22:58 | 17/02/2015

An lành màu đỏ ngày Tết

(LV) - “Mỗi năm hoa đào nở / Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu giấy đỏ / Bên phố đông người qua”. Từ xa xưa, dân gian ta đã thích dùng màu đỏ trong sinh hoạt và đặc biệt vào ngày Tết thường thấy màu đỏ xuất hiện ở khắp nơi trong nhà, ngoài sân, trên quần áo, vật dụng, đồ ăn thức uống tạo nên một không gian vô cùng vui tươi, ấm áp.

Sự tích về màu đỏ bảo an

Có nhiều lý giải cho việc người dân chuộng màu đỏ, song nổi bật là niềm tin về sự bảo hộ và ban phúc của màu đỏ, xuất phát từ các câu chuyện thần thoại. Chuyện kể rằng, xưa lắm có một quái thú, thường gọi con niên, cứ mồng một Tết lại từ biển lên bắt người và gia súc. Mỗi khi nó há miệng là bao vật bị cuốn vào trong. Sợ hãi, dân làng năm nào cũng dồn lương thực đặt trước cửa cống nạp nó, mong nó ăn no sẽ không hại người. Một năm, con niên vừa đến, chưa kịp ăn gì đã bỏ chạy vì thấy một em bé mặc áo đỏ ngồi chơi đầu làng. Qua việc ấy, người ta hiểu ra, nó sợ màu đỏ nên cứ đầu năm mới đều dán giấy hoặc treo vải đỏ, đồ vật đỏ ở lối vào, đồng thời đốt lửa bằng những thân tre già, khi cháy tạo nên những tiếng nổ ròn rã khiến con vật không dám bén mảng đến nữa.

Lại có chuyện, trên núi Đọi ngoài biển Đông, có hai vị thần là Thân Thư (có nơi gọi là Thần Trà) và Uất Lũy trông coi một cây đào tiên và những loài ma quỷ sống trong rừng. Vốn hiểm ác, chúng luôn muốn xâm nhập nhân gian và đã nhiều lần hạ sơn và bị hai thần bẻ cành đào quất cho một trận tơi bời. Một năm, vào xuân, thiên đình mở hội, Thân Thư - Uất Lũy đều đi dự. Không người quản lý, các con yêu liền bảo nhau xuống trần quấy nhiễu, tới đâu là phá phách ruộng vườn đến đó. Thấy cảnh này, hai thần liền bay xuống đuổi sạch lũ quỷ về biển, đồng thời làm phép cho cây cối mọc lại. Để tránh các năm sau chúng lại mò đến, trước khi đi Thân Thư ban cho người dân một cành đào và dặn trồng trước nhà để trấn quỷ. Khi thấy hoa đào nở đỏ như thấy thần, bọn quỷ sẽ không dám đùa nghịch. Những nơi không trồng đào nhưng dán giấy đỏ, quỷ sợ cũng không dám vào…

Màu đỏ trong sinh hoạt ngày Tết

Dựa vào tích trên, dân gian cho rằng, màu đỏ là một phép lạ có thể đem tới sự bình yên, no ấm cùng muôn điều kỳ diệu. Đây chính là một biểu hiện của ngọn lửa xua tan cái lạnh mùa đông cũng như đuổi tà, hung tính và sự dữ dội. Cùng đó là khả năng hồi sinh, cải hóa cái xấu thành đẹp đưa lại sự chuyển mình tốt tươi ở vạn vật và kích thích tài lộc - may mắn, niềm vui - hạnh phúc, sức khỏe - tuổi thọ ở mỗi người.

Trong Hán Việt, đỏ được gọi là hồng sắc gồm các gam màu như đỏ tươi, đỏ đậm, hồng, cam, đào, lựu, mận… Vì ý nghĩa của màu đỏ, vào ngày Tết mọi người luôn áp dụng đỏ trong nhiều lĩnh vực và ở các nơi như trên nhà cửa, đồ đạc, thực phẩm, trang phục và cả lời nói. Thường thấy nhất việc dán giấy đỏ trấn yểm trước cổng, hai bên vách tường, rào nhằm đuổi tà, bảo an và mời gọi phúc, lộc, thọ, hỷ, tài về với gia đình.

Ở nhiều nơi, người ta sẽ không đi đâu, không ra ngoài hoặc vào trong nhà nếu chưa dán giấy đỏ với ý cầu an và một năm mới tươi sáng. Cũng có khi là những câu đối hay thơ phú viết trên giấy đỏ có âm luật vui tai, nội dung mát dạ. Cùng đó là các chữ, hình ảnh chim thú cắt giấy, mà một ví dụ là chữ phúc lộn ngược - phúc đáo, nghĩa là phúc đang đến. Đêm 30, rạng sáng mồng một Tết, dân gian còn đốt pháo, cho xác pháo hồng vương khắp nhà và bày chậu đào, hồng, trà, thược dược, trạng nguyên; bể cá chép, lồng chim yến, tranh tượng phụng hoàng trong phòng khách cùng những cánh thiệp báo xuân.

Ngày Tết, nhà nào cũng làm món gà ngậm hoa hồng, xôi gấc, bánh cam, bánh chưng cẩm, bánh gio đỏ, canh đậu đỏ, bí ngô cùng các thứ tráng miệng như hạt dưa đỏ, mứt cà chua, chè hồng sâm, rượu chanh đào… sắp trên bàn nước và ban thờ sơn phủ màu huyết dụ đẹp mắt. Với nhiều nhà không có di ảnh tổ tiên, người ta thường thờ trên ban một phong giấy đỏ coi đó như hình ảnh của cha ông và màu đỏ tượng trưng cho huyết thống, nguồn cội. Cũng buộc chỉ đỏ (chỉ điều) hoặc ruy băng đỏ vào các đồ đạc với ý chỉ dòng máu lạc hồng và sự muôn nhà như một, sắt son, đoàn kết. Khi thờ cúng, nhiều gia đình thường liên tục lên hương mong bát nhang cháy đượm với quan niệm màu đỏ, sự cháy lâu sẽ cho gia đình bền vững, có nhiều tài lộc, tinh hoa phát tiết và riêng với người già, người đã khuất cũng được hưởng an nhàn. Khi nhang còn cháy thì chưa hạ mâm thụ lễ, kẻo ông bà “mất ăn”, con cháu mất lộc.

Vào mồng hai, mồng ba Tết, tại gia đình và đền chùa lại có các buổi lễ thượng thọ dâng hồng y cho các phụ lão, xuất phát từ niềm tin màu đỏ sẽ bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ người già. Khi đi chơi xuân, nam nữ cũng vận áo đỏ, đặc biệt là trẻ em thường diện cả bộ đồng phục đỏ vừa để xua tà vừa cho thân thể phấn chấn. Người lớn cũng tặng các em những bao lì xì màu đỏ thể hiện tình thương, mong muốn con cháu ăn nhanh chóng lớn, còn là ước nguyện mai sau các con sẽ giàu sang.

Trên thực tế, rất nhiều người thích màu đỏ vì đỏ là màu bắt mắt và màu ấm nhất, gợi trí tò mò, tưởng tượng, cũng thúc đẩy con người tiến lên, sáng tạo. Trong không khí của mùa xuân, vạn vật sinh sôi, có sắc đỏ, sự sống thêm căng tràn, những ước mơ, hoài bão cũng mau chóng thành sự thực.

Chu Mạnh Cường

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site