15:27 | 07/06/2017

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Mặt trận quan trọng của quốc gia dân tộc

(LV) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam luôn được Đảng nhận thức là một mặt trận quan trọng, chính sách lớn trong chiến lược phát triển của quốc gia dân tộc.

>>> Hiến kế “kéo khách” đến "Làng"  

Do hoàn cảnh lịch sử, cho nên quan điểm xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người của Đảng cũng in đậm dấu ấn lịch sử, thể hiện khá rõ trong nội dung nhiều văn kiện chính trị lớn.

Từ Đề cương văn hóa Việt Nam 1943

Đảng ta nêu quan niệm về văn hóa bao gồm: tư tưởng, học thuật (khoa học) và nghệ thuật (văn học, nghệ thuật) với vai trò: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và chỉ rõ “nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia). Đề cương văn hóa đã thực sự đem lại một bước tiến mới về chất so với các phương pháp tiếp cận đương thời về văn hóa Việt Nam. Dựa vào nguyên tắc lấy hiện thực lịch sử làm tiền đề, Đề cương văn hóa đã xác định dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa là ba nguyên tắc vận động cho cuộc vận động văn hóa Việt Nam đương đại.

Lễ hội Cầu ngư nhằm tưởng nhớ các bậc tiền nhân và cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ngư dân đi biển thuận lợi
Lễ hội Cầu ngư nhằm tưởng nhớ các bậc tiền nhân và cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ngư dân đi biển thuận lợi.

Năm 1998, trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Đảng ta tiếp tục hoàn thiện đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nếu như ở những thời kỳ trước đó, Đảng ta nhấn mạnh phạm vi và nội hàm của văn hóa chủ yếu ở lĩnh vực nhạy cảm, nhất là văn học, nghệ thuật (gọi tắt là văn nghệ) và đời sống văn hóa cụ thể, thì ở Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), lần đầu tiên phạm vi và nội hàm về văn hóa được đề cập gồm 8 lĩnh vực rộng lớn, không chỉ là văn nghệ mà là cả việc xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, hệ thống thông tin, đại chúng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và văn hóa dân tộc thiểu số, chính sách đối với tôn giáo, mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, hoàn thiện thể chế văn hóa. Đây cũng là văn kiện đầu tiên của Đảng thời kỳ đổi mới đề cập đến một nhiệm vụ cụ thể hết sức quan trọng là xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Đến Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) 2016

Đảng đã xác định xây dựng và phát triển văn hóa nhằm mục đích để đưa dân tộc Việt Nam phát triển và hạnh phúc. Nghị quyết đã khẳng định xây dựng và phát triển văn hóa phải gắn chặt với vấn đề xây dựng và phát triển con người Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Con người trong Nghị quyết Trung ương 9 đã cụ thể hơn, rõ ràng hơn với đầy đủ những yêu cầu về phẩm chất, năng lực cần có của con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây là nét đặc sắc của Nghị quyết Trung ương 9 về văn hóa, là kết quả trực tiếp của thành tựu phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, về vị trí, vai trò của văn hóa trong thời kỳ mới. Việc đặt tên của Nghị quyết “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, một mặt khẳng định vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người đều phải được đặt ra, không chỉ có xây dựng, mà còn phải có phát triển, phát triển trên cơ sở đã xây dựng; ngược lại, không chỉ có phát triển, mà còn phải có cả xây dựng mới. Có nội dung phải bắt đầu xây dựng mới do yêu cầu mới của thực tiễn, mà trước đây chưa xây dựng được, có nội dung trước đây đã xây dựng nhưng trước sự đòi hỏi mới của thực tiễn phải có sự bổ sung, phát triển, hoàn thiện hơn. Mặt khác, xây dựng và phát triển văn hóa phải gắn chặt với vấn đề xây dựng và phát triển con người Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, khi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra trong điều kiện mới, cùng với những thời cơ, thuận lợi, là những khó khăn, thách thức mới, cho nên hơn lúc nào hết, vấn đề phát triển bền vững đất nước được đặt ra với yêu cầu cao hơn. Chỉ có phát triển bền vững mới bảo đảm cho dân tộc ta, đất nước ta giữ được độc lập, tự chủ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài, mới bảo đảm cho chúng ta đứng vững và tiếp tục phát triển. Vì vậy, không thể thiếu vai trò của văn hóa, của con người với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực tinh thần to lớn của sự phát triển bền vững.

Sau 18 năm từ khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ra đời và 2 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, tình hình thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới.

So với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãnh phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận và xây dựng con người. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ.

Vì vậy, yêu cầu tất yếu và cấp thiết đặt ra là phải thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, cách làm, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người đất nước ở thời kỳ mới. Do đó, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, một mặt Đảng ta khẳng định những quan điểm vừa cơ bản, vừa cấp bách để tiếp tục quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đề cập trong các văn kiện và Nghị quyết trước đây; đồng thời, có bước phát triển mới về mặt lý luận về quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trong nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta xác định cần phải phát huy nhân tố con người trong quan hệ với xây dựng môi trường văn hóa. Nghĩa là, không thể có con người mới nếu không có môi trường văn hóa lành mạnh. Bởi môi trường văn hóa có ở trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế đến giáo dục, trong xã hội, trên đường phố, vấn đề giao thông… đều là môi trường văn hóa mà chúng ta phải rất quan tâm xây dựng từng việc từng việc một, từ việc nhỏ đến việc lớn. Toàn bộ nhiệm vụ trọng tâm của Đảng là giải phóng con người tạo cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tư duy lý luận mới của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong Văn kiện Đại hội XII không chỉ đáp ứng sự đòi hỏi thực tiễn đời sống xã hội nước ta hiện nay, mà còn là những định hướng lớn, mang tính chiến lược lâu dài xuyên suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.

Trần Thị Huyền Nga

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site