15:19 | 24/08/2020

Cần có tiêu chí bảo tồn những di tích chưa được xếp hạng

(LV) - Những công trình trải qua trăm năm lịch sử, sau khi phát huy giá trị sử dụng, trong quá trình đô thị hóa, bị xem là xuống cấp, là trái quy hoạch và bị phá bỏ. Kiểu sử dụng này đang làm nhiều di tích có giá trị lịch sử, kiến trúc mà chưa kịp xếp hạng dần biến mất.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, khi chưa luật hóa được vấn đề này, cần xây dựng tiêu chí với những công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật.

Nỗi niềm những di tích chưa được xếp hạng

Là một di tích gắn với sự kiện lịch sử quan trọng, nhưng căn biệt thự thuộc trạm phát sóng Bạch Mai đã bị dỡ bỏ một phần. Và nếu không được cấp thẩm quyền yêu cầu dừng lại, chắc chắn, di tích này đã biến mất hoàn toàn.

Căn biệt thự thuộc trạm phát sóng Bạch Mai (tại ngõ 128C Đại La, Hà Nội) gắn với sự kiện tối 19/12/1946 nữ phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam - Thanh Ngân - đã đọc bản tin được dùng làm hiệu lệnh Toàn quốc kháng chiến.

 

Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ, sau phản ánh đã được dịch chuyển
Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá bỏ, sau phản ánh đã được dịch chuyển.

Đáng tiếc rằng, những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc bị phá bỏ mà chưa được pháp luật bảo vệ không phải là chuyện mới. Nếu như những di tích được xếp hạng được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt, ngăn cấm mọi hành vi vi phạm thì những di tích chưa được xếp hạng phải đối mặt với muôn vàn nguy cơ lấn chiếm, bị tàn phá mà chính quyền dẫu có biết cũng không mấy khi can thiệp.

Tình trạng phân chia rạch ròi một bên là các di tích xếp hạng, và một bên là các di tích chưa (hay không) xếp hạng, nảy sinh thái độ "phân biệt đối xử" của xã hội đối với các di tích. Người ta trọng phía được xếp hạng chừng nào, thì người ta lại bỏ mặc phía chưa xếp hạng chừng ấy. Và mặc nhiên, các di tích chưa được xếp hạng- những đứa con rơi phải đối mặt với cách sử dụng kiểu “vắt chanh”. Số phận các di tích chưa xếp hạng thường bấp bênh cho đến khi, hoặc là được xếp hạng, hoặc là bị "thanh toán", nếu dân sở tại không tự giác đứng ra bảo vệ, tôn tạo.

Không chỉ công trình căn biệt thự thuộc trạm phát sóng Bạch Mai, ngược dòng thời gian, đã có nhiều công trình kiến trúc lịch sử phải đối mặt với nguy cơ bị phá bỏ hoàn toàn.

Cách đây hơn 1 năm, công trình Dinh Thượng thư (số 59 - 61 Lý Tự Trọng, Q.1, TP HCM) từng đứng trước nguy cơ bị phá bỏ. Đây là tòa nhà cổ với tuổi đời gần 130 năm có kiến trúc văn hóa độc đáo của Sài Gòn xưa. Sau phản ứng mạnh mẽ từ công luận, các nhà khoa học và giới kiến trúc sư, sau nhiều cuộc bàn thảo, công trình Dinh Thượng thư mới có phương án bảo tồn, trở thành nhà trưng bày thuộc UBND TP.

Nhưng không phải di tích nào cũng may mắn như Dinh Thượng thư. Cùng là công trình hơn trăm năm tuổi, nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) đang đứng trước nguy cơ biến mất không còn bóng dáng. Được xây dựng năm 1884, nhà thờ Bùi Chu được các chuyên gia đánh giá cao về giá trị kiến trúc – văn hóa mỹ thuật. Kiến trúc nhà thờ Bùi Chu vừa kế thừa lối kiến trúc châu Âu vừa kết hợp với phương Đông. Các chất liệu xây dựng của bản địa cũng góp phần tạo nên sự giao thoa văn hóa Đông – Tây độc đáo.

Sau gần một năm, với nhiều đoàn khảo sát về nhà thờ Bùi Chu, vẫn chưa có một quyết định chính thức nào được đưa ra. Còn với những chủ sở hữu nhà thờ, công việc không thể đình trệ mãi. Vì vậy, họ quyết định tháo dỡ toàn bộ nội thất trong nhà thờ và di dời về một nhà thờ mới dựng tạm trong khuôn viên để sinh hoạt tôn giáo. Sau đó sẽ tiến hành hạ giải nhà thờ.

 

Nhà thờ Bùi Chu cũng bị rỡ bỏ trong sự tiếc nuối của nhiều người
Nhà thờ Bùi Chu cũng bị rỡ bỏ trong sự tiếc nuối của nhiều người.

Chưa Luật hóa được thì xây dựng tiêu chí

Theo các nhà khoa học, các KTS, Luật Di sản văn hóa cần tiếp tục nhanh chóng được sửa đổi để đáp ứng sự phát triển của xã hội. Trong thời điểm trước mắt, khi chưa sửa đổi, bổ sung được Luật Di sản văn hóa thì cần có các tiêu chí để áp dụng cho các trường hợp di tích chưa được xếp hạng nhưng có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử.

TS Nguyễn Đức Hiệp - Chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học và di sản (Bộ Môi trường và Di sản, bang New South Wales, Úc) cho rằng, cần xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá đó là một di tích cần được đưa vào danh sách bảo tồn. Ông đưa ra một số các tiêu chuẩn dựa vào tiêu chuẩn quốc tế được nhiều nước chấp nhận qua hiến chương Burra như: Một hiện vật quan trọng đã được biết và ghi trong quá trình lịch sử văn hóa và thiên nhiên; Một hiện vật có liên hệ chặt chẽ và đặc biệt đến cuộc đời hay tác phẩm của một người, hay một nhóm người, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa của một địa phương; Một hiện vật quan trọng có đặc tính mỹ thuật và hay có độ sáng tạo hay kỹ thuật cao; Một hiện vật có liên hệ chặt chẽ và đặc biệt với một cộng đồng về phương diện xã hội, văn hóa hay tâm linh; Một hiện vật có khả năng cho biết nhiều thông tin đóng góp vào sự hiểu biết lịch sử văn hóa hay thiên nhiên của địa phương.

“Nếu một trong những tiêu chuẩn trên được đáp ứng thì di tích đấy có thể được đưa vào danh sách bảo tồn” - TS Nguyễn Đức Hiệp khẳng định.

Quan điểm này trùng với quan điểm của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính. Ông từng cho rằng, cần lập ra một quỹ và một danh mục công trình có giá trị đối với lịch sử ở mỗi địa phương. “Muốn bảo tồn cần có tư duy chiến lược, tức là chọn ra, phân loại cái gì thực sự là cốt yếu, tinh hoa, cái gì giữ và vì sao, cuối cùng là có giữ được hay không… GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết.

Tùng Linh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site