08:19 | 25/02/2014

Đừng nên đánh mất một biểu tượng văn hoá của Thủ đô

(LV) - Vượt qua công năng giao thông thông thường, cầu Long Biên - cây cầu xuyên thế kỷ tuyệt đẹp này đã trở thành một biểu tượng văn hoá của Thủ đô Hà Nội.

Cầu Long Biên đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội
Cầu Long Biên đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội.

Hình ảnh cây cầu Long Biên vốn đã in đậm trong tâm trí biết bao thế hệ người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Nó đã trở thành cây cầu nâng niu ký ức, lịch sử và một phần tâm hồn của Hà Nội hào hoa, đã đi vào văn, thơ…

Bởi vậy khi Bộ Giao thông vận tải đưa ra 3 phương án xây cầu vượt sông Hồng tại vị trí tim cầu Long Biên nhằm tăng tải trọng cho cây cầu để nó tiếp tục gánh vác công năng giao thông đã vấp phải sự phản đối của dư luận.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã từng đưa ra 4 phương án khác theo hướng xây cầu mới ở vị trí cách xa nhằm bảo tồn cầu Long Biên, còn 3 phương án mới được đưa ra gần đây là theo yêu cầu của thành phố Hà Nội để tránh khỏi rắc rối về giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, trước các phương án mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra, dư luận cho rằng các cơ quan liên quan cần phải hiểu rõ giá trị cầu Long Biên và cần đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi đưa ra những quyết định mang tính sống còn với cây cầu này.

Ngược dòng thời gian ở thời điểm khánh thành vào đầu thế kỉ XX, về quy mô, cầu Long Biên là cây cầu lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau cầu Brooklyn của Mỹ bắc qua East River (thành phố New York). Về công nghệ, cầu Long Biên đạt tới đỉnh cao công nghệ xây dựng, kỹ thuật tính toán và nghệ thuật kiến trúc thời đó. Cầu Long Biên giữ ngôi đầu bảng ở nam bán cầu suốt 3 thập kỷ đầu của thế kỷ XX cho đến năm 1932, khi xuất hiện kiệt tác cầu Cảng Sydney ở Australia.

Về giá trị lịch sử, hơn 100 năm tồn tại, cầu Long Biên cùng với nhân dân cả nước trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, cũng như chứng kiến đổi thay và phát triển từng ngày của đất nước và Thủ đô Hà Nội.

Những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ mà hào hùng, trong không khí sục sôi máu lửa, cây cầu chứng kiến sự ra đi bi tráng của những chàng trai hào hoa Trung đoàn Thủ đô bí mật rút qua sông Hồng mùa đông năm 1946, để rồi lại hân hoan chào đón quân ta tiến về Hà Nội và tống tiễn thực dân Pháp vào tháng 10 năm 1954.

Trong cuộc cháng chiến chống Mỹ, cầu Long Biên là một trong những mục tiêu công kích chủ yếu của không quân Mỹ nhằm cắt đứt tuyến giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh phía Bắc. Nhưng, những chiến sĩ phòng không và người dân Hà Nội vẫn bám trụ chiến đấu để bảo vệ cây cầu huyết mạch dù phải trả bằng máu.

Trở lại với các phương án của Bộ Giao thông vận tải, dù cầu Long Biên không phải là di sản được xếp hạng để được bảo tồn nguyên trạng theo đúng Luật Di sản nhưng nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong lòng người dân.

Các chuyên gia, các nhà khoa học cũng cho rằng, không danh hiệu nhưng cầu Long Biên vẫn là di tích lịch sử, di tích kiến trúc trong quần thể di sản đô thị và cầu Long Biên cần được đối xử tinh tế như mọi đối tượng bảo tồn khác. Do vậy cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tìm ra một phương án hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.

Đừng để di sản sừng sững xuyên thế kỷ, trải qua bao bom đạn lại bị biến dạng và biến mất bởi sự thực dụng của con người. Sẽ ra sao nếu một sáng người Hà Nội thức dậy với cảm giác trống rỗng khi không còn thấy cầu Long Biên, chắc họ sẽ bàng hoàng như người Huế không thấy cầu Trường Tiền hay người Paris không thấy tháp Eiffel in bóng trên bầu trời!!!

Mỹ Trà

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site