Bất ngờ “trẻ hóa” tượng 60 năm tuổi ở công viên Thống Nhất
(LV) - Những bức tượng có tuổi đời hơn 60 năm trong Công viên Thống Nhất bất ngờ được phủ những lớp sơn mới với đầy đủ các màu xanh đỏ tím vàng, khiến không chỉ người dân mà cả giới hội hoạ cũng ngỡ ngàng.
Thêm màu sắc sẽ thêm sinh động?
Công viên Thống Nhất được khởi công xây dựng từ năm 1958. Những bức tượng nằm ẩn mình dưới các tán cây được ra đời cùng với lịch sử hình thành của công viên. Với chất liệu xi măng, các bức tượng này đã có mặt ở đây gần 60 năm và gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội. Trải qua nắng mưa và thời gian, không ít các bức tượng đã xuống cấp, bong tróc và rêu mốc.
Gần đây, Ban Giám đốc Công viên Thống Nhất đã giao cho một bộ phận của đơn vị này thay đổi diện mạo các bức tượng và cũng là một cách để thay đổi diện mạo của công viên sau thời gian đóng cửa do dịch Covid-19.
 |
Tượng được sơn màu cực mạnh. |
Sau một thời gian suy nghĩ, các cán bộ và công nhân ở đây cho rằng, nên sơn lại màu cho các bức tượng, thêm màu sắc sẽ sinh động hơn và cũng là bảo vệ cho các bức tượng không bị nấm mốc, xuống cấp. Nghĩ thế nào thì làm thế nấy, những lọ sơn công nghiệp đã được mua về và quét lên thân tượng. Sau khi hoàn thành, tượng nào cũng được vẽ theo một công thức. Tức là tóc màu đen, mắt màu đen, môi đương nhiên phải màu đỏ. Một ý kiến bình luận trên mạng xã hội đã hài hước mà rằng: "Sao không tô hồng 2 má cho xinh?"
Chỉ trong ít ngày, các bức tượng đã được khoác lên mình bộ cánh mới, đúng như mong muốn và suy tính của những người thực hiện. Và đương nhiên đã tạo ra diện mạo mới cho công viên Thống Nhất với màu sắc bắt mắt giữa màu xanh mát rượi của cây cối vào ngày hè.
Một người dân tới công viên Thống Nhất chia sẻ, bà thường tới công viên để hóng mát. Dù là giữa trưa hè thì vẫn thích vào đây ngồi nghỉ vì cây cối xung quanh rất mát mẻ. Từ ngày công viên sơn lại tượng, dù không hiểu về nghệ thuật nhưng bà thấy vui mắt, thấy cái gì đó mới mẻ ở một nơi đã rất quen thuộc.
 |
Một bức tượng hiếm hoi được trang trí thêm họa tiết trên ngực áo. |
Trái ngược với ý kiến này, nhà phê bình mỹ thuật Mai Thơ cho rằng, có thể người dân nhìn qua sẽ thấy việc những bức tượng trong công viên phủ màu sơn mới là bình thường bởi họ không quan tâm lắm đến nghệ thuật. Nhưng với những người làm về mỹ thuật thì đó là một “cú sốc thị giác”.
Nhà phê bình chia sẻ, với giới mỹ thuật, công viên là môi trường thẩm mỹ. Bên cạnh, sắc mầu của tự nhiên như cây xanh tạo cảm giác bình yên, thư giãn; sắc hoa là sự tươi tắn sinh khí… thì tượng trang trí mà con người thêm vào để tăng thêm tính thẩm mỹ, sự sinh động. Tuy nhiên, sự sắp đặt không được phép phá vỡ môi trường công viên. Đó là đặt tượng tròn màu trắng mà không phải những tượng có mầu sắc lòe loẹt. Việc chỉnh sửa tượng không đúng nguyên bản ban đầu là một sự can thiệp thô bạo đến cảnh quan và môi trường công viên.
Nâng cao thẩm mỹ của người dân khi tới công viên là trách nhiệm của người làm thẩm mỹ môi trường. Bây giờ nếu những bức tượng được sơn trắng lại hoàn toàn, chắc chắn người dân sẽ có cảm nhận khác biệt. Họ sẽ nhận thấy tượng trắng trông nhẹ nhõm hơn nhiều thay vì những bức tượng toàn màu nguyên sắc. Những bức tượng khi được sơn màu sẽ làm mất đi hình khối của tượng, trong khi sơn màu trắng sẽ trả lại những nét đẹp hình khối.
 |
Một bức tượng được sơn mới, nổi bật giữa màu xanh mát mẻ của cây cối mùa hè. |
Công viên Thống Nhất sửa sai
Tương tự, nhà điêu khắc Phạm Sinh cũng cho rằng, đối với công chúng không biết về mỹ thuật thì họ sẽ không bàn nhiều nhưng với những người có chuyên môn thì rõ ràng việc sơn lại tượng đã không đạt yêu cầu. Thậm chí, nó đi ngược lại với tính thẩm mỹ của tượng.Theo nhà điêu khắc Phạm Sinh, một trong những nguyên tắc của việc trùng tu tượng là làm mới lại bề mặt, căng lại khối và những phần sứt sẹo trên mình tượng. Sau đó, tiến hành xử lý chất liệu trên bề mặt đúng như tinh thần ban đầu của tượng chứ không phải quét sơn lên như tượng ma-nơ-canh trong cửa hàng quần áo.
Thế nhưng, ông Hoàng Kim Hồng, Tổng Giám đốc Công viên Thống Nhất lại tỏ ra khá bình tĩnh và cho biết, đơn vị này đang chờ đón sự phản ứng của dư luận. Nếu như việc sơn tượng bị phản ứng dữ dội quá, công viên Thống Nhất sẵn sàng sửa sai.
 |
Tượng được khắc phục. |
Chỉ ít ngày sau khi dư luận và báo giới lên tiếng, đơn vị này đã tiến hành sửa sai bằng cách sơn lại các bức tượng. Các tác phẩm này được sơn với 2 màu là màu trắng và màu ghi, trong đó, chiếm đại đa số là màu trắng. Nhìn tổng thế, các bức tượng không phá vỡ đi sự hài hòa trong không gian chung của công viên Thống nhất, một điều rất quan trọng trong nghệ thuật công cộng.Và một lần nữa, các bức tượng có tuổi đời 60 năm lại được khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn khác, dễ chịu hơn và không nhức nhối.
Việc sửa sai nhanh chóng của đơn vị này cũng được ghi nhận trong nỗ lực mang lại bộ mặt đẹp hơn cho một trong những công viên lớn nhất của Hà Nội. Qua sự việc hy hữu ở công viên Thống Nhất cho thấy, vấn đề thẩm mỹ đô thị ở Việt Nam hiện nay rất cần các chuyên gia được đào tạo bài bản. Công chúng đã rất nhiều lần có ý kiến về cách tạo hình các nhóm cây hình các con giống, tạo khối trang trí nơi công cộng, tạo hình và màu cho các chùm đèn trang trí. Sự tiết chế màu sắc là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh đường phố của Hà Nội hay các đô thị đã rất nhiều chi tiết và màu sắc xanh đỏ.
Xuân Thanh