14:59 | 19/03/2020

Hô biến bãi rác Phúc Tân thành điểm đến của Hà Nội

(LV) - Đoạn đường ven sông Hồng tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn là nơi tập kết nhiều rác thải bỗng chốc trở nên sạch sẽ, khang trang với 16 công trình nghệ thuật sắp đặt được làm từ đồ dùng tái chế.

Rác thải cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật

Từ chính địa thế hết sức đặc trưng của khu vực: Một bãi rác tự phát, nằm ngay bên bờ sông Hồng, từng là nơi trú ngụ cho những người nghèo khó... các nghệ sĩ đã chung tay đóng góp tác phẩm và biến nơi đây trở thành một khu vực không chỉ đẹp về mặt cảm quan mà còn hấp dẫn những người trẻ tới đây “check in”, chụp ảnh lưu niệm và tham quan khu vực xưa nay vẫn mặc định là khu vực “xóm liều”. Đồng thời, công trình này nằm trong dự án cải tạo bức tường hành lang bảo vệ sông Hồng, được các nghệ sĩ triển khai từ đầu tháng 1/2020.

Dự án nghệ thuật này do nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển. Anh cho biết, khu vực ven sông này bị coi như "mặt sau" của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó. Chính từ bối cảnh văn hóa đó, nhóm nghệ sỹ có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng, biến những thứ bỏ đi trở thành nghệ thuật, lôi kéo người dân khu vực trở thành chủ thể để giữ gìn và bảo quản chung.

Hơn 1.000 chai nhựa là chai nước, hộp dầu xe máy được tạo hình thành 4 chiếc thuyền buồm
Hơn 1.000 chai nhựa là chai nước, hộp dầu xe máy được tạo hình thành 4 chiếc thuyền buồm.

Không chỉ có các nghệ sĩ tham gia vào dự án mà công trình này còn có sự góp sức của người dân. Họ là những người thợ nề, những người thợ phụ, giúp đỡ các họa sĩ hoàn thành tác phẩm, tạo ra thu nhập cho người dân. Chị Nguyễn Phương Mai (phường Phúc Tân) chia sẻ, người dân phấn khởi sau khi dự án được triển khai. Để hưởng ứng dự án, chị và những người hàng xóm đã đóng góp nhiều vật liệu tái chế như chai, lọ...

Vì thế, từ khi xuất hiện các tác phẩm này, người dân nơi đây đã trân trọng hơn nơi mình sống. Họ tự bảo ban nhau quét dọn, làm vệ sinh cho con đường không còn ngập ngụa rác. Nhờ nghệ thuật, khu vực này bất ngờ thay đổi bộ mặt, không còn cảnh nhếch nhác, vốn là “biệt khu” của “thổ dân đất bãi” nơi đây.

Điểm đến mới của người dân Hà Nội

Không chỉ mang thông điệp về bảo vệ môi trường, 16 tác phẩm nghệ thuật của 16 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế còn gợi lại ký ức hào hùng về Hà Nội. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế chia sẻ, anh đem đến dự án này bộ tác phẩm mang tên "Bức tường danh vọng" được lấy cảm hứng từ những song xưa phố cũ của Hà Nội. Các họa tiết của những cánh cổng, ban công đặc trưng của Hà Nội đã được anh đưa vào tác phẩm, để kể về lịch sử của một thành phố mang trong mình biết bao câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Đó là một thành phố đáng sống và tự hào.

Dự án tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ với ánh sáng ban ngày và ban đêm
Dự án tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ với ánh sáng ban ngày và ban đêm.

Trần Hậu Yên Thế đã lấy dẫn chứng là ký hiệu “AT” của ngôi nhà Nguyên Ninh nổi tiếng tại phố Hàng Than. Những ai yêu và hiểu về Hà Nội khi nhìn thấy những biểu tượng đặc trưng của các ngôi nhà trong lòng thành phố, sẽ thấy thêm trân trọng và yêu nơi mình đang gắn bó. Một thành phố ôm trong mình biết bao ký ức và lịch sử oai hùng, được nhiều thế hệ người Hà Nội xây đắp.

Còn nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn lại làm mô hình gương, tái tạo hình ảnh của những người buôn bán trên bến dưới thuyền năm xưa, khi mà khu này còn hoang sơ của những năm đầu thuộc địa. Anh cũng cho biết, hầu hết người dân ở đây đều không biết, trước khi có cây cầu Long Biên, nơi đây là một khu vực giao thương tấp nập của Hà Nội bằng đường thủy. Chính vì thế, tác phẩm này là để nhắc lại quá khứ, ký ức đang phai nhạt.

Là 1 trong 2 nghệ sĩ nước ngoài góp mặt trong dự án, họa sĩ người Australia, Goerge Burchett đã mang đến một tác phẩm có tạo hình ngộ nghĩnh thu hút trẻ em. Đó là tác phẩm "Voi" và "Sống xanh". Anh đã sử dụng hình ảnh con voi trong lịch sử văn hoá Việt Nam, con voi của bà Trưng, bà Triệu đã từng tham gia đánh giặc, con voi cũng là biểu tượng gắn liền với thiên nhiên.

Tác phẩm “Thành phố ven sông” của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm
Tác phẩm “Thành phố ven sông” của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm.

Dự án này với thiết kế có thể mang tới hiệu quả cả ban ngày cũng như cả hiệu ứng ánh sáng ban đêm. Nghệ sĩ Lê Đăng Ninh sử dụng 20 chiếc thùng phuy, vật dụng đặc trưng của những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng, để đưa đến cái nhìn về cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng. Buổi tối, các tác phẩm này được hiện lên rõ ràng bởi hệ thồng đèn led nghệ thuật.

Mặc dù dự án chưa khánh thành, những người trẻ đã rủ nhau đến check-in, chụp ảnh tại con đường nghệ thuật này từ những ngày đầu tiên của năm mới Canh Tý. Những người thực hiện hy vọng, cùng với quy hoạch của thành phố, bãi rác Phúc Tân năm xưa sẽ trở thành một điểm đến của Thủ đô, nơi du khách có thể cùng ngồi uống trà, ngắm cầu Long Biên mềm mại vắt qua sông Hồng và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Và nhờ đó, người dân địa phương sẽ có thêm nguồn thu nhập từ các dịch vụ phát sinh.

Thu Cúc

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site