16:16 | 15/04/2018

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam

(LV) - Trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập và giao lưu văn hóa thế giới, môi trường sống của đồng bào các dân tộc có nhiều biến đổi, bên cạnh đó các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống cũng bị xói mòn. Do vậy, vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống nhằm giữ vững nền tảng tinh thần, giá trị đạo đức xã hội được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.

>>> Về "Vùng cao mến yêu" tại “Ngôi nhà chung”

Dự án văn hóa đặc thù

Với mục tiêu: “Xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm hoạt động văn hoá mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế...”. Chính phủ đã quyết định đầu tư Dự án xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với tổng diện tích 1.544 ha (trong đó có 939 ha mặt nước) tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Giới thiệu ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái tại
Giới thiệu ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái tại "Làng".

Quy hoạch tổng thể Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam thể hiện rõ tính đặc thù của một dự án kinh tế - văn hóa: một mặt bảo tồn văn hóa để phục vụ du lịch; mặt khác tổ chức dịch vụ du lịch nhằm bảo tồn văn hóa. Hai nội dung này có mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như vận hành, khai thác, đồng thời thể hiện rõ tính xã hội hóa trong công tác bảo tồn văn hóa.

Ngày 26/8/2003, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng đã có Quyết định số 1151/QĐ-BXD phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/2.000 và ban hành kèm theo Điều lệ Quản lý đầu tư xây dựng Khu các làng dân tộc. Quy hoạch xác định việc xây dựng Khu Các làng dân tộc trực thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực hiện theo quan điểm “Bảo tồn nguyên mẫu”, với phương châm “Chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” - có nghĩa là bà con các dân tộc phải được tham gia toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng cũng như tổ chức hoạt động tại Khu các làng dân tộc. Với quan điểm đó, Quy hoạch đã phân chia 12 dự án thành phần trong Khu các làng dân tộc và xác định dự án ưu tiên “Nghiên cứu, phát hiện, bảo tồn các giá trị truyền thống, dân gian; cơ chế tổ chức thực hiện; chương trình hoạt động tổng thể và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực Khu các làng dân tộc”. Đây là dự án nghiên cứu nội dung bảo tồn văn hóa có tính chất chủ đạo, định hướng cho toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động của Khu các làng dân tộc.

Nơi bảo tồn và giới thiệu các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống

Về văn hóa vật thể: mục tiêu của dự án là tái hiện làng, bản của 54 dân tộc theo tính “nguyên mẫu” dựa trên yếu tố “gốc” ở từng địa phương - nơi đồng bào dân tộc sinh sống gồm không gian cảnh quan làng, bản, các công trình kiến trúc (nhà ở, các công trình phụ trợ, nhà sinh hoạt cộng đồng...) cùng với việc bố trí mặt bằng sinh hoạt của từng dân tộc làm nền tảng cho việc tái hiện các giá trị văn hóa phi vật thể một cách chân thực và sống động nhất, khắc họa phần nào “diện mạo” văn hóa của từng dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Về văn hóa phi vật thể: trên cơ sở nghiên cứu, tập hợp các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của mỗi dân tộc một cách tổng thể, hình thành Ngân hàng dữ liệu về văn hóa dân tộc, lựa chọn các nội dung phù hợp tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo kế hoạch hoạt động thường niên. Ngoài ra, việc giới thiệu giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc còn được bổ sung bằng bài thuyết minh hoàn chỉnh về văn hóa của từng dân tộc. Các nội dung tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tính chất dẫn dụ, gợi mở đưa du khách về với các vùng miền, với từng dân tộc.

Đồng bào Ê Đê giới thiệu bản sắc văn hoá tại
Đồng bào Ê Đê giới thiệu bản sắc văn hoá tại "Ngôi nhà chung".

Để tái hiện được các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống của từng dân tộc (cả văn hóa vật thể và phi vật thể), vấn đề hết sức quan trọng là phải xây dựng được cơ chế phối hợp giữa Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với các địa phương trong toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng cũng như vận hành lâu dài. Sự phối hợp này trước hết là sự thống nhất xác định yếu tố văn hóa “gốc” (nơi còn lưu giữ được nhiều các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống của từng dân tộc) làm cơ sở liên kết bảo tồn, các điểm này sẽ tạo ra một sơ đồ liên kết với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong việc thực hiện nội dung bảo tồn và huy động đồng bào về hoạt động luân phiên tại “Làng” theo kế hoạch hàng năm. Điều này cũng đã được khẳng định trong Hội nghị “Cơ chế phối hợp với các địa phương, các dân tộc trong quản lý, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam” (tháng 4/2010).

Thu hút các dự án đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động

Để Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực hiện được vai trò bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, truyền thống của các dân tộc anh em, vấn đề đặt ra cho công tác quản lý là việc xây dựng và vận hành đồng thời Khu các làng dân tộc theo quy hoạch. Tiến hành triển khai các dự án thu hút đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước gắn kết trực tiếp với các dịch vụ du lịch như: Khu vui chơi giải trí, thể dục, thể thao và Khu dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Đây chính là yếu tố thể hiện tính đặc thù, sự liên kết, mối quan hệ tương hỗ giữa các dự án trong Quy hoạch tổng thể, góp phần xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa, đảm bảo hiệu quả và tính bền vững lâu dài của dự án theo Kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 12/5/2008.

Với quan điểm quy hoạch và mục tiêu của dự án như trên, có thể khẳng định, việc quyết định đầu tư xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc đối với sự phát triển bền vững của đất nước, thể hiện sự quan tâm thiết thực của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện đúng mục tiêu đề ra, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ góp phần thiết thực trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian truyền thống trong xu thế tất yếu của quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, cũng như quá trình đô thị hóa và sự phát triển của nền kinh tế thị trường để chúng ta có thể “hòa nhập” mà không “hòa tan”.

Nguyễn Văn Vỹ

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site