09:58 | 17/07/2018

Mong mỏi hồi sinh nghệ thuật cải lương

(LV) - Với 100 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật cải lương đã có thời kỳ hoàng kim, đặc biệt là thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước. Hiện nay, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, cải lương đang đứng trước nhiều khó khăn. Là đơn vị đầu ngành của Bộ VHTTDL về loại hình nghệ thuật cải lương, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang nỗ lực tìm lại “một thời vang bóng”.

>>> Thầy Ba Đợi biểu diễn tại Hà Nội

Khẳng định thương hiệu Nhà hát hàng đầu

Trong năm 2016 khi hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là đối với nghệ thuật truyền thống gặp rất nhiều khó khăn thì Ban Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cùng với cán bộ, nghệ sĩ của hai đoàn nghệ thuật vẫn tiếp tục đi đúng định hướng nghệ thuật xây dựng các tác phẩm sân khấu có chất lượng, đồng thời tìm mọi cách để có được những vở diễn lịch sử có đời sống bằng những đêm diễn tạo nhịp cầu nối giữa cải lương và đông đảo các tầng lớp khán giả.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Quyền Giám đốc Nhà hát cho biết: “Trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật cải lương không diễn được trọn một vở phải xây dựng các chương trình nghệ thuật tổng hợp để có thể hoạt động thì Nhà hát vẫn kiên trì với định hướng xây dựng được những vở diễn dài, có chất lượng và làm sao tạo được đời sống cho các vở diễn bằng những đêm diễn có khán giả tới xem”.

Mỗi năm, Nhà hát đều dàn dựng được 1 - 2 vở diễn mới, để lại ấn tượng đối với khán giả. Năm 2017, vở diễn Ni sư Hương Tràng do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng cũng nhận được sự đánh giá cao của khán giả. Trong suốt mấy đêm diễn, rạp Đại Nam kín ghế, khán giả ngồi tràn cả xuống các bậc thang lên xuống để thưởng thức vở diễn. Điều này, chứng tỏ, Nhà hát đã tạo được thương hiệu, tạo được thói quen thưởng thức cải lương trong một bộ phận khán giả.

 

Vở cải lương Thầy Ba Đợi có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ cải lương ba miền Bắc - Trung - Nam
Vở cải lương Thầy Ba Đợi có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ cải lương ba miền Bắc - Trung - Nam.

Trải qua một thế kỷ hình thành, phát triển, nghệ thuật cải lương đã có những thành tựu, đóng góp rất lớn cả về phương diện nghệ thuật và phương diện phục vụ xã hội. Tuy nhiên, cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, cải lương đứng trước thách thức trong vấn đề nhận diện đầy đủ và chính xác hướng đi, biện pháp thiết thực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị. Việc nhiều nhà hát trong Nam, ngoài Bắc kết hợp để tôn vinh nghệ thuật cải lương là tín hiệu vui cho thấy, nghệ thuật này vẫn đang được các nghệ sĩ yêu mến, gìn giữ, phát huy.

Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm sân khấu Cải lương, các nghệ sĩ hai miền Nam, Bắc đã kết hợp dàn dựng vở diễn Thầy Ba Đợi. Vở diễn do Đạo diễn Triệu Trung Kiên - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam làm đạo diễn. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 5, vở cải lương được biểu diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong hai đêm diễn phục vụ nhân dân và các đại biểu Quốc hội.

Điều đó cho thấy các nghệ sĩ đã và đang hợp lực để sân khấu cải lương sẽ luôn sáng đèn, tạo cho khán giả thói quen thưởng thức cải lương.

Cần nhiều yếu tố để hồi sinh

Sự thay đổi nhu cầu thưởng thức của công chúng, sự xâm lấn của nhiều loại hình giải trí nghệ thuật, sự ảnh hưởng từ lối sống, văn hóa phương Tây, những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường... đã dẫn đến tình trạng lượng khán giả của nghệ thuật cải lương ngày càng ít dần. Điều kiện và cơ hội biểu diễn của nghệ sĩ cải lương bị thu hẹp. Những người có tâm huyết và tài năng (kể cả diễn viên, tác giả kịch bản, đạo diễn) ngày càng thiếu vắng. Chưa kể, có những cách nghĩ, cách làm không đúng hướng (cả vô tình hay cố ý) đã tạo ra những méo mó, mất gốc, những sản phẩm không đảm bảo chất lượng trong cả sáng tác, biểu diễn, đào tạo, nghiên cứu phê bình… nghệ thuật này.

Để khắc phục được những bất cập trên, những người làm quản lý, những nghệ sĩ trong thời gian tới cần tăng cường công tác sưu tầm, nghiên cứu, tổng kết, tư liệu hóa để giúp cho việc nhận diện đúng và đủ về nghệ thuật cải lương. Lưu giữ đầy đủ những tư liệu cần thiết để phục vụ cho công tác bảo tồn, quảng bá, tìm hiểu, học tập và nghiên cứu. Cùng với đó, quan tâm đến công tác truyền dạy, đặc biệt là qua giáo dục chính thức và không chính thức; sử dụng kết hợp phương pháp truyền dạy truyền thống (truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề) với phương pháp hiện đại (có lý thuyết, có thực hành, có bài bản, có chương trình, giáo trình, giáo án, có phương tiện dạy và học hiện đại…). Tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá, nhất là đối với lớp trẻ qua nhiều kênh như phát thanh truyền hình băng đĩa, internet, hệ thống giáo dục phổ thông, phục vụ khách du lịch…

 

Sân khấu cải lương hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, thử thách
Sân khấu cải lương hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, thử thách.

Đặc biệt, rất cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp để bảo vệ và gìn giữ nghệ thuật cải lương, trong đó có định hướng và phân công cụ thể trách nhiệm của các đối tượng. Thành phần cần phải tham gia là các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn có liên quan ở Trung ương và địa phương, đội ngũ sáng tác, đạo diễn cải lương, các phương tiện thông tin đại chúng, cộng đồng dân cư ở các địa phương có nghệ thuật cải lương… và cần có sự đầu tư thích đáng về nhân lực, vật lực thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Trong tương lai gần, việc thưởng thức nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng ở từng cá nhân sẽ trở thành ngày càng thịnh hành như qua điện thoại di động, qua mạng internet, qua USB, băng đĩa… Bên cạnh đó, khán thính giả sẽ giảm dần việc nghe và xem toàn bộ một vở diễn sân khấu, mà chỉ xem những trích đoạn chính, những trích đoạn mà mình ưa thích, hoặc không xem phần diễn xuất sân khấu mà chỉ thưởng thức phần âm nhạc. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực của mọi thành phần có liên quan, nghệ thuật cải lương sẽ được bảo tồn và phát huy đạt kết quả tốt, giúp cho cải lương sẽ tiếp tục trường tồn và đơm hoa, kết trái cho đời.

Tùng Linh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site