15:20 | 06/05/2014

Trưng bày chuyên đề: “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954”:

Pho sử sống động bằng hình ảnh

(LV) - Hơn 100 hiện vật, trong đó phần lớn là tranh cổ động, một số bức ký họa, bút ký và một số kỷ vật của các họa sĩ và hiện vật liên quan đến việc in ấn, tuyên truyền tranh thời kỳ 1946-1954 được coi như một cuốn sử sống động bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

>>> Hút khách đến bảo tàng bằng công nghệ 3D 

>>> Bảo tàng Lịch sử quốc gia triển khai hệ thống thuyết minh tự động 

Bằng chứng sống động về một giai đoạn lịch sử

Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, tranh cổ động là một loại hình mỹ thuật non trẻ, nhưng đã trưởng thành mau chóng, đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ cách mạng. Tranh cổ động là một trong những loại hình của mỹ thuật ứng dụng, mang tính khái quát cao với những yêu cầu phương châm kịp thời, dễ hiểu, lối biểu đạt rõ ràng và thuyết phục. Cùng với báo chí và truyền đơn, tranh cổ động đã trở thành những vũ khí sắc bén, xung kích, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và hành động của đông đảo quần chúng nhân dân, truyền đạt kịp thời các nhiệm vụ cách mạng và cổ vũ quần chúng hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời chính những nhiệm vụ cách mạng đã thúc đẩy tranh cổ động Việt Nam phát triển không ngừng.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954, trong điều kiện thời chiến khó khăn, tranh cổ động dù chỉ được sáng tác bằng tay, với công cụ thô sơ, thậm chí trên nền giấy không mấy chất lượng, nhưng với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam lên tầm cao mới sáng tạo nên những tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao, biến tranh cổ động thành công cụ truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền tải quyết tâm, ý chí và hành động của cả dân tộc, đồng thời tái hiện chân thực mọi mặt của đời sống xã hội đương thời, cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc.

Có thể nói, đây là những bằng chứng sống động về một giai đoạn lịch sử bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình. Công chúng có thể thấy rõ bước chuyển mình về quan điểm nghệ thuật của lớp nghệ sĩ kháng chiến được thể hiện qua nội dung, đề tài thể hiện, phương pháp, kỹ thuật tạo hình và cách thức tiếp cận, chuyển tải tới công chúng, có nhiều nét đặc sắc riêng trong thể loại, trong kỹ thuật cũng như nội dung tư tưởng. Tuy được sáng tác nhằm mục đích tuyên truyền cách mạng, nhưng là một loại hình nghệ thuật nên tranh cổ động đã tìm và hình thành tiếng nói tự thân giàu khả năng biểu cảm thẩm mỹ, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của đông đảo công chúng.

Một tác phẩm tranh cổ động tại Trưng bày
Một tác phẩm tranh cổ động tại Trưng bày.

Đa số các tranh tuyên truyền cổ động đều khuyết danh tác giả. Theo tâm sự của một số họa sĩ thời kỳ đó thì được phục vụ kháng chiến là niềm hạnh phúc của họ, và các họa sĩ thường nghĩ công sức của mình nằm trong công sức của nhiều người, do vậy mà các họa sĩ thường không ký tên vào tranh. Cũng có một bộ phận tác giả không phải là họa sĩ chuyên nghiệp mà là những chiến sĩ vừa cầm súng, vừa cầm bút vẽ để phục vụ các nhiệm vụ trong kháng chiến.

Tăng cường tương tác với công chúng

Theo TS Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, hiện nay Bảo tàng đang lưu giữ khoảng 200 bức tranh cổ động, là kết quả sưu tầm tại 182 cơ quan, Cục Lưu trữ quốc gia, các ty văn hóa trước đây (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch), các tổ chức, cá nhân trong cả nước trong thời gian chuẩn bị xây dựng và bảo tàng mới đi vào hoạt động (1955-1965). Hiện nay Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là nơi lưu giữ khá đầy đủ, phong phú nhất so với các bảo tàng, cơ quan lưu trữ trong cả nước.

Cũng theo TS Vũ Mạnh Hà, Trưng bày chuyên đề: “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954” được tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014), nhằm giới thiệu với đông đảo quần chúng về một loại hình văn hóa nghệ thuật mà với vai trò của mình đã đóng góp to lớn vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu.

Qua các hiện vật gốc được giới thiệu trong trưng bày, công chúng sẽ hiểu biết nhiều hơn các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa nghệ thuật của tranh cổ động Việt Nam trong giai đoạn 1946-1954, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, tiếp tục phát huy tinh thần Điện Biên Phủ quyết chiến quyết thắng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Trải nghiệm kỹ thuật in tranh cổ động
Trải nghiệm in tranh cổ động.

Đặc biệt, tại Trưng bày, Bảo tàng cũng dành không gian tương tác, để khách tham quan có thể trực tiếp được trải nghiệm kỹ thuật in thủ công trên bản khắc gỗ. Điều này sẽ giúp công chúng, đặc biệt là giới trẻ có thể tiếp cận với một kỹ thuật in trong lịch sử, đồng thời có thể có những bức tranh làm kỷ niệm, qua đó tăng thêm niềm hứng thú mỗi khi đến với Bảo tàng.

Hơn 100 hiện vật, trong đó phần lớn là tranh cổ động, một số bức ký họa, bút ký và một số kỷ vật của các họa sĩ và hiện vật liên quan đến việc in ấn, tuyên truyền tranh thời kỳ 1946-1954 được trưng bày trên diện tích khoảng 230m2, theo 05 chủ đề: Cổ động chủ trương-phong trào; Chiến đấu; Tình quân dân; Nêu gương điển hình; Kỷ niệm ngày lễ lớn.

Trưng bày mở cửa phục vụ khách tham quan đến tháng 7/2014.
 

Song Nguyên

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site