18:18 | 24/09/2019

Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam

(LV) - Ngày 24/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương, cùng hơn 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực trên cả nước.

Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu nghiên cứu mới trong nửa thế kỷ qua về thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đồng thời rút ra kinh nghiệm và hướng tới các chương trình khoa học trong những thập kỷ tiếp theo của thế kỷ 21. Ban tổ chức đã nhận được 69 báo cáo khoa học của 77 tác giả ở 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bên cạnh các chuyên gia về khảo cổ học và lịch sử Việt Nam vổ trung đại là lực lượng chủ yếu, còn có sự đóng góp của các chuyên gia đầu ngành và cán bộ nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như: cổ nhân học, ngôn ngữ học, Hán Nôm học, dân tộc học, văn hóa học, văn hóa dân gian, địa lý học, bảo tàng học, lịch sử Việt Nam cận hiện đại, lịch sử thế giới, chính trị học, quân sự học…

Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”.
Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Trong lịch sử Việt Nam, thời đại Hùng Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là giai đoạn mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc ta. Thời đại này đã được các sử gia ghi chép lại khá sớm trong các bộ chính sử, tuy nhiên tư liệu chủ yếu dựa trên thư tịch và truyền thuyết và đều coi đây là thời kỳ truyền thuyết.

Đến năm 1968, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Văn Đồng, một chương trình khoa học liên ngành quốc gia nghiên cứu về thời đại Hùng vương dựng nước ra đời, do Giáo sư, Viện sỹ Phạm Huy Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện trưởng Viện Khảo cổ học, chủ trì, với sự tham gia tích cực và nhiệt huyết của đông đảo nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở cả trong nước và quốc tế.

Trong suốt 50 năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thường xuyên quan tâm đến vấn đề này, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn về các vấn đề của thời đại Hùng Vương. Đặc biệt, những tư liệu khảo cổ học đã cung cấp một khối lượng lớn các di tích, di vật - là những bằng chứng sinh động chứng minh cho các vấn đề còn tồn nghi và bỏ ngỏ trong thời đại Hùng Vương như: nguồn gốc, niên đại; đời sống kinh tế, tổ chức xã hội, văn hoá, vấn đề nhà nước; kỹ thuật xây thành Cổ Loa, những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của thời đại Hùng Vương; các mối giao lưu nhiều chiều của thời đại này... Bên cạnh đó là các tư liệu Hán Nôm, truyền thuyết, ngôn ngữ, văn hoá dân gian cũng góp phần khôi phục diện mạo của giai đoạn mở đầu lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp 50 năm, từ Hội nghị về Hùng Vương dựng nước được tổ chức lần đầu, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức hội thảo nhằm tập hợp, tổng kết đánh giá những kết quả nghiên cứu mới trong gần 50 năm qua và đưa ra những đề xuất cho các bước phát triển tiếp theo nghiên cứu sâu sắc hơn, toàn diện hơn về thời đại Hùng Vương.

Hội thảo góp phần vào đánh giá kết luận về thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam, đóng góp tích cực vào công việc xây dựng Bộ Quốc sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đồng thời, thông qua hội thảo, chúng ta rút ra những bài học quý báu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như giữ gìn, phát huy những giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc; đề xuất những giải pháp hữu hiệu trong giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước của dân tộc ta cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc kết hoạch 5 năm phát triển kinh tế (2015 - 2020) và thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.

THD

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site