08:19 | 16/09/2014

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc

(LV) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có niềm tin tuyệt đối vào trí tuệ và sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Người đã xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

>>> Kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ đi xa: Cái gốc của nhạc là không có tiếng khóc 

>>> Tổ chức Tuần "Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng" 

Ðoàn kết thì tương lai sẽ vẻ vang

Là người nắm vận mệnh của đất nước, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ vai trò quan trọng của đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người cho rằng, để giải phóng một dân tộc cũng như để xây dựng một chế độ mới đều cần huy động sức mạnh toàn dân.

Để xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên đồng bào vì lòng yêu nước thương nòi, hãy xóa bỏ mọi bất hòa, thành kiến để cùng phấn đấu cho một tương lai tươi sáng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân, trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân bao gồm công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Người coi đó là nền, là gốc của đại đoàn kết. Nhận thấy nhân dân là lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra các hình thức tốt nhất để tổ chức lực lượng của nhân dân như thành lập các mặt trận: Việt Minh, Liên Việt, Dân tộc thống nhất, Tổ quốc Việt Nam... nhằm tập hợp các lực lượng cách mạng thành khối đoàn kết toàn dân tộc. Người chủ trương đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân thuộc các đảng phái, các đoàn thể trong Mặt trận đoàn kết dân tộc để giúp đỡ nhau phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội XHCN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra bốn mục đích của Mặt trận đoàn kết dân tộc là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Theo Người, muốn thống nhất phải có hòa bình, muốn độc lập thì phải có dân chủ. Bốn điểm đó như bầu trời có bốn phương Đông - Tây - Nam - Bắc, như một năm có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, không thể tách rời nhau. Và khối đoàn kết toàn dân phải được xây dựng từ mối quan hệ khăng khít giữa các dân tộc, các tôn giáo, mối liên hệ quân - dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu nữ các dân tộc thiểu số tại Giàn hoa Phủ Chủ tịch.12/3/1961
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu nữ các dân tộc thiểu số tại Giàn hoa Phủ Chủ tịch.12/3/1961.

Muốn phát triển phải tẩy trừ mọi thành kiến giữa các dân tộc

Người kêu gọi đồng bào các dân tộc không phân biệt lớn nhỏ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà để cùng xây dựng Tổ quốc, xây dựng xã hội XHCN, làm cho tất cả các dân tộc được no ấm hạnh phúc. Đồng bào các dân tộc đều là con em của đại gia đình chung là gia đình Việt Nam, đều có một Tổ quốc chung là Tổ quốc Việt Nam, vì vậy muốn tiến bộ, muốn phát triển phải tẩy trừ mọi thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà.

Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, để giữ gìn và phát huy bản sắc riêng của các dân tộc, Người nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào, tạo điều kiện để phát huy quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp họ tiến bộ về mọi mặt. Người cũng đề nghị Đảng, Chính phủ phải có chính sách dân tộc đúng đắn, ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.

Đối với các thành phần tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng của đồng bào vì đó là điều thiêng liêng trong sâu thẳm mỗi con người, là quyền lợi chính đáng cần được bảo vệ. Tuy nhiên, Người nhắc nhở đồng bào tôn giáo phải luôn gắn liền lợi ích tôn giáo với lợi ích chung của dân tộc. Phải đoàn kết giữa đời và đạo, phải kết hợp hài hòa giữa yêu nước và phụng đạo. Với đồng bào Phật giáo, Người mong muốn các hòa thượng tăng ni và Phật tử tích cực thực hiện tinh thần từ bi vô ngã vị tha trong sự n ghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc.

Về đoàn kết quân dân, Người khẳng định: “Quân và dân ta đoàn kết thành một khối vững chắc, cùng nhau mạnh mẽ tiến lên, thì sẽ vượt được mọi khó khăn và nhất định thành công trong sự nghiệp thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, tình đoàn kết giữa nhân dân và quân đội đã tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn.

Đối với đồng bào ta ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm sâu sắc. Người khen ngợi, khích lệ sự đóng góp của kiều bào cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Người hiểu rằng, kiều bào ta tuy ở đất khách quê người nhưng lòng luôn hướng về Tổ quốc. Người khuyên kiều bào khi về nước cần góp tài góp sức vào công cuộc xây dựng nước nhà.

Tư tưởng lớn cần thấm nhuần và thực hiện triệt để

Đại đoàn kết toàn dân là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này mang ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng trong mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Đoàn kết toàn dân trở thành một trong những quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Từ khi ra đời đến nay, chính sách này đã không ngừng được bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với sự vận động và phát triển của Cách mạng Việt Nam nhằm phát huy tối đa sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Nhờ đó mà chúng ta đã vượt qua bao khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù của dân tộc, vững vàng tiến bước ngay cả trong những thời điểm thế giới có những diễn biến phức tạp.

Ngày nay, Đảng ta đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn giá trị tư tưởng đại đoàn kết toàn dân. Điều đó được thể hiện nhất quán trong các chủ trương chính sách đổi mới trên cơ sở thống nhất về chính trị tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân, giải quyết hợp lý lợi ích kinh tế giữa các thành phần kinh tế xã hội, huy động được sức lực trí tuệ toàn dân để xây dựng và bảo vệ đất nước. Thực tế cho thấy, mỗi khi đất nước đứng trước những khó khăn, thách thức, đặc biệt khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm thì tinh thần đoàn kết của nhân dân ta lại được thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Về giá trị lý luận cũng như thực tiễn, đại đoàn kết toàn dân là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đảng, Nhà nước và mỗi người dân Việt Nam phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện một cách triệt để trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc

Phạm Hoàng Điệp

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site