17:37 | 19/10/2014

Hàng nghìn phật tử về dự đại lễ Dâng Y Kathina tại Hà Nội

(LV) - Ngay từ sáng sớm ngày 19/10/2014, tại chùa Khmer thuộc Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, hàng nghìn phật tử và du khách đã có mặt tham dự đại lễ Dâng Y Kathina – một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất của Phật giáo Nam Tông.

>>> Tháng 10 nghĩ về Làng Việt

>>> Tổ chức Tuần "Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng" 

Sự kiện do Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tăng ni phật tử chùa Khmer tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức.

Chùa Khmer ngày Đại lễ Dâng y Kathinan
Chùa Khmer ngày Đại lễ Dâng y Kathina.

Tới tham dự Lễ dâng Y Kathina có các đồng chí: Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Bá Trình; Phó Trưởng ban thường trực, Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà; Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hoà thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam… Đặc biệt, Đại lễ có sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Lào, Campuchia, Thái Lan và các đại sứ quán Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Bangladesh, Srilanca, học sinh Trường Hữu nghị Campuchia T78 và Trường Hữu nghị Lào T80… cùng lãnh đạo các Ban, bộ, ngành liên quan và đông đảo tăng ni, phật tử Hà Nội và các tỉnh lân cận và du khách tới tham dự.

Hoà thượng
Hoà thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN phát biểu khai mạc Đại lễ.

Mở đầu, Hoà thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã phát biểu khai mạc Đại lễ, trong đó nhấn mạnh: Ngày 23/11/2013, một sự kiện đã làm nức lòng bao thế hệ đồng bào phật tử Khmer đó là Khánh thành ngôi chùa Khmer giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Ngôi chùa này cũng như bao ngôi chùa Khmer khác là nơi gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, nơi truyền trao và hun đúc tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông, nơi đào tạo và rèn luyện nên những con người Chân - Thiện - Mỹ và hơn thế nữa ngôi chùa Khmer này còn là trung tâm đoàn kết giữa các dân tộc anh em tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Sau gần một năm, Chùa Khmer sinh hoạt phật sự trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hôm nay, ba tháng kiết hạ vừa kết thúc, Chư Tăng có đủ phước duyên để nhận y Kathina nên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng với Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam và gia đình thí chủ long trọng cử hành Đại lễ Dâng Y Kathina đầu tiên tại Hà Nội - Thủ đô vì Hòa bình.

Bùi Thanh Hà
Ông Bùi Thanh Hà - Phó Trưởng ban thường trực, Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu tại buổi lễ.

Tại buổi lễ, Phó Trưởng ban thường trực, Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà cho rằng: Đại lễ Dâng Y được tổ chức hôm nay là dịp để tăng ni, phật tử và người dân Thủ đô có cơ hội được chứng kiến một nghi thức truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer với sự đặc sắc và sinh động. Chúng tôi tin tưởng rằng, qua buổi lễ ngày hôm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ góp phần cùng Ban Quản lý Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam giới thiệu đến công chúng cả nước và bạn bè quốc tế về sự đa dạng, phong phú trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người dân Việt Nam, đồng thời, quảng bá về hình ảnh, con người và Phật giáo Việt Nam luôn thân thiện, yêu chuộng hoà bình, để Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành điểm đến ý nghĩa đối với mỗi du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội.

Lễ kết nghĩa giữa chùa Pháp Vân và chùa Khmer tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Lễ kết nghĩa giữa chùa Pháp Vân và chùa Khmer tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tiếp đó là Lễ kết nghĩa giữa hai chùa Khmer tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam và chùa Pháp Vân thể hiện tình đoàn kết giữa tăng ni, phật tử của hai dòng phái Bắc Tông và Nam Tông cùng hoạt động hiệu quả góp phần tích cực vào thành tựu chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như của đất nước.

Kết thúc phần khai mạc, Đại lễ Dâng y Kathina bắt đầu với nghi thức thượng Quốc kỳ, Đạo kỳ. Tiếp đó là nghi thức 3 vòng nhiễu Phật với sự tham gia của đông đảo phật tử. Nghi thức dâng hoa, các đại biểu, đại diện các đại sứ cùng phật tự làm lễ bái Tam bảo, Thọ trì Tam quy, Ngũ giới. Các tăng ni, phật tử được giải thích về Đại lễ Dâng y Kathina. Các hoà thượng, tăng ni tiến hành lễ dâng y, thụ y. Cuối cùng là khoá lễ cầu an chúc phúc, các Chư tôn Giáo phẩm buộc chỉ tay chúc phúc cho các đại biểu, phật tử với mong muốn mọi điều bình an.

Nghi thức treo Quốc kỳ và Đạo kỳ
Nghi thức thượng Quốc kỳ và Đạo kỳ.

Phật tử thực hiện nghi thức 3 vòng chính điện
Phật tử thực hiện nghi thức nhiễu Phật 3 vòng chính điện.

Các phật tử hoan hỉ khi được chứng kiến Đại lễ Dâng y Kathina long trọng đất phương Nam được tổ chức ngay tại Hà Nội. Bác Nguyễn Thị Nga, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, thuộc đoàn phật tử của chùa Pháp Vân không dấu được niềm vui, đã chia sẻ: Đoàn phật tử chúng tôi đi từ sáng sớm, đến Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam, thấy cảnh vật thật thanh bình, đẹp đẽ, mát mẻ, trong lành, nhất là ngôi chùa khang trang, bề thế, chúng tôi vui lắm. Hai chùa Pháp Vân và chùa Khmer đã kết nghĩa thì chắc chắn phật tử chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội đến chùa để cùng tổ chức nhiều hoạt động công quả, góp phần thu hút bà con, du khách tới thăm quan, vãn cảnh chùa.

Các phật tử hoan hỉ khi được tham gia Đại lễ
Các phật tử hoan hỉ khi được tham gia Đại lễ.
Các đại sứ tham dự nghi thức của Đại lễ
Các đại sứ tham dự nghi thức của Đại lễ.

Đương chứng kiến nghi thức dâng y
Đương chứng kiến nghi thức Dâng y.

Chị Hoàng Thị Vui, Văn Giang, Hưng Yên thì cho biết: Tôi cùng đoàn phật tử đã đến chùa từ hôm qua. Nghe về Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam với nhiều sự kiện được tổ chức từ lâu nhưng chưa lần nào được đến đây. Hôm nay, được chứng kiến một đại lễ lớn của Phật giáo đó là điều may mắn của nhiều phật tử. Chắc chắn sự kiện tới, tôi và gia đình sẽ tổ chức một chuyến lên đây thăm quan, đi chợ vùng cao, thưởng thức đặc sản của các vùng miền... Không chỉ có những phật tử cao tuổi mà ở phật tử ở tất cả các lứa tuổi một lòng thành kính tham dự đại lễ với mong muốn được bình an cho người thân, gia đình.

... nghi thức Thọ y
... nghi thức Thọ y.

và nghi thức buộc chỉ cổ tay chúc phúc
và nghi thức buộc chỉ cổ tay chúc phúc.

Cùng với Đại lễ Vu lan báo hiếu của Phật giáo Mahanaya (Bắc tông), Đại lễ Dâng Y Kathina của Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông) đã trở thành ngày hội của giới phật tử trong mùa an cư kiết hạ. Đại lễ Kathina được tổ chức tại các trường hạ hay chùa Khmer, trở thành một lễ hội tôn nghiêm, long trọng và thiêng liêng. Các phật tử ngoài dâng y, là thứ quan trọng nhất trong đại lễ để tưởng nhớ về nghi thức Phật chế, còn dâng lên chư tăng các phẩm vật khác để tỏ lòng tri ân và bày tỏ sự chia sẻ khó khăn với những hàng đệ tử xuất gia. Tổ chức Đại lễ Dâng Y Kathina còn mang ý nghĩa, mang lại sự bình an cho đất nước, an lạc cho đại biểu, phật tử thập phương. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả chương trình hoạt động phật sự năm 2014 của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chương trình hoạt động phật sự tại chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thu Lê

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site