08:19 | 22/12/2014

Bộ đội Cụ Hồ - Giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc

(LV) - Ngày 22/12/2014 quân đội ta tròn 70 tuổi. Một khoảng thời gian không dài so với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhưng ngần ấy cũng đủ để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam viết nên những trang sử hào hùng và sáng tạo nên một giá trị văn hóa độc đáo, tiêu biểu trong dòng chảy bất tận của nền văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - văn hóa Bộ đội Cụ Hồ.

>>> Ông vẫn là chiến sỹ 

>>> Gặp mặt, giao lưu cựu chiến binh tiêu biểu 

Bộ đội Cụ Hồ - hình tượng cao đẹp

Trong lịch sử quân sự, có lẽ ít có quân đội của quốc gia nào như quân đội ta lại được nhân dân mến yêu gọi với cái tên bình dị nhưng vô cùng cao quý: “Bộ đội Cụ Hồ”. Ðó là hình tượng cao đẹp, tập trung những phẩm chất tốt đẹp nhất của cán bộ, chiến sĩ quân đội, một nét đẹp tiêu biểu trong văn hóa quân sự Việt Nam. Ðồng thời là kết quả của sự hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc với bản chất cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh thông qua sự tổ chức, lãnh đạo, giáo dục rèn luyện của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của nhân dân. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành một mẫu hình về con người mới xã hội chủ nghĩa, có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng, được đồng bào tin yêu, quý trọng.

Bộ đội cụ Hồ giữ chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc...
Bộ đội cụ Hồ giữ chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc....

Dưới góc độ văn hóa, “Bộ đội Cụ Hồ” là sự kết tinh những giá trị cao quý nhất - mang tính sáng tạo và nhân văn, hướng tới các giá trị chân thiện mỹ - trong sự ứng xử, giải quyết các mối quan hệ của họ với Ðảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với bạn bè quốc tế, với đồng chí, đồng đội và với kẻ thù. Ðó là những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần hình thành từ tổ chức và hoạt động quân sự chính nghĩa, được lưu giữ, trao truyền lại và phát huy lên trong công cuộc giữ nước hiện tại và tương lai, được biểu hiện bằng tinh thần yêu nước, không quản ngại gian khổ, sẵn sàng xả thân hy sinh vì nước, vì dân; tinh thần quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù; vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy; tinh thần gan dạ dũng cảm kiên cường mưu trí và sáng tạo; tình đồng đội gắn bó keo sơn; tình đoàn kết quân dân cả nước.

“Bộ đội Cụ Hồ” là nét văn hóa độc đáo, nhưng nó không phải là cái “nhất thành bất biến”, nó có quá trình hình thành, phát triển, nó cần phải được gìn giữ và phát huy cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Sự hình thành và phát triển giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ xuất phát từ sự yêu mến, kính trọng của nhân dân, sự chăm lo giáo dục, rèn luyện của Ðảng và của Bác Hồ, mà hơn hết, nó xuất phát và được bồi đắp bởi chính sự hy sinh của lớp lớp các thế hệ những người lính vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc. Ðó là những Trần Thị Bắc, người con gái Núi Ðôi “sống trung thành, chết thuỷ chung” khi tuổi thanh xuân còn phơi phới sắc; là Hoàng Ngân, người nữ lãnh đạo kiên trung đã chiến đấu với quân thù đến hơi thở cuối cùng; là Bế Văn Ðàn lấy thân mình làm giá súng; Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, hay Phan Ðình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai… để góp phần làm nên một Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và mỗi khi mùa hoa Lê ki ma nở, ta lại nhớ Võ Thị Sáu, người con gái chưa tròn tuổi đôi mươi, đã “chiến đấu với bao niềm tin, dù chết vẫn không lùi bước”, ta nhớ khẩu đội trưởng Nguyễn Viết Xuân, trong bom đạn vẫn hô vang khẩu hiệu “nhằm thẳng quân thù, bắn!”, để rồi hình ảnh của anh mãi cùng toàn dân “tiến quân trên đường dài”…

 ...và giúp dân gặt lúa chạy lũ
...và giúp dân gặt lúa chạy lũ.

Văn hoá quân sự thời hội nhập

Có thể nói, “Bộ đội Cụ Hồ” là một giá trị văn hóa cao đẹp, đặc sắc và độc đáo của dân tộc ta, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ðiều đó cũng cho thấy, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” không thể chỉ là việc của lực lượng vũ trang, hay của những quân nhân cách mạng, đó phải là trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước.

Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng trên lĩnh vực văn hóa, văn hóa quân sự nói chung, giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” nói riêng không thể khu biệt mà cũng phải hòa vào tiến trình hội nhập ấy. Ðó là logic tất yếu của quá trình phát triển. Vấn đề là ở chỗ, việc gìn giữ và phát huy, làm cho “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” được lan tỏa, phát huy tác dụng trong đời sống cần được nhận thức và quyết tâm thực hiện đúng đắn, đặc biệt trong quân đội, trong mỗi cán bộ chiến sĩ, cần nhận thức, hiểu sâu sắc những giá trị tinh hoa văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, ra sức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nhận thức sâu sắc và tự hào về truyền thống của dân tộc, của cách mạng và quân đội, thực hiện “mỗi đơn vị là một điểm sáng văn hóa, mỗi quân nhân là một chiến sĩ văn hóa”. Ðồng thời, chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện coi nhẹ truyền thống, phủ nhận quá khứ, gieo rắc tư tưởng, lối sống thực dụng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân.

Mặt khác, trong quá trình mở rộng giao lưu với quân đội và nhân dân các nước trên thế giới, cần tiếp thu có chọn lọc, có phê phán những tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng và phát triển phù hợp với đặc điểm hoạt động quân sự và bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, lấy văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” làm nền tảng cho quá trình tiếp biến, thâu hái văn hóa nhân loại nói chung, văn hóa quân sự các nước trên thế giới nói riêng.

Ðoàn Hải Nam

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site