07:00 | 27/05/2016

Lê Thanh Phong:

Ví, Giặm chao nghiêng trong lồng ngực trẻ

(LV) - Mỗi lần về quê, Lê Thanh Phong lại “xách một giỏ” Ví, Giặm đã được phối khí sẵn, mang ra Hà Nội. Một tuần gặp nhau ít nhất một lần, những người trẻ yêu Ví, Giặm như Phong cùng nhau trên bến dưới thuyền ở mạn hồ Tây mà ngân lên câu dân ca làm say lòng du khách.

>>> Người phụ nữ Dao đỏ làm giàu từ vốn tri thức bản địa

>>> Người đàn ông bắt trai nhả ngọc bên sông Đáy 

Hát một câu Ví mà thấy được tình thâm

“Người ơi... trăm năm đá nát vàng phai/ Đốt chùa không tội bằng sai lời nguyền/ Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình...”. Phong lém lỉnh hát để “chào khách” - là tôi, rồi mới bắt đầu cuộc trò chuyện về Ví, Giặm ngay tại một quán cà phê giữa Hà Nội chớm nở mùa hoa loa kèn.

Phong biết Ví, Giặm từ khi nào? “Từ nhỏ, tôi đã được nghe bà nội, bà ngoại hát dân ca Nghệ Tĩnh. Mẹ thì khỏi phải nói rồi, nựng con trai bằng cách ôm con ngồi hát dân ca…”, Phong đã nói như thế về sự nhạy cảm đặc biệt của mình có được đối với dân ca xứ Nghệ.

Lãng đãng tuổi thơ, Phong thích trèo lên núi Quyết, ngồi một mình để ngắm sông Lam mải miết chảy. Rồi ngẫu hứng ứng tác theo từng làn điệu Ví, như: “Ví đò đưa”, “Ví phường vải, phường cấy”, “Ví ghẹo”…

Phong thú nhận, điều may mắn là tâm hồn mình thực sự nhạy cảm với điệu Ví, Giặm quê hương. Lớp lớp ân tình có trong Ví, Giặm đã làm Phong mỗi khi hát lên những bài như: “Phụ tử tình thâm”, “Lời mẹ hát”… là rơm rớm nghĩ về tình cha nghĩa mẹ của mình.

Những người trẻ của câu lạc bộ UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ hát Ví, Giặm ở ven hồ Tây
Những người trẻ của câu lạc bộ UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ hát Ví, Giặm ở ven hồ Tây.

Làm sao để hát được thuần thục một số làn điệu Ví, Giặm khi Phong chưa tròn 15 tuổi? Từ nhỏ, cậu bé Phong đã chăm chỉ nghe đài phát các chương trình dân ca, rồi học thêm nhạc lý do bố mẹ dạy. Cứ thế, Ví, Giặm ngấm vào trong máu thịt, đủ để Phong khi cất lời là tự nhiên, mộc mạc. Năm 16 tuổi, Lê Thanh Phong đã làm nên điều bất ngờ đầu tiên: Mang điệu “Tứ Hoa” của dân ca Nghệ Tĩnh lồng vào lời bài “Những lời thầy chưa kể” do chính mình biên soạn, đứng hát trên sân khấu Liên hoan Tiếng hát Tuổi hồng toàn quốc 2008. Dư âm từ chiếc Huy chương vàng của cuộc thi thời tuổi hồng vẫn còn làm Phong vui mãi.

Những cặp“nâu sồng và váy đụp”

Ai đi qua phố Vệ Hồ, chiều thứ 5 hàng tuần, sẽ bắt gặp nhóm nam thanh nữ tú đang hát Ví, Giặm. Một số người trẻ nói và hát giọng Nghệ. Số còn lại hát giọng Nghệ, nhưng nói tiếng Bắc, đang cố tập nhả chữ sao cho na ná thổ âm tiếng Nghệ. Khởi sự, họ theo ba chặng hát: Hát chào, hát đố - hát xe kết và hát tiễn. Cũng vận váy đụp (nữ), quần áo thâm nâu (nam). Cũng tổ chức trên bến dưới thuyền để nam thanh nữ tú đối đáp giao duyên ý tình trọn vẹn. “Như thế mới về gần với chất Nghệ trong Ví, Giặm”, Phong đúc kết.

Mới đây, Phong mở một kỳ thi tuyển trong câu lạc bộ để chọn ra các thành viên cốt cán, theo ba tiêu chí: Đã từng sát cánh với câu lạc bộ ngay từ đầu, có khả năng hát hay múa đẹp, đặc biệt là có cái tâm trong sáng của người trẻ đối với dân ca. Khéo léo và nhanh nhạy, Phong thành lập Đoàn nghệ thuật thực nghiệm thuộc Câu lạc bộ UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ (thuộc Liên hiệp UNESCO Việt Nam bảo trợ) khi đã có được đội ngũ bền tâm vững chí với Ví, Giặm quê nhà.

Từ niềm đam mê hát Ví, Giặm sơ khởi nơi sân đình Xuân La, họ đã bước lên sân khấu của Liên hoan các miền di sản, rồi đi diễn cho các sự kiện văn hóa ở các tỉnh. Mới đây, Công an tỉnh Thái Nguyên mời Đoàn về diễn ở Trại giam Phú Sơn, trong khuôn khổ chương trình “Lời trái tim”. Cất lên lời của bài “Phụ tử tình thâm” cho các cán bộ, tù nhân ở Trại giam Phú Sơn nghe, không ít người đã khóc. Khi diễn xong, Phong kể lại, tù nhân còn xếp hàng bắt tay từng người trong đoàn. Dịp về Ninh Bình biểu diễn, với bài “Lời mẹ hát” mà Phong làm cho các cụ già phải nghẹn ngào. Phong vui lắm khi có bà cụ cứ ôm chầm lấy mình, bảo rằng: “Con ơi, mấy năm bà chưa về thăm quê, bựa ni nghe con hát mà nhớ ngày xưa. Mẹ của bà xưa cũng thích hát Ví, Giặm”.

Cũng là một ý chí mang Ví, Giặm đi xa hơn bằng nhiệt huyết của trái tim trẻ, Phong tiết lộ: “Tôi đang xin công hàm để đưa Ví, Giặm sang châu Âu”. 23 tuổi, trẻ người mà không hề non dạ, Lê Thanh Phong vừa hân hoan hát Ví, Giặm cùng người trẻ; vừa say mê tìm tòi nghiên cứu về dân ca cùng giới chuyên môn.

Kiều Anh


Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site