08:10 | 25/04/2016

Thưởng lãm Kim sách nghe “chuyện hoàng cung”

(LV) - Mỗi cuốn Kim sách không chỉ chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa của một triều đại mà còn là di sản vô giá. Đáng chú ý, nhiều cuốn kim sách còn kèm theo Kim bảo được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện.

>>> Tết xưa làm lịch 

>>> Khai mạc trưng bày “Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn” 

Từ tuyệt tác chạm khắc “những trang sử vàng”…

Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được chế tác từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các Hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Lời sách do đích thân các Hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn. Việc chế tác được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện. Sưu tập Kim sách triều Nguyễn bằng vàng và bạc mạ vàng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia bởi vậy có thể xem là tuyệt tác chạm khắc ghi lại “những trang lịch sử vàng” đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

"Kim sách triều Nguyễn" làm theo khổ chữ nhật đứng, bìa trước và sau trang trí hình rồng 5 móng hoặc hình phượng, gáy đóng 4 khuyên tròn.

Kết quả nghiên cứu nội dung sưu tập Kim sách triều Nguyễn cho thấy có trường hợp một Hoàng đế dâng, ban nhiều Kim sách cho nhiều người khác, hoặc một người nhận được nhiều Kim sách từ nhiều Hoàng đế tương ứng với nhiều tôn hiệu khác nhau. Như số lượng Kim sách do Hoàng đế Gia Long cho đúc lên tới 33 cuốn. Ngược lại, như trường hợp Hoàng Thái hậu Tự Dụ, nhận được nhiều Kim sách phong, dâng tôn hiệu từ lúc làm Quý phi cho tới khi làm Thái hoàng thái hậu và thụy hiệu sau khi mất.

Theo nhận xét của các chuyên gia và các nhà khảo cổ, Kim sách triều Nguyễn được chế tác vô cùng tinh xảo, đạt tới trình độ cao về kỹ thuật và mỹ thuật. Như cuốn Kim sách phản ánh sự kiện Hoàng đế Gia Long lên ngôi ở điện Thái Hòa, Kinh đô Huế, tháng 5 năm Bính Dần (1806), năm thứ 5 đời vua Gia Long - vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn có trọng lượng lên tới 2,1kg, được lưu truyền qua các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức...

Kim sách Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Hoàn
Kim sách Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Hoàn.

Cũng thông qua nghiên cứu nội dung Hoàng đế Gia Long truy dâng tôn hiệu, tôn thụy cho các Chúa Nguyễn và Hoàng hậu thời Chúa Nguyễn, Kim sách dâng tôn hiệu cho Chúa Nguyễn Hoàng - người đầu tiên vào lập nghiệp và xây dựng chính quyền ở Đàng Trong, tạo tiền đề cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn sau này.

Ở nội dung Kim sách tấn phong Hoàng hậu cũng kể câu chuyện lịch sử khá đặc biệt, trong 13 đời Hoàng đế triều Nguyễn chỉ có hai lần lập Hoàng hậu là Hoàng đế Gia Long lập Hoàng hậu Tống Thị Lan (Thừa Thiên Cao Hoàng hậu) và Hoàng đế Bảo Đại lập Hoàng hậu Nam Phương...

… đến chuyện “thâm cung bí sử”

Trong sưu tập Kim sách triều Nguyễn, có duy nhất một cuốn nói về việc giáng chức liên quan đến Trang Ý Hoàng Thái hậu. Bà là Hoàng Quý phi của Hoàng đế Tự Đức, được kính trọng chỉ sau Từ Dụ Hoàng Thái hậu.

Kim sách Hoàng đế Tự Đức giáng Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên xuống làm Trung phi
Kim sách Hoàng đế Tự Đức giáng Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên xuống làm Trung phi.

Theo nội dung ghi trong Kim sách, bà là người có học vấn, hiểu lễ nghi, được Hoàng đế hết lòng sủng ái, giao trông coi 6 viện. Một lần, cung nhân thuộc 6 viện tiến cơm chậm làm phật ý Hoàng đế, bà bị giáng chức xuống làm Trung phi. Tuy nhiên, trước khi mất, Hoàng đế Tự Đức để lại di chiếu tôn phong bà làm Khiêm Hoàng hậu. Các Hoàng đế đời sau thực hiện di chiếu, tiếp tục tôn bà làm Hoàng Thái hậu, Thái hoàng thái hậu.

Cuốn Kim sách giáng chức này cùng các Kim sách khác kèm theo Kim bảo dâng tôn hiệu cho bà như: Kim sách Hoàng đế Đồng Khánh ca tụng công đức và tấn tôn Khiêm Hoàng hậu Trang Ý Hoàng Thái hậu; Ấn “Trang Ý Hoàng Thái hậu chi bảo” được Hoàng đế Đồng Khánh cho đúc cùng Kim sách tấn tôn Trang Ý Hoàng Thái hậu; Kim sách Hoàng đế Thành Thái ca tụng công đức và dâng tôn hiệu Trang Ý Hoàng Thái hậu làm Trang Ý Thuận Hiếu Thái hoàng thái hậu…

Sau khi bà mất, nhà Nguyễn dâng tôn thụy Lệ Thiên Phụ Thánh Trang Ý Thuận Hiếu Cần Thứ Ôn Từ Hiền Minh Tĩnh Thọ Anh hoàng hậu (Lệ Thiên Anh Hoàng hậu); Ấn “Trang Ý Thuận Hiếu Thái hoàng thái hậu chi bảo” được Hoàng đế Thành Thái cho đúc cùng Kim sách tấn tôn Trang Ý Thuận Hiếu Thái Hoàng Thái hậu.

Mỗi cuốn Kim sách có thể mở ra cho người xem những điều thú vị của một triều đại trong lịch sử. Những câu chuyện hoàng cung triều Nguyễn ghi trong Kim sách sẽ đưa hậu thế ngược dòng quá khứ tìm hiểu, nghiên cứu về loại hình thư tịch đặc biệt để hiểu thêm về lịch sử, văn hóa triều Nguyễn - triều đại cuối cùng của nhà nước phong kiến Việt Nam.  

 

Lần đầu tiên một phần bộ sưu tập Kim sách triều Nguyễn được Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu tới công chúng qua trưng bày chuyên đề “Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn” (1802 - 1945). Với 22 cuốn Kim sách tiêu biểu và 10 Kim bảo liên quan được sắp xếp một cách trang trọng, hệ thống, trưng bày mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 31/3 đến đầu tháng 8/2016.

Sa La
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site