19:06 | 11/01/2012

Tết của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

(LV) - Hôm nay, ngày 11/1/2012, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hân hoan đón chào đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao về quy tụ tại "Ngôi nhà chung" trong hương sắc của năm mới xuân Nhân Thìn.

Mỗi cộng đồng dân tộc đã tổ chức nghi lễ đón Tết Nguyên đán truyền thống và trình diễn các hoạt động sinh hoạt trong ngày Tết cũng như đời thường của dân tộc mình mang đến những nét đặc trưng về văn hóa riêng trong bản sắc cộng đồng dân tộc Việt.

Sắc xuân của dân tộc Thái
Sắc xuân của dân tộc Thái.

Việt Nam là đất nước có sự quy tụ của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi một dân tộc với bản sắc văn hóa riêng: tập quán, phong tục, lễ hội, kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng… đã tạo nên một bức tranh sinh động về cuộc sống của những tộc người trên mỗi một vùng miền. Trong những nét đặc trưng riêng biệt đó thì phần lễ hội được xem là linh hồn sống không thể thiếu để mỗi dân tộc khoe được cái riêng về văn hóa sinh hoạt cộng đồng của mình. Đặc biệt là lễ tết – khúc cầu nối con người về với lễ hội truyền thống. Mỗi một dân tộc có một kiểu ăn Tết riêng. Đôi khi kéo dài ngày tạo thành mùa gọi là mùa Tết.

Cùng Làng Việt nhìn lại nét độc đáo trong những tục lệ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mông và Dao trong ngày hội chào xuân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

 

Góc bếp của người Thái
Góc bếp của người Thái.

Mâm cỗ ngày Tết của người Thái
Mâm cỗ ngày Tết của người Thái.

 

Trước tiên mời các bạn đến với dân tộc Thái trắng ở Lai Châu. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, người Thái mang đến không khí ấm cúng đón năm mới (Ngày 30 và rạng sáng mùng 1 Tết Nguyên đán) hết sức độc đáo.

Vào những ngày giáp Tết người dân trong bản lại nô nức chuẩn bị quần áo mới, sấy thịt, làm bánh, ủ rượu, làm quả còn, én cáy… để chuẩn bị đón chào năm mới. Các nghi thức được thực hiện tuần tự có sự chỉ dẫn của người cao tuổi trong nhà. Vật lễ, dụng cụ và đạo cụ gồm: 1 mâm cúng (đầu lợn, gà luộc, xôi bánh), trang trí cổng và không gian xung quanh, nông cụ, ống bương, nậm rượu, thau nước gội đầu…). Riêng ngày 30, cuối năm và rạng sáng mùng 1 Tết, các thành viên trong nhà sẽ cùng nhau thực hiện các nghi thức cơ bản như: Lễ gội đầu (với quan niệm rửa trôi, tống tiễn những cái cũ, khó khăn, vất vả, điều không may mắn để hướng tới một năm mới có sức khỏe, điều hay). Tiếp đó là lễ mặc váy áo mới, cuốn bưởng thể hiện sắc phục đặc trưng của dân tộc mình. Đàn ông và phụ nữ Thái đều mặc bộ trang phục truyền thống trong ngày lễ Tết. Đối với phụ nữ việc mặc trang phục thường ngày và lễ hội có quy tắc cụ thể: Ngày thường mặc áo cốm váy đen, eo thắt dải dây xanh, nhưng trong không khí đón chào năm mới họ phải mặc trang phục mới màu đỏ, váy đen, eo đeo bưởng. Điều này thể hiện cách nhìn rất hiện đại về một cái Tết cổ truyền của người dân tộc nơi đây, họ muốn đón một cái Tết trong không khí đầy đủ, mới mẻ. Sau đó họ lại bước vào làm lễ tẩy uế, làm mới nông cụ: cày, bừa, cuốc, xẻng, dao với sự cầu chúc an lành cho một năm mới có những phương tiện sắc bén hơn phục vụ những mùa vàng bội thu.

Lễ xin nước mới được đồng bào Thái cũng rất xem trọng vì nước có ý nghĩa rất lớn trong sinh hoạt thường ngày và tín ngưỡng của người Thái. Nước là nguồn sống của vạn vật, rửa trôi mọi điều không may mắn, mang đến sự mát mẻ, ngọt lành, nuôi dưỡng sự sống. Sau những công đoạn đó, mọi người bắt tay làm bánh đồ xôi. Những cặp bánh gọi là: "khảu pẻng ta mạ" thể hiện sự hạnh phúc của đôi vợ chồng. Người Thái cũng rất khéo léo và tinh tế làm ra nhiều loại bánh để dâng lên ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình. Nhìn trong mâm cỗ ngày Tết sẽ thấy đa dạng các loại: Khẩu xén (bánh được làm từ nếp cẩm, nếp nương đồ chín), Nửng khảu (xôi các màu), khẩu tủm (bánh trưng), khẩu poong (bánh bỏng), Nhắm giảng (thịt sấy), Sảy mán (lạp sườn)… Tất cả cùng góp vào mâm cỗ tất niên. Con cháu sum vầy quanh mâm cỗ, chủ nhà sẽ buộc chỉ vào cổ tay cho từng thành viên trong gia đình như một lời chúc tốt lành, lì xì năm mới. Họ tưng bừng chào hỏi, chúc Tết, lạy người cao tuổi và tiến hành xông nhà đầu năm, hát mừng bằng những điệu xòe kéo dài.

Các cô gái Thái trong trang phục truyền thông ngày Tết
Các cô gái Thái trong trang phục truyền thông ngày Tết.

Trong dịp Tết cổ truyền, những đôi trai gái say sưa chơi những trò chơi dân gian thể hiện nét sinh hoạt độc đáo của dân tộc mình. Họ tay tung người hứng những quả Còn đủ sắc màu, say trong những điệu múa cồng chiêng dập dìu, hài hước vui nhộn trong những điệu bắn cung… Trong sắc đào chúm chím, những sắc áo sặc sỡ của những chàng trai, cô gái Thái đã làm níu chân du khách tới tham quan.

 

Tái hiện trò chơi dân gian

Tái hiện trò chơi dân gian
Tái hiện trò chơi dân gian.

Chia tay với cái Tết và những trò chơi dân gian của dân tộc Thái, đồng bào Mông lại mang đến những phong tục và bản sắc rất riêng. Những cô gái Mông với bàn tay khéo léo đang mải mê, cần mẫn bên những khung cửi để se sợi, dệt lên những trang phục thổ cẩm không chỉ bền mà còn đẹp về mẫu mã. Người phụ nữ Mông đã thể hiện được nét tinh hoa trong khâu họa tiết lên những trang phục thổ cẩm. Từng nét vẽ và bôi sáp ong, đánh bóng sản phẩm đã cho mọi người thấy được sự công phu, tinh xảo để cho ra đời từng trang phục thổ cẩm mang hồn sắc dân tộc. Xuất phát từ quá trình lao động của những con người bình dị đó, nhà thiết kế Minh Hạnh đã mang đến bộ thiết kế phong phú trình diễn ngay tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với chất liệu thổ cẩm đặc trưng. Chính những chất liệu thổ cẩm của những bàn tay nghệ nhân của rừng núi đã mang vẻ đẹp Việt quảng bá ra thế giới, trong đó góp phần làm đẹp thêm tà áo dài Việt trong làng thời trang quốc tế.

Cô gái người Mông se sợi
Cô gái người Mông se sợi.

 

Trình bày họa tiết và bôi sáp ong lên vải
Trình bày họa tiết và bôi sáp ong lên vải.

Mèn mém món ăn truyền thống ngày Tết của người Mông
Mèn mén - món ăn truyền thống ngày Tết của người Mông.

Trong hoạt động thường ngày của người Mông, những sinh hoạt hàng ngày cũng tạo nên bản sắc rất đặc trưng và tôn lên vẻ đẹp của người Mông trong cộng đồng dân tộc Việt. Họ cùng nhau thổi lên những điệu khèn gọi bạn và thay phiên nhau để xay những cối gạo trắng mời nhau cùng với chén rượu ấm nồng. Đặc biệt người Mông tổ chức làm mèn mén - món ăn đặc trưng của người Mông để mọi người cùng chia vui, nhớ lại cội nguồn của mình, nhắc lại cho bao thế hệ ngày nay nhớ đến cuộc sống khổ cực trước kia khi phải xay ngô thành bột để ăn. Bây giờ khi cuộc sống khác trước nhiều, cuộc sống của người Mông đầy đủ hơn trước, thì món mèn mén không còn là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày, nhưng mỗi dịp lễ Tết trong mâm cỗ cúng của ông bà tổ tiên, mèn mén là một món ăn truyền thống không thể thiếu.

Tết Nhảy của người Dao
Tết Nhảy của người Dao.

Về với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, người Dao Tuyển cũng mang đến điệu nhảy đặc trưng trong ngày Tết của dân tộc mình. Người Dao ở Việt Bắc cho rằng, ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ lo vui chơi, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau. Các nhà đều trang hoàng sáng sủa và dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hay các vách tường để đón mừng xuân. Người Dao đón Tết bằng Tết nhảy gọi là: “Nhiang chằm Đao” để rèn luyện sức khỏe và võ nghệ. Tết nhảy bắt đầu trước Tết Nguyên đán khoảng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy làm gươm, đao bằng gỗ để múa. Tết nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã…

Mỗi một dân tộc mang những nét riêng về phong tục lễ Tết, lễ hội, sinh hoạt. Song quy tụ về Ngôi nhà chung Làng Văn hóa, các dân tộc đều mang đến không khí đầy ắp sắc xuân của ngày hội. Với nét tái hiện vừa chân thực, sinh động lễ Tết của dân tộc mình, đây được xem như cuộc hành trình hết sức ý nghĩa về với cội nguồn, truyền thống khắc sâu vào tâm hồn bao thế hệ và chắc chắn sẽ còn lưu lại cho đến ngày sau.

Những hình ảnh đặc sắc về lễ Tết và nét sinh hoạt đặc trưng của các dân tộc:

 

Hương Nhài

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site