08:28 | 06/10/2015

Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải

(LV) - Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử”, trên 20 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến cảnh tang tóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng, kiên trung của nhân dân đôi bờ Nam - Bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Cụm di tích tại đôi bờ Hiền Lương là minh chứng cho lòng yêu nước, Nam – Bắc một lòng của nhân dân trước những âm mưu chống phá, chia rẽ của kẻ thù.

 >>> Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh

 >>> Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng

 >>> Thành cổ Quảng Trị

 >>> Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo

 >>> Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều

 >>> Di tích lịch sử Đền Hát Môn

 >>> Đền thờ Hai Bà Trưng

Cụm di tích này nằm ở điểm giao nhau giữa đường Quốc lộ 1A và sông Bến Hải; phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Do Linh; cách thị trấn Hồ Xá 7km về phía Nam và cách Thành phố Ðông Hà 22km về phía Bắc.

Cầu Hiền Lương

Sông Bến Hải lúc đầu có tên Minh Lương. Vào thời vua Minh Mạng do trùng với chữ “Minh” phạm phải kiêng húy tên của Vua, do vậy tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Sông Bến Hải cũng còn được gọi là sông “Bến Hói”, tiếng địa phương “hói” có nghĩa là dòng sông nhỏ, từ Bến Hói đọc lệch ra là Bến Hải. 

Cầu Hiền Lương trong những năm tháng chiến tranh
Cầu Hiền Lương trong những năm tháng chiến tranh.

Cầu Hiền Lương là chiếc cầu bắc qua sông Bến Hải nối liền quốc lộ 1A ở km 735. Vào năm 1928, chính quyền phủ Vĩnh Linh huy động dân hai bờ để xây dựng một chiếc cầu đầu tiên. Cầu làm bằng cọc sắt, mặt lát ván gỗ, tải trọng chỉ đủ cho khách bộ hành. Năm 1931, chính quyền Pháp cho sửa chữa lại nhưng cũng chỉ dùng cho người đi bộ và các phương tiện giao thông nhẹ, xe cộ muốn qua sông phải đi bằng phà.

Năm 1943, Pháp nâng cấp cầu một lần nữa, lúc này xe cơ giới loại nhỏ có thể qua lại được. Năm 1950, Pháp cho xây một cây cầu mới bằng bê tông cốt thép, đủ tải trọng cho xe cơ giới vận tải qua cầu và tồn tại gần hai năm thì bị du kích ta đặt bộc phá đánh sập để ngăn chặn việc vận chuyển binh lính và các phương tiện chiến tranh của lính Pháp.

Tháng 5/1952, Pháp cho xây lại cầu Hiền Lương với chiều dài 178m, có 7 nhịp, trụ bằng bê tông cốt thép, thân cầu bằng thép, mặt cầu lát bằng ván gỗ thông. Ðây là cây cầu diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trong giai đoạn hai miền chia cắt. Cây cầu tồn tại được 15 năm, đến năm 1967 thì bị bom Mỹ đánh sập.

Trong những năm từ 1954 - 1967, tức là thời kỳ mà nhân dân hai miềm còn có thể qua lại dưới sự kiểm soát của lực lượng cảnh sát liên hợp thì cây cầu được chia làm hai nửa: một nửa phía Bắc do công an giới tuyến của miền Bắc quản lý, một nửa phía Nam do cảnh sát ngụy quyền miền Nam quản lý.

Cầu Hiền Lương - biểu tượng trực tiếp của nỗi đau chia cắt Bắc – Nam và khát vọng thống nhất non sông. Trong suốt 18 năm chia cắt, chiếc cầu là nơi diễn ra cuộc đấu tranh giằng co, bền bỉ, liên tục và không kém phần ác liệt về chính trị, tư tưởng giữa hai bên. Cũng trong suốt thời gian đó, biết bao tấm gương anh dũng đã hy sinh để bảo vệ cầu, bảo vệ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Cầu Hiền Lương mãi mãi đi vào tiềm thức của nhân dân Việt Nam như một minh chứng hùng hồn cho nỗi đau chia cắt và cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước.

Chiếc cầu hai màu sơn

Để tạo nên hình ảnh chia cắt đất nước ta, Mỹ- Chính quyền Sài Gòn chủ động sơn màu xanh nửa cầu phía Nam. Nhưng với ý nguyện “thống nhất non sông”, chúng vừa sơn xong đầu hôm, thì trong đêm, công an ta sơn nửa phần cầu bờ Bắc bằng màu xanh cho hòa một màu. Thời gian sau chúng lại cho người ra sơn lại phần cầu phía Nam bằng màu nâu. Cứ thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc. Hễ địch sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập, thì lập tức ta sơn lại thành một màu chung. 

Chiếc cầu hai màu sơn
Chiếc cầu hai màu sơn.

“Cuộc chiến sơn màu cầu” kéo dài gần 5 năm trời, cuối cùng chính quyền Sài Gòn phải chịu thua để cho chiếc cầu chung một màu sơn thống nhất. Hành động sơn màu cầu là một cách đấu tranh chính trị nhằm nói lên khát vọng thống nhất đất nước của quân dân chúng ta.

Cuộc đấu trí và đấu lý của công an giới tuyến nhằm bảo vệ hoà bình và cảnh sát nguỵ Sài Gòn cũng rất phức tạp và căng thẳng. Theo Hiệp định Genève, mỗi bên có 2 đồn cảnh sát : đồn Hiền Lương , Cửa Tùng ( bờ Bắc) , đồn Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ Nam) thường gọi là Đồn Liên hợp. Mỗi đồn có 16 cảnh sát làm nhiệm vụ canh giữ và kiểm soát.Công an và cảnh sát hai bờ có nhiệm vụ giữ gìn quy chế khu phi quân sự, kiểm tra người qua lại giới tuyến .

Đồn Công an vũ trang Hiền Lương

Ai muốn qua phải có giấy thông hành do hai đồn hai bên cấp, chỉ được vào các chợ buôn bán, không được đi sâu vào các làng xóm. Hàng tháng vào ngày chẵn, một tổ 3 cảnh sát của ta mang sổ trực qua cầu sang bờ Nam, và vào ngày lẻ, một tổ 3 cảnh sát ngụy sang bờ bắc trao đổi công tác. Ở đồn Cửa Tùng, mỗi tuần cảnh sát hai bên “đổi bờ” một lần với một tổ 6 người. Mỗi đồn thường xuyên có 2 người trực, một ta một địch . Đến cuối tuần, hai bên cùng ký biên bản đổi bờ. Cuốn “sổ trực ban” đồn Cửa Tùng hiện vẫn còn được lưu giữ tại Nhà bảo tàng ở di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Gọi là đồn liên hợp nhưng cảnh sát Sài Gòn thì luôn luôn gây thù hằn, chia rẽ; công an của ta thì kêu gọi đoàn kết thống nhất. Tại đồn liên hợp đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh căng thẳng. Rất nhiều lần cảnh sát Sài Gòn nói xấu chế độ miền Bắc, sử dụng chính sách mị dân, nịnh nọt dụ dỗ, lôi kéo nhân dân. 

Đồn Công an vũ trang Hiền Lương
Đồn Công an vũ trang Hiền Lương.

Tháng 4/1960, một tổ cảnh sát Sài Gòn sang bờ Bắc làm việc; chúng lân la đến tổ dệt xăm (lưới) của phụ nữ Vinh Quang , nói xấu miền Bắc, lập tức bị các chị đáp lại thẳng thừng : “Các anh có mắt như mù, Mỹ- Diệm không độc ác sao có Luật 10-59” làm cho chúng không nói thêm gì được. Điều trớ trêu là chiến sĩ công an ta phải cùng đi với kẻ thù trên một con đò, ngồi cùng một bàn làm việc. Có những lúc địch dùng vũ lực thô bạo, khiêu khích đe dọa đến tính mạng, nhưng các chiến sĩ vẫn bình tĩnh, dũng cảm đấu trí, đấu lý vạch mặt kẻ thù.

Ngày 24/4/1962, bọn địch xúi linh mục và 150 giáo dân di cư ở bờ Nam tổ chức mít tinh phản đối chế độ miền Bắc, lập tức bị các chiến sĩ ta vạch mặt bằng những lời rất thuyết phục, buộc đám biểu tình phải giải tán. Lối sống văn hóa và lòng nhân ái của chiến sĩ ta đã thức tỉnh nhiều tên sĩ quan và binh lính Sài Gòn. Điển hình vào tháng 7-1959, hai cảnh sát đồn Cát Sơn qua đò đổi gác, thuyền bị gió lật chìm; cảnh sát bờ Nam đứng nhìn đồng đội mình bị nạn mà không cứu, công an đồn Cửa Tùng ở bờ Bắc đã nhanh chóng lao xuống sông cứu sống hai cảnh sát ngụy. Hành động đó đã cảm hóa một số cảnh sát bờ Nam, làm phân hóa đội ngũ của chúng. Nhờ đó, các chiến sĩ công an ta xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến trong lòng địch.

Cột cờ Hiền Lương

Theo quy định của Hiệp định Genève, tất cả các đồn công an ở giới tuyến đều có cờ treo lên hàng ngày. Ðể giương cao lá cờ - biểu tượng chủ quyền, ý chí, sức mạnh của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 10/8/1954, cột cờ đầu tiên được dựng ở bờ Bắc, giữa sân nhà A và B đồn công an Hiền Lương. Cột cờ làm bằng gỗ, cao 12m, trên đỉnh treo lá cờ bằng vải sa tanh đỏ rộng 24m2. Cột cờ thứ hai cũng bằng gỗ cao 18m, lá cờ rộng 32 m2. Việc nâng chiều cao cột cờ và bề rộng lá cờ là một cuộc chạy đua liên tục giữa chính quyền hai phía. Ngay sau khi bờ Bắc dựng cột cờ bằng gỗ cao 18m thì ở bờ Nam, chính quyền Ngô Ðình Diệm cho dựng một trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m. Trên đỉnh treo một lá cờ lớn, có hệ thống đèn nêông nhấp nháy đủ màu. Ngày 19/7/1957, Khu ủy Vĩnh Linh cho dựng cột cờ bằng thép ống cao 32m, trên đỉnh có gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, năm đỉnh ngôi sao gắn một chùm bóng điện (15 bóng) loại 500W, lá cờ rộng 108 m2. Chính quyền Sài Gòn lại tôn cột cờ ở bờ Nam lên 35m. Năm 1962, Chính phủ ta điều một đơn vị xây dựng chở vật liệu từ Hà Nội vào xây dựng một cột cờ cao 38,6m bằng thép ống. Cách đỉnh 10m có một cabin dùng để chiến sĩ ta thu cờ và treo cờ. Lá cờ lúc này có kích thước 9,6m x 4m = 134m2. 

Cột cờ Hiền Lương
Cột cờ Hiền Lương.

Ðể cho cột cờ - biểu tượng của dân tộc đứng vững dưới mưa bom bão đạn nhằm động viên cổ vũ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh sinh tử với Mỹ - ngụy, các chiến sĩ đồn công an Hiền Lương đã ngoan cường chiến đấu bảo vệ cờ. Cùng với nhân dân Vĩnh Linh, các chiến sĩ ta đã đào 18km đường hào, xây 48 ụ súng phòng không xung quanh khu vực cầu Hiền Lương; đặc biệt, biết bao tấm gương cảm động của nhân dân vùng giới tuyến đã không ngại gian khó, hy sinh để thực hiện những nghĩa cử cao đẹp cho lá cờ tổ quốc luôn tung bay như: mẹ Nguyễn Thị Diệm đã thức trắng bao đêm để vá cờ dưới làn mưa đạn trong hàng chục năm trời.

Hệ thống loa phóng thanh

Trong cuộc đấu tranh liên tục và bền bỉ giữa ta và địch ở giới tuyến thì truyền thanh đã góp phần rất quan trọng nhằm đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh chính trị, giáo dục, tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân vững tin vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trên lĩnh vực này, sự đối đầu giữa hai bên diễn ra căng thẳng và rất quyết liệt trong đó có việc chạy đua về kỹ thuật âm thanh, về nội dung và hình thức tuyên truyền. Chính vì thế, một hệ thống loa phóng thanh ở bờ Bắc đã ra đời.

Hệ thống loa được bố trí thành 5 cụm (Bến đò tùng Luật - Tân Mỹ - Hiền Lương và 2 cụm ở Vĩnh Sơn), trên một chiều dài 1.500m, tập trung ở những tụ điểm đông dân cư, mỗi cụm gồm một trụ có gắn 40 loa công suất từ 25 đến 250W. Tổng công suất của 5 cụm cố định này hơn 7000W. Ngoài ra còn có một số loa bổ sung khi cần thiết, một loa lớn có công suất 500W (đường kính vành loa rộng đến 1,7m) đặt trên xe cơ động để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền dọc bờ sông. Ðể cung cấp điện cho hệ thống loa có công suất lớn này, một đường dây cao thế 6KVA dài hơn 40 km đã được kéo từ Vĩnh Sơn đến Tùng Luật. Tất cả các giàn loa này được tăng âm bởi trạm cao tần đặt tại Liêm Công phường (Vĩnh Thành), cách cầu 2,5km về phía Bắc.

Có thể nói từ năm 1954 - 1965, hệ thống loa phát thanh ở bờ Bắc sông Bến Hải đã đóng góp một phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chính trị giữa ta và địch trên trận tuyến hai bên bờ Bến Hải.

Ðến năm 1965, hệ thống loa phóng thanh cả hai bờ Nam - Bắc không còn hoạt động nữa. Cuộc chiến bằng loa phóng thanh buộc phải nhường chỗ cho cuộc chiến đấu quyết liệt bằng bom đạn. 

Hệ thống loa phóng thanh
Hệ thống loa phóng thanh.

Năm tháng đã đi qua, chiến tranh đã lùi về quá vãng, vết thương chia cắt đất nước giờ đã liền sẹo và đi cùng với nó là sự xóa nhòa những dấu tích oanh liệt một thời. Dẫu vậy, thời gian tuy có nghiệt ngã đến mấy thì cũng không thể nào xóa được tiềm thức về một quá khứ hào hùng của nhân dân ta ở hai bờ Bến Hải. Cụm di tích Ðôi bờ Hiền Lương là một bằng chứng sống động nhắc nhở chúng ta và hậu thế mai sau về một thời chia cắt, một thời bi hùng đã qua.

Ðôi bờ Hiền Lương – Bến Hải từ trong cuộc đấu tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đã trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và rạng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước. Khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương – Bến Hải là di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 235/VH-QÐ ngày 12 tháng 12 năm 1986; Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định Số 2383/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2013.

Kim Nương (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site