15:11 | 21/03/2014

Mùa xuân thăm vườn Di sản nhân loại Việt Nam

(LV) - Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam vừa được Tổ chức UNESCO vinh danh kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại, một “kỳ quan” của miệt vườn sông nước Cửu Long. Như vậy, vườn Di sản văn hóa nhân loại của Việt Nam đã có thành viên thứ 19.

Điểm mặt vườn di sản nhân loại Việt Nam

Dẫu lịch sử dựng nước mới trải qua hàng ngàn năm song thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho chúng ta những tuyệt tác từ hàng trăm triệu năm trước về đa dạng sinh thái, đa dạng địa mạo, đa dạng cảnh sắc kỳ thú. Đó là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994. Tiếp đó, năm 2000 nơi đây lần thứ 2 được vinh danh Di sản địa chất thế giới với hơn 3.000 hòn đảo đá nhiều hình thù kỳ dị với đa dạng sinh học rừng và sinh thái biển.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) một mê cung kỳ diệu thần bí với 300 hang động thiên hình vạn trạng và các dòng sông ngầm huyền diệu cùng những kỳ hoa, dị thảo, bách thú của rừng nhiệt đới trên núi đá vôi, được UNESCO công nhận năm 2003. Đó là Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), năm 2010 được ghi danh thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu với 45 di sản địa mạo, 33 di sản kiến tạo, trầm tích, 11 hệ tầng địa chất niên đại trên 500 triệu năm.

Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được UNESCO công nhận là  Di sản thiên nhiên thế giới năm 2003
Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2003.

Cùng với sự hào phóng của thiên nhiên, con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã vượt qua biết bao thử thách khắc nghiệt để tạo dựng giang sơn gấm vóc và nước non cẩm tú. Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), được UNESCO công nhận năm 1993 cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cuộc hội nhập với hệ thống di sản nhân loại, theo tiêu chí của UNESCO. Những sản phẩm, cụm công trình di tích Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành, lăng tẩm và nhà vườn là những kỳ quan do con người tạo dựng hàng trăm năm trên một nền tảng thiên nhiên thuần khiết miền Trung đặc trưng và sông Hương thơ mộng.

Đó là Phố cổ Hội An (Quảng Nam) cửa ngõ thông thương phương Tây - phương Đông với cảng thị thuyền buôn truyền thống tồn tại 4 thế kỷ như một bảo tàng sống về giao thương và văn hóa tín ngưỡng Đông Tây - Hoa Nhật được UNESCO công nhận, tôn vinh là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Cùng năm 1999, UNESCO còn tôn vinh Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), đây là tổ hợp đền tháp kiến trúc độc đáo đặc sắc Chăm Pa, nơi tổ chức cúng tế và lăng mộ hoàng thân quốc thích của vương triều.

Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) Di sản văn hóa nhân loại nổi bật bởi chiều dài lịch sử 13 thế kỷ với các tầng văn hóa di tích, di vật đa dạng, độc đáo đặc trưng Đông Nam Á. Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh vào dịp Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi - năm 2010. Năm 2011, Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) được vinh danh, năm 2009 công nhận mộc bản Triều Nguyễn (Lâm Đồng), năm 2010 công nhận Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội vào Di sản thế giới, năm 2012 Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) trở thành di sản tư liệu ký ức thế giới.

Trong vườn di sản nhân loại của Việt Nam, những kiệt tác văn hóa phi vật thể nổi lên bởi những giá trị tinh hoa ngời sáng. Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đầu tiên được UNESCO tôn vinh năm 2003 thuộc về Nhã nhạc cung đình Huế. Hai năm sau, năm 2005 không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng được vinh danh rất thuyết phục ở phạm vi toàn cầu. Bốn năm sau (năm 2009), Dân ca quan họ Bắc Giang - Bắc Ninh cũng trở thành kiệt tác truyền khẩu phi vật thể nhân loại. Cùng năm đó, Ca trù được UNESCO công nhận kiệt tác truyền khẩu phi vật thể này cần được bảo vệ khẩn cấp. Năm 2011, Hát Xoan (Phú Thọ) được tôn vinh, một năm sau, năm 2012 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại. Năm 2010, trong danh mục UNESCO tôn vinh có Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại Hội Gióng - Phù Đổng và Đền Sóc (Hà Nội).

Di sản văn hóa UNESCO của Việt Nam không những là sản phẩm vô giá của đất nước Việt Nam, cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam mà còn là sản phẩm vô giá của nhân loại là nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới, với bè bạn bốn phương đồng thời cũng là một trong những điểm đến, điểm tựa của hợp tác phát triển, hòa bình và hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới.

Lấy di sản là điểm tựa tâm hồn

Di sản không tự nhiên sinh ra và không thể tự nhiên trường tồn cho dù đó là di sản thiên nhiên kiến tạo, mà con người phải phát hiện nó, thổi hồn vào nó làm phong phú và phát huy, phát triển mọi giá trị tiềm ẩn của nó, lúc đó mới trở thành di sản, mới trở nên vô giá. Di sản rất dễ bị đổ vỡ, mai một, bị xâm hại, xói lở và biến dạng cho dù đó là loại vật thể hay phi vật thể. Di sản đang đứng trước nguy cơ và thách thức bởi ý thức con người, bởi biến đổi khí hậu, bởi thiên tai, bởi sự lạm dụng và khai thác vô lối, bởi sự phát triển nóng và tăng trưởng thiếu bền vững, bởi sự đói nghèo của những chủ nhân di sản.

Chính vì thế, bảo tồn bền vững di sản trong đó có di sản thuộc về nhân loại của Việt Nam là trách nhiệm, tình cảm, lương tâm, trí tuệ và hành động của mỗi con người mỗi cộng đồng dân cư, xã hội và cộng đồng dân tộc kể cả cộng đồng quốc tế. Khai thác các di sản để làm ra sản phẩm xã hội phục vụ lợi ích con người là cần thiết nhưng bảo vệ bền vững di sản cho muôn đời sau lại khẩn thiết hơn nhiều. Di sản dân tộc chính là hồn cốt, chính là những “mã vạch” của dân tộc đó với cộng đồng quốc tế với nhân loại trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hãy vì sự trường tồn của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mà bảo vệ nó, khai thác phát huy đúng mức gắn với tái tạo, tôn tạo hợp lý. Mùa xuân cũng là mùa của di sản với những lễ thức tín ngưỡng tôn vinh. Mùa xuân vẫy gọi mọi người lấy di sản làm điểm đến, điểm hẹn để góp phần vào việc bảo tồn phát huy di sản đất nước.

Mùa xuân cũng vẫy gọi mọi người lấy di sản làm điểm tựa tâm hồn, tâm linh, tâm thức. Lấy di sản làm điểm sáng để soi rọi tâm can, soi sáng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, soi sáng tri thức văn hóa văn minh vì sự tiến bộ của con người.

Trúc Thanh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site