22:30 | 27/08/2015

Thị trường mỹ thuật Việt Nam - Dòng chảy lặng lẽ

(LV) - Thị trường mỹ thuật thế giới đã hình thành và phát triển sôi động từ trăm năm nay, còn ở Việt Nam vẫn loay hoay với câu hỏi “Việt Nam có thị trường mỹ thuật hay không?”. Cứ như vậy, thị trường Mỹ thuật Việt Nam chỉ là một “dòng chảy lặng lẽ” chưa tìm được sức bật cho mình.

>>> Khai mạc triển lãm hội họa khu vực I - Hà Nội

>>> Thị trường mỹ thuật ở Việt Nam: Phải được xây từ gốc rễ

Cái khó “bó” thị trường

Có lẽ cái “khó” của thị trường mỹ thuật Việt Nam thì nhiều nhưng tựu chung đều xuất phát từ nhận thức. Nhận thức về mỹ thuật chi phối nhu cầu mua bán, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Từ nhận thức ấy quyết định việc đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ cho thị trường của các nhà quản lý về văn hoá, nghệ thuật, mỹ thuật…

Bà Dương Thu Hằng, Giám đốc Gallery Hà Nội Studio chia sẻ, nói là có thị trường mỹ thuật Việt Nam thì không hẳn vì đó là quá trình tự phát trong dòng chảy hội nhập với thị trường thế giới. Chúng ta thấy bán được thì chúng ta làm chứ chưa có ý thức rõ ràng về một thị trường nghệ thuật mà mình là mắt xích quan trọng. Đó là một trong nhiều lý do khiến thị trường Việt Nam mãi “dậm chân tại chỗ”.

Tranh chép, tranh giả bày bán phổ biến ở nhiều cửa hàng bán tranh
Tranh chép, tranh giả bày bán phổ biến ở nhiều cửa hàng bán tranh.

Một thị trường tự phát, nhỏ lẻ, mạnh ai lấy làm, việc mua bán chủ yếu mang tính cá nhân hoặc thông qua hoạt động đơn lẻ của các Gallery. Nói như ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thì các Gallery ở Việt Nam hoạt động không theo một quy luật nào cũng như không có một sự liên kết nào, không có sự trao đổi thông tin cũng như bảo vệ quyền lợi cho nhau.

Điều đó, khiến cho thị trường nội địa gần như chỉ dừng lại ở việc mua bán các sản phẩm trang trí với giá trị nghệ thuật không cao. Tình trạng chép tranh, tranh giả diễn ra khá phổ biến. Người có nhu cầu mua tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì không biết đâu là thật, đâu là giả. Còn người sở hữu tác phẩm nghệ thuật có giá trị thì không biết bán cho ai, ai sẽ mua và định giá thế nào cho đúng? Vì thế những tác phẩm có giá trị của nhiều hoạ sỹ tên tuổi Việt Nam như: Thiếu nữ bên hoa huệ, Chơi ô ăn quan… đều thuộc sở hữu của người nước ngoài.

Trong khi đó, các tổ chức có uy tín như Bảo tàng mỹ thuật thì gần như đứng ngoài cuộc và thiếu chủ động để khẳng định sự tồn tại của mình trong thị trường mỹ thuật. Nhà nước thì chưa có một cơ chế chính sách rõ ràng để khuyến khích, định hướng cho thị trường mỹ thuật phát triển.

Có lẽ để có một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa quả là một “giấc mơ” xa vời với các nghệ sỹ Việt Nam mà họ hằng ao ước mỗi khi ra nước ngoài.

Giải pháp để “cứu” thị trường

Theo hoạ sỹ Lê Đức Hoà, hiện nay, ở khá nhiều khách sạn từ lớn đến nhỏ ở Việt Nam chủ yếu treo tranh phong cảnh của các nước, còn hình ảnh đẹp của Việt Nam, chưa nói đến các tác phẩm nghệ thuật dù là bản sao hay ảnh thì lại hiếm hoi. Sở dĩ có điều này chính là nhận thức của cả xã hội, khi nhận thức không tốt thì dù chúng ta đưa chính sách tuyệt vời đi chăng nữa thì cũng vô nghĩa.

Để cả xã hội được trang bị kiến thức về mỹ thuật là câu chuyện khó tưởng ở Việt Nam. Bởi lẽ, như PGS.TS. Nguyễn Đỗ Bảo thì đến cả một số người trong giới hoạ sỹ còn không thuộc tranh của các danh hoạ được giải thưởng HCM, thế thì còn nói đến người ngoài. Không ai khác chính những người nghệ sỹ cần trang bị cho mình kiến thức về mỹ thuật để trả lời những câu hỏi đơn giản nhất của người mua tranh. Từ đó họ mới có nhận thức, kiến thức rồi mới hiểu và yêu được tranh...

Bà Dương Thu Hằng khẳng định, những người có tiền không đồng nghĩa với một sự giáo dục đầy đủ về hội hoạ và thẩm mỹ nghệ thuật. Muốn vậy, ngoài chuyện dạy giỗ trong trường phổ thông, cần có một bảo tàng mỹ thuật đương đại dành cho những thế hệ đổi mới - thế hệ ra sau 1975, những năm tháng sôi động nhất của mỹ thuật Việt Nam. Nếu có một bảo tàng đủ tầm cỡ như vậy, chúng ta sẽ có nhiều work shop, bài giảng vô cùng cần thiết để khai trí. Nhưng hiện không có một nơi nào, một bảo tàng nào làm được việc đó.

 Bức tranh “Gió mùa hạ” của cố họa sĩ Phạm Hậu, tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Bức tranh “Gió mùa hạ” của cố họa sĩ Phạm Hậu, tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

Cùng quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có những chương trình thường kỳ nói chuyện mỹ thuật nhưng không kéo dài được. Điều này, đã nói từ mấy chục năm nay nhưng không vận hành được. Theo ông, chỉ còn cách là xã hội hoá, nhà nước nên chọn một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hàng đầu, cho phép họ trích một phần tiền thuế để đầu tư vào mỹ thuật và miễn thuế khoản tiền đầu tư đó, giống như ở nước ngoài. Như thế, thị trường mỹ thuật mới thu hút được những tác phẩm có giá trị, tránh “chảy máu” nghệ thuật ra nước ngoài.

Với những nghệ sỹ vẫn phải sống bằng nghề, họ tự tìm hướng đi riêng. Ngoài việc mở các Gallery, các nhóm hoạ sỹ như Asia Art Link tìm cách giới thiệu tác phẩm thông qua chương trình work shop được tổ chức tại nhiều địa phương trong và nước ngoài, hướng tới đối tượng là người dân thường, làm sao để người xem thấy yêu và quan tâm đến mỹ thuật.

Còn với hoạ sỹ Trịnh Minh Tiến, anh mang tranh đến hội chợ nghệ thuật. Theo anh, hiện có nhiều nghệ sỹ trẻ nhiệt tình tham gia các sự kiện triển lãm, giới thiệu nhưng đưa tranh đến rồi đưa tranh về, mọi cái không giải quyết được gì. Còn Gallery là cánh cửa hẹp, hẹp ngay cả với người Việt. Nên với anh hội chợ nghệ thuật là nơi gần gũi cho những người yêu tranh.

Có lẽ, điều cần nhất cơ quan nhà nước đưa cho họ tiêu chuẩn, tạo cho họ cơ hội cụ thể. Bản thân nghệ sỹ đều mong muốn có nhiều cơ hội để giới thiệu tác phẩm và bán được thông qua hội chợ hoặc bất cứ một hình thức nào khác.

Duy Linh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site