tiết đá được xếp khít với nhau, giữa chúng không có mạch vữa.

Các đền tháp phần lớn quay về hướng đông, phương mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.

Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật kiến trúc tháp tại Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách, mang tính liên tục từ phong cách cổ thế kỷ VII đến thế kỷ VIII, phong cách Hoà Lai thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX, phong cách Ðồng Dương từ giữa thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X, phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X) và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn - Bình Ðịnh, phong cách Bình Ðịnh và phong cách Muộn. Nghệ thuật điêu khắc Chăm tiếp nhận sâu sắc ảnh hưởng của Ấn Độ, nhưng trong quá trình phát triển tính bản địa ngày càng đậm nét và tính dân tộc ngày càng khẳng định, tạo nên vẻ độc đáo, sức hẫp dẫn kỳ lạ.

Số liệu thống kê đầu thế kỷ XX ở Mỹ Sơn có 71 đền tháp. Trải qua phong hóa bào mòn của thời gian cộng với sự biến thiên của lịch sử, đến nay Mỹ Sơn chỉ giữ lại được khoảng gần 20 tháp. Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong cả nước cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực di sản từ nước ngoài, Khu đền tháp Mỹ Sơn đang được hồi sinh. Mỹ Sơn đã được trả lại phần nào dáng vẻ ban đầu của nó, làm cho người ta có thể hình dung được một thánh địa uy nghiêm kỳ vĩ của Vương quốc Champa xưa kia.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/08/2009). Khu đền tháp Mỹ Sơn có diện tích quy hoạch bảo tồn khu vực I là 324.600m2, khu vực II là 11.255.400m2. 
 

Song Nguyên

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site