15:19 | 29/03/2018

Tế tổ, nét đẹp ngày xuân quê tôi

(LV) - Không biết tự bao giờ các dòng họ ở quê tôi có lệ tế tổ đầu xuân tại nhà thờ họ, từ đường. Con cháu trong họ dù ở đâu thì cũng đều tham gia hội tế tổ. Đó là tình cảm tự nhiên của những người cùng chung huyết thống, là đạo lý ở đời làm người không quên nguồn cội và là ngày hội sum vầy của con cháu khi hướng về tổ tiên, dòng tộc.

>>> Bỏ đốt vàng mã, khơi dậy giá trị văn hóa tốt đẹp

Nếp xưa gìn giữ trao truyền

Khi một nhóm các gia đình cùng chung huyết thống sống quần cư đời nối đời phát triển, nhiều gia đình nhỏ tập hợp thành gia đình lớn - dòng họ thì sự hiện diện của những mái từ đường hoặc nhà thờ họ như là địa chỉ đỏ dẫn lối con cháu tìm về nguồn cội gốc tích, tìm về nơi thờ phụng tổ tiên với những người cùng chung huyết thống.

Nhớ ngày bé, cứ mỗi lần theo bố vào thắp nhang từ đường họ, bác cả trưởng họ tôi thường là người mở cửa, giúp chúng tôi châm nhang. Trong cuộc chuyện trò, bác tâm sự: “Cây có gốc mới nở nhành xanh lá/ Nước có nguồn mới biển cả sông sâu/ Người ta nguồn gốc tự đâu?/ Gốc tự tiên tổ rồi sau có mình”. Rồi bác bảo: “Xây từ đường thì dễ, giữ lễ mới khó”. Có lẽ, vì căn nguyên thiêng liêng ấy, tất cả con cháu trong dòng họ tôi, dù đi làm ăn xa, hay thậm chí ở tại quê, vẫn không quên ngày giỗ các cụ thủy tổ và những ngày tế tổ dịp vào xuân.

 

Tế tổ đầu Xuân - nét đẹp truyền thống các dòng họ
Tế tổ đầu Xuân - nét đẹp truyền thống các dòng họ.

Bố tôi bảo: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Xây nên mái từ đường hoặc nhà thờ tổ để là nơi thờ phụng tiên tổ, nơi ghi nhớ nguồn cội của mỗi cá nhân trong dòng họ, nơi con cháu báo công, tự vấn sửa mình, nơi tụ hội tinh thần đại đoàn kết toàn gia tộc để nêu gương sáng, để nhắc nhở cháu con các thế hệ tiếp sau luôn nhớ gìn giữ truyền thống nề nếp gia phong của ông cha mình. Tùy theo điều kiện mà mỗi dòng họ có cách thức và quy mô tổ chức tế tổ khác nhau. Nhưng dù thế nào thì mục đích cao nhất của tế tổ vẫn là tri ân công đức tổ tiên sinh thành, tạo dịp để con cháu gặp nhau sum vầy, nhắc nhở nhau tu thân lập nghiệp, đoàn kết hòa thuận, gắn bó keo sơn. Vì thế, bao năm qua, tế tổ trở thành nề nếp truyền thống của các dòng họ, nó tồn tại, được tự nguyện duy trì, phát triển và là nét đẹp điểm tô cho bức tranh văn hóa truyền thống của làng xã thời kỳ mới giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc.

Ngày hội của con cháu trong họ

Trong cái lạnh se sắt, phảng phất mưa bay của mùa xuân, hội tế tổ họ tôi năm nay tổ chức vào cuối tuần. Bác trưởng họ bảo, việc tế tổ phải tổ chức nghiêm trang, trọng thể, thành kính. Con cháu về dâng hương nếu có điều kiện thì nên hỗ trợ dòng họ kinh phí tổ chức, thuê đội tế lễ, mua lễ vật, sắm sửa mâm lễ và lo cỗ bàn... Nếu không có điều kiện thì tham gia tiền giọt dầu nén nhang gọi là thơm thảo tấm lòng với tổ tiên, trên tinh thần tùy tâm, tất cả đều tham gia để mái từ đường được ấm cúng, con cháu sum vầy.

Năm nay con cháu trong họ về đông đủ. Ai cũng hân hoan. Bác trưởng họ hỉ hả: Thời buổi hiện đại công nghệ số, có internet và mạng xã hội, bác đã chỉ đạo anh con trai lập hẳn một trang facebook gồm nhóm các con cháu trong dòng họ, rồi theo đó mà liên lạc, điện thoại để con cháu trong họ biết thông tin cùng tham gia lo liệu các công việc của họ đấy!

 

Các cụ cao niên bái kính tổ tiên dòng họ
Các cụ cao niên bái kính tổ tiên dòng họ.

Họ tôi tế tổ trong hai ngày. Ngày đầu là lễ tế, ngày tiếp theo con cháu vui liên hoan. Những hình ảnh xưa cũ trong ký ức mà bố tôi kể như được dựng lại trước mắt tôi ngày hội tế: sự cầu kỳ, cẩn trọng, kỹ càng, từ trang trí không gian trong ngoài từ đường, cắm cờ hội, treo các bức trướng, đến chuẩn bị bàn thờ lễ, không gian lễ cho đội tế, thầy cúng tế, đến chương trình tế... Ngày tế, các cụ cao niên trong họ, cùng bác trưởng họ, bố tôi, chỉnh trang khăn đóng áo dài, các con cháu chỉnh tề quần áo đẹp, phấn khởi đoàn tụ dưới mái từ đường, trong bầu không khí trang trọng, thân tộc ấm tình đoàn kết, tươi vui như nắng sớm ngày xuân, như chim trời về tổ, lá rụng về cội, nước chảy về nguồn. Đội tế lễ chỉnh trang từ trang phục đến cung cách hành lễ, rồi cử hành theo nhạc lễ, bài bản, con cháu kính cẩn, nghiêm trang. Sau khi đội tế lễ xong, con cháu từng phái, từng gia đình theo chương trình ấn định lần lượt đội mâm lễ vào tế tổ, châm nén nhang thơm, thành kính đảnh lễ, trong làn khói hương lan tỏa, tỏ lòng hiếu kính nhớ công ơn tiên tổ đã hao tổn trí lực, mồ hôi nước mắt, lập nên cơ đồ ngàn đời để các thế hệ con cháu về sau được vinh thăng, hãnh tiến, tiếp tục dựng xây dòng họ ngày càng thịnh vượng, phát triển.

 

Con cháu trong dòng họ về dự lễ tế tổ
Con cháu trong dòng họ về dự lễ tế tổ.

Sau ngày tế lễ, là ngày hội của con cháu cả dòng họ. Đám trẻ con xúng xính quần áo đẹp nô đùa vui chơi thỏa thuê. Mọi người trong họ phấn khởi đụng lợn, mổ gà... làm cỗ bàn liên hoan, tiếng cười nói trò chuyện hỏi han vui đùa rộn ràng không ngớt. Góc sân kia, nhóm thanh niên trẻ hào hứng thi thố hát hò, nhảy múa, nhạc trẻ tưng bừng... Tế tổ quê tôi vui hơn cả Tết! Chẳng thế mà, ông anh họ tôi, tuổi ngoại tứ tuần, cứ mỗi lần từ miền Nam về dự tế tổ, lần nào cũng bịn rịn, nấn ná hàng chục ngày ở quê rồi mới đi. Năm nay, được cô em tặng bức ảnh chụp làng quê có mái từ đường, đã rưng rưng xúc động: “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/Quê nhà một nỗi nhớ mênh mang”. Có lẽ, vì đối với người xa quê, thấm thía vô cùng hai tiếng gọi “quê hương” - “nơi giọt máu xuôi về”.

Ths. Hoàng Huyền

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site