10:16 | 23/03/2015

Phục dựng kịch“Ai là thủ phạm?” tặng giới trẻ

(LV) - Vở kịch đặc sắc “Ai là thủ phạm?” trong kho tàng kịch bản quý giá của tác giả Lưu Quang Vũ đang được các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ phục dựng dành tặng học sinh, sinh viên, người lao động trong 100 đêm diễn trên cả nước.

Kịch cũ vấn đề mới

Vở diễn kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 ở Hà Nội. Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều cách giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau. Điều đọng lại ở lớp trẻ này sẽ là những “người lớn” trong giai đoạn hiện nay và có một số còn là lãnh đạo cơ quan, đất nước. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi mấy chục năm trước đây, các ông bố, bà mẹ giáo dục con cái mình ra sao trong việc uốn độ cong của cành “cây non” – “Bé không vin – lớn gãy cành”… Câu châm ngôn ấy về một lối sống và cách rèn rũa dạy dỗ đạo đức cho con trẻ không trung thực, giả dối, phải chăng sẽ chính là căn nguyên sâu xa giải đáp cho câu hỏi “Ai là thủ phạm?” của những hiện tượng cá nhân tha hoá, tham nhũng liên tục nảy sinh trong đời sống của chúng ta hôm nay…

Vở kịch được dàn dựng với mong muốn truyền tải những thông điệp của Lưu Quang Vũ, trở thành vắc xin, ngõ hầu ngăn chặn những thói hư tật xấu của xã hội. Có lẽ với ý nghĩa sâu xa đó mà vở kịch được đạo diễn, NSƯT Chí Trung lựa chọn để mang tới giới trẻ. NSƯT Chí Trung cho hay: “Ai là thủ phạm” chưa phải là vở xuất sắc nhất trong 41 vở kịch của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tuy nhiên, khi đọc vở kịch, anh vẫn thấy còn nguyên giá trị của niềm tin, nội dung vẫn mang tính thời sự, vẫn còn nhiều điều để chuyền tải, phê phán những thói hư tật xấu của xã hội, phê phán chính thái độ sống của chúng ta. Thông điệp của vở kịch được đưa ra rằng nếu chúng ta không tự nghĩ về trách nhiệm của mình, trách nhiệm mỗi công dân để không tự răn mình thì cả xã hội sẽ bị trượt đi và mất những giá trị tốt đẹp, lẽ phải và công bằng sẽ không được tôn vinh. Vở kịch là sự đồng vọng của cách đây 30 năm, việc giáo dục sự trung thực trong cuộc sống không bao giờ cũ.

Xây dựng niềm tin cho giới trẻ

Nội dung vở kịch xoay quanh câu chuyện một cậu thanh niên bị giết chết và suốt toàn bộ vở diễn là quá trình tìm nguyên nhân gây ra cái chết, ai là người đâm nạn nhân. Tuy nhiên để làm bật được thông điệp, ý nghĩa của vở kịch và khán giả phải luôn đặt câu hỏi “Ai là thủ phạm?” trong suốt vở kịch là điều đạo diễn trăn trở nhất. Bằng thủ pháp dàn dựng sân khấu đồng hiện, xen kẽ những bối cảnh xưa cũ là suy nghĩ của lớp trẻ, NSƯT Chí Trung đã khẳng định được bản lĩnh sân khấu của mình khi vẫn giữ được cái “hồn cốt” đậm chất kịch tâm lý, nhân văn của kịch bản mà vẫn tạo sức hấp dẫn ở nhiều mảng miếng hài hước, dí dỏm và bao trùm lên vở kịch khi khắc hoạ tính cách nhân vật đậm dấu ấn thời bao cấp rất sinh động như: Ông Tỷ luôn tọc mạch thưa kiện, bà Loa chuyên đưa chuyện hàng xóm, một ông Đời khúm núm ninh nọt cấp trên, một cán bộ Uy trịnh trọng, hách dịch… Qua tài năng diễn xuất của dàn diễn viên nổi tiếng là NSND Lê Khanh, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Khuê, Vân Dung… cùng nhiều diễn viên trẻ đã mang lại cách thể hiện mới, ấn tượng, hấp dẫn cho vở diễn.

Không chỉ đầu tư xây dựng thủ pháp cho vở kịch, đạo diễn còn thận trọng khi đã mời cả một đội ngũ êkíp có chuyên môn giỏi tham gia vào vở kịch như: Cây viết kịch bản Đinh Tiến Dũng, họa sĩ Doãn Bằng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc… đồng thời vở kịch sẽ dành 4 tháng liên tục dựng vở và luyện tập thay vì 2 tháng như các vở diễn khác.

Khi nói về việc gần đây Nhà hát Tuổi trẻ thường xuyên phục dựng những vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ, liệu có phải do khan hiếm kịch bản hay? NSND Lê Khanh cho rằng: Khi xem kịch khán giả sẽ thấy bi hài ở một điều: “Cũ đấy mà sao mới thế!”. Trong cái cũ ấy, chúng ta giải thích về một cái cũ không thể giải quyết được và chúng tôi mơ ước qua vở kịch sẽ đem đến niềm tin cho thế hệ trẻ. Ngay cả trong ê kịp thực hiện vở kịch đã lâu lắm rồi mới có đến 3 thế hệ nghệ sỹ. Điều đó cho thấy, “Ai là thủ phạm?” được coi trọng với mong muốn thông điệp ấy đến với các nghệ sỹ trẻ trong gia đình nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ.

Chia sẻ về lý do chọn kịch Lưu Quang Vũ, NSƯT Chí Trung nói, trong các kịch bản hiện nay, chưa có một tác phẩm nào có giá trị tương xứng như các tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Bởi vậy, thay vì chạy theo các kịch bản mới, Nhà hát Tuổi Trẻ quyết tâm mỗi năm dựng lại một vở kịch cũ của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ để phục vụ khán giả.

Vở kịch được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết năm 1983 tên là “Không có trong hồ sơ”, sau đó đổi tên thành “Thủ phạm là ai”. Vở kịch đã được 3 đoàn dựng là Nhà hát Kịch Công an (Đoàn kịch Công an), Đoàn kịch nói Nam Định và Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh. Vở kịch đã rất thành công trong thời kỳ đó. Vở kịch “Ai là thủ phạm” dự kiến sẽ được Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt khán giả vào tháng 5/2015.

Vũ Minh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site