09:47 | 04/05/2016

Kéo co - nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc

(LV) - Cùng với Hàn Quốc, Campuchia và Philippine, Kéo co của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Tiêu biểu là kéo co ngồi ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên; kéo mỏ ở xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và kéo song ở Thị trấn Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc.

>>> Nghi lễ kéo co của người Tày ở Trung Đô 

>>> Kéo co được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại 

Kéo co trong lịch sử

Kéo mỏ trong Hội đền vua Bà ở thôn Xuân Thu, xã Xuân Lai, huyện Sóc Sơn, Hà Nội
Kéo mỏ trong Hội đền vua Bà ở thôn Xuân Thu, xã Xuân Lai, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Là một trò diễn hầu Thánh, nguồn gốc lịch sử của kéo co thường gắn với một tín ngưỡng dân gian, một nhân vật được thờ tự cùng với một niềm tin, niềm mong ước nào đó của cộng đồng.

Kéo co ngồi ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội là một trò diễn nghi lễ trong Hội làng của người dân thôn Ngọc Trì, xã Cự Linh, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nay thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đây là trò diễn hầu Thánh Linh Lang, Thành Hoàng của làng.

Kéo mỏ là một trong bốn trò diễn mang tính nghi lễ trong hội đền Vua Bà ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, Sóc Sơn, Hà Nội được tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng âm lịch, được coi là lễ hội quan trọng nhất của làng. Sau các nghi thức tế lễ có 4 trò trình diễn luôn được thực hành gồm: Chạy thi lấy nước nấu cơm; Chạy cờ, Kéo mỏ và Vật thờ.

Kéo song là một trong những trò chơi dân gian truyền thống của 3 làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh (tên nôm là 3 làng Cánh), hiện nay thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hội làng Cánh ngày xưa được tổ chức tại đình Hương Canh(đình Cả).Các cụ cao niên cho biết kéo song xuất hiện trong lễ tế tháng 2 năm Quý Mùi (1943) và diễn ra vào cả 3 ngày hội của 3 làng là 15, 16,17 tháng hai Âm lịch (tiết Xuân tế). Hơn 50 năm qua, trò Kéo song vẫn được duy trì hàng năm, trò diễn chỉ bị ngắt quãng 1,2 năm do không tìm mua được dây song dùng để kéo.

Cách thức thực hành

Việc thực hành kéo co cũng có những khác biệt từ công cụ kéo co đến cách thức lựa chọn người tham gia và những kiêng kỵ.

Kéo co ngồi: Được thực hiện trên ruộng hoặc nền đất. Cây song dùng kéo co ngồi phải có độ dài 25-30m, đường kính 5cm. Đầu và ngọn bằng nhau. Cây song mang về được ngâm dưới giếng một tháng trước khi mang lên kéo.Cột kéo co hình trụ, to như cột đình, làm bằng gỗ lim, sơn đỏ.Trên thân cột đục một lỗ tròn để luồn dây song.Đến mùa hội thì được mang ra chôn ở nơi kéo co. Nay dây kéo co có thể thay bằng dây chão nhưng độ dài và đường kính cũng phải tương đương như dây song.

Người tham gia kéo co ngồi được gọi là “giai kéo co”; người chỉ huy mỗi đội kéo co ngồi gọi là Tổng cờ. Khi kéo co, giai kéo co ngồi chân co chân duỗi, trong đội hình từng phe, lần lượt ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây kéo co. Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, dây được kẹp chặt dưới nách của tay co. Sau khi có hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra. Hai tổng phất cờ hô “í a, kéo”.Tổng cờ chạy lên chạy xuống, quệt lá cờ lệnh vào mặt, vào đầu các giai kéo của phe mình vừa để làm hiệu khi nào kéo, khi nào nghỉ, vừa để cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho đội kéo.

Kéo mỏ: Hai cây tre móc vào nhau dùng để kéo co gọi là mỏ. Tre dùng để làm mỏ phải là tre bánh tẻ, có màu xanh biếc, đủ ngọn, đủ lá, không được cộc, trong thân cây tre không được có tổ kiến, thưa đốt, dài từ 7-8m. Người đi chặt tre phải là người song toàn (còn cả ông cả bà).Tre chặt về phải làm lễ kính báo với Đức Thánh Bà và xin phép được làm mỏ kéo.Khi làm mỏ phải tính đốt, thường đến đốt thứ 9 tính thêm 3 đốt nữa để bẻ quặt mỏ lại.

Người tham gia kéo mỏ là trai đinh trong làng, tuổi từ 18-35.Mỗi năm có 2 xóm được tham gia kéo. Mỗi xóm chọn ra một đội, có thể là 5,7 hoặc 9 người tùy từng năm (quan niệm số người kéo phải là số lẻ). Vào hội, sau khi làm lễ trình Thánh, hai đội đứng vào hai đầu mỏ.Khi thi đấu các cụ thường kẻ 3 điểm vạch. 1 vạch trung tâm và 2 vạch thắng thua, nếu bên này sang bên kia 50 cmlà thua. Thường kéo 3 hiệp.Hiệp đầu gọi là kéo “dẹp đám”, hai hiệp sau mới phân thắng bại.Các cụ không tuyên bố thắng thua mà chỉ tuyên bố đồng giải, người dân xem sẽ tự biết để dự đoán mùa màng năm đó.

Kéo song: Là trò kéo co bằng dây song luồn qua một chiếc cột lim chôn xuống đất; trai tham gia kéo song được gọi là song thủ. Xưa, các song thủ là trai đinh của 9 cơ, 21 ngõ thuộc 3 làng kẻ Cánh, độ tuổi trên 20. Các hương lão chọn các song thủlà người khỏe mạnh, gia đình song toàn. Mỗi làng là một đội, gồm 25 người, trong đó có một người chỉ huy gọi là Trịch song (tướng), một người phụ giúp (sĩ).

Dây song dùng để kéo phải chọn dây song mật, đốt (lóng) dài đều, gốc và ngọn tương đối bằng nhau, không bị sâu đục, không cụt ngọn, có độ dài từ 50-70m, đường kính 4-5cm. Việc chọn dây song được các bô lão cử người trước khi đến hội khoảng 7-10 ngày, dây được mang ra ngâm xuống giếng nước để tăng độ dẻo trước khi mang ra kéo.Sau phần nghi lễ, các đội tập trung tại bãi kéo song.Cụ Chủ tế lấy dây song luồn qua lỗ cột trụ, chia đều khoảng cách dây và đánh dấu bằng vôi trắng.Các làng cử ra 2 cụ chức sắc, có uy tín cầm hai đầu dây kéo đi kéo lại trong khoảng 3 phút.Đây được gọi là “kéo nghi lễ.”

Sau nghi thức kéo nghi lễ, “tướng, sĩ” của mỗi đội cầm cờ đuôi nheo đứng bên phải để chỉ huy đội mình.Sau hiệu lệnh của cụ Chủ tế, từng cặp song thủ vào vị trí hố đã định sẵn. Mỗi hố 2 song thủ, hố cuối cùng 1 song thủ, 2 song thủ đứng đầu mỗi đội phải là người khỏe mạnh nhất đội gọi là “trụ song”. Khi kéo đứng một chân, một chân đạp vào cột để lấy lực giữ chắc dây, có khi họ dùng cả hai chân đạp vào cột để tăng thêm lực kéo còn các song thủ dùng chân đạp thẳng vào thành hố, ngả mình ra, họ có thể ngồi hay nằm trong hố của mình, hoặc cũng có thể cùng nhổm dậy để lấy lực kéo. Sợi song bị ghì quyết liệt, kéo đi kéo lại sát lỗ cột đến mức nóng bỏng, bốc khói. Đội thắng là đội kéo được sợi song quá vạch sơn 50cm. Đội yếu khi bị kéo dây nhiều về phía bên đội mạnh, các song thủ phía cuối dây sẽ không còn dây nữa gọi là “mất lỗ”. Đội nào mất 3 lỗ cũng coi như bị thua. Trường hợp có đội bị kéo mất hết cả dây, các cụ gọi là thua theo kiểu xâu táo (thua trắng). Chỉ huy mỗi đội kéo là ông trịch song.Trịch song phải là người mưu mẹo, có kinh nghiệm sử dụng quân của mình biết khi nào ghìm, khi nào kéo để đảm bảo thắng lợi.Thời gian kéo co không quy định.

Kéo co và những giá trị văn hoá tâm linh

Tính cộng đồng thể hiện trong niềm tin khi thực hành kéo co là giá trị văn hóa đầu tiên.Ý nghĩa tâm linh của kéo co thể hiện ước vọngcủa cộng đồngvới ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.Đây là trò diễn có nguồn gốc sâu xa từ tín ngưỡng phồn thực.

Hội làng là một hình thức tưởng nhớ các vị Thánh Thần được thờ của cư dân nông nghiệp làng xã, đồng thời cầu mong một năm mới với vụ mùa bội thu. Các trò diễn dân gian, trong đó có kéo mỏ, kéo co, kéo song là những nghi lễ hầu Thánh của người dân nông nghiệp. Mặc dù theo thời gian, có những sự thay đổi trong việc thực hành trò diễn, nhưng về bản chất, kéo co vẫn mang đậm giá trị lịch sử của nó. Và điều đó xứng đáng để kéo co được ghi danh là một nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

TS. Lê Thị Minh Lý - Ths. Phạm Kim Ngân
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site