04:20 | 17/05/2019

Nhiều phát hiện mới sau một năm khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long

(LV) - Sáng ngày 16/5/2019, tại Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2018” các nhà khoa học đã công bố nhiều phát hiện mới.

Hội thảo do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức. Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Đông nền điện Kính Thiên (giao với đường Nguyễn Tri Phương) với tổng diện tích gần 1.000m2. Sau gần một năm khai quật thăm dò và nghiên cứu chỉnh lý, các nhà khoa học quyết định công bố những phát hiện mới tại hố khai quật này.

Hố khai quật khảo cổ năm 2018
Hố khai quật khảo cổ năm 2018 vừa được công bố.

Hội thảo có sự tham gia của 120 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương, thành phố Hà Nội và các nhà khoa học. Hội thảo bước đầu nhận định về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại hố khai quật khu vực chính điện Kính Thiên.

PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, kết quả khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hóa dày 6,5m với các lớp văn hóa có niên đại khoảng thời Đại La, qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại.

Hội thảo công bố sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2018
Hội thảo công bố sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2018.

Về di tích, theo PGS.TS Tống Trung Tín, cuộc khai quật đã làm lộ một số dấu tích kiến trúc thuộc các thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng. Các dấu tích kiến trúc này đã bị phá hủy phần lớn bởi một ngòi nước sâu, có móng kè đá, tường gạch quy mô rất lớn và kiên cố có niên đại khoảng thế kỷ XVII và XVIII.

“Năm nay, hố khai quật còn xuất lộ dấu tích chân móng kiến trúc xây bằng đá, hiện chưa rõ chức năng nhưng rất kiên cố, cho thấy vị trí quan trọng của khu vực Kính Thiên”, PGS.TS Tống Trung Tín trình bày.

Tại hội thảo, các nhà khảo cổ cũng cho biết, đã tìm thấy nhiều di vật với các loại hình khác nhau gồm: Đồ đất nung, đồ gốm, cấu kiện gỗ, đồ kim loại. Trong đó, số lượng lớn là gạch ngói, đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng và men xanh thuộc thời Lê sơ. Những di vật này cho phép làm rõ thêm về loại “ngói rồng” lợp mái cung điện khu vực điện Kính Thiên của Hoàng đế Lê sơ.

Một số mẫu hiện vật tại hố khai quật lần này
Một số mẫu hiện vật tại hố khai quật lần này.

Một số bình gốm thời Lê sơ
Một số bình gốm thời Lê sơ.

Theo nhận định của các nhà khoa học, các dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật đã phát hiện trong cuộc khai quật năm 2018 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội dưới lòng đất.

Về cơ bản, địa tầng và tầng văn hóa của hố khai quật năm 2018 tương tự như các hố từ năm 2011 đến nay. Kết quả cuộc khai quật mới đã góp thêm nhiều tư liệu để làm rõ giá trị to lớn, phong phú và đa dạng của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Kết quả này cũng góp phần thực hiện Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên thời Lê.

Vũ Minh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site