18:36 | 11/03/2017

Chuẩn bị đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”

(LV) – Chiều 10/3, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức buổi họp báo thông tin về Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chủ trì buổi họp báo.

Theo đó, Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ diễn ra vào 20h ngày 2/4 (6/3 Âm lịch) tại Quần thể di tích Phủ Dầy xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Đại diện phía tỉnh Nam Định, Giám đốc Sở VHTTDL Khúc Mạnh Kiên cho biết, buổi lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO là dịp để quảng bá, tôn vinh các giá trị đặc sắc của di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” nói chung và hình ảnh quê hương Nam Định giàu truyền thống văn hóa với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế. Từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Nam Định sẽ tổ chức lễ đón bằng trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, có quy mô hợp lý, thể hiện được bản sắc và giá trị của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt” mà Nam Định là trung tâm.

Chương trình gồm hai phần: phần nghi lễ và chương trình nghệ thuật chào mừng. Trong đó nội dung chương trình nghệ thuật tập trung thể hiện rõ bản sắc và những giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; Nam Định - Mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và là Trung tâm của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Theo thông tin của Bộ VHTTDL, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng của người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Tỉnh Nam Định được coi là địa phương có các trung tâm thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng thánh Mẫu. Thánh mẫu Liễu Hạnh còn được thờ cúng tại các đền, phủ lớn khác gắn với huyện thoại về bà như Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)…

"Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn; thúc đẩy tinh thần hòa hợp dân tộc; lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt; đề cao vai trò của người phụ nữ.

Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, nghi lễ lên đồng được coi là trung tâm. Lên đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng Thờ Mãu Tam Phủ. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kết hợp hài hoà, thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng.

Để nghi lễ lên đồng không bị biến tướng, Bộ VHTTDL đề nghị cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã… để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.Bên cạnh đó, cần thực hiện các chức năng tuyên truyền, phổ biến để chính các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hoá trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” mà UNESCO đã ghi nhận. Những thầy đồng cần giữ phẩm chất của một tín đồ Thờ Mẫu, có tâm, có đức, không “phán truyền” cho các con nhang đệ tử, không lợi dụng kiếm lời, không lôi kéo và xúi giục những người khác thực hiện những hành vi mê tín dị đoan.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cho biết, việc UNESCO ghi danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một trong những cơ sở quan trọng để hiểu đúng và đầy đủ giá trị của di sản này. Cùng với Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản này do Bộ VHTTDL ban hành tới đây, Bộ VHTTDL mong muốn báo chí sẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản nói chung và di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” nói riêng để công chúng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, những người thực hành sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và kế thừa, phát huy di sản Tín ngưỡng Thờ Mẫu một cách đúng đắn.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng đề nghị cần ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu để trục lợi, kiếm tiền; lợi dụng niềm tin vào các vị thánh của người dân để tuyên truyền và cổ súy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ và của toàn xã hội. Bên cạnh đó, vinh danh, động viên khuyến khích các cung văn giỏi, có công sưu tâm, truyền dạy hát Văn, những thủ nhang, thầy đồng gương mẫu trong thực hành đúng và kết hợp thực hành với truyền dạy, tuyên truyền giá trị tâm linh, văn hóa và nhân văn của di sản.

Hà Trung

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site