08:19 | 04/08/2015

Thị trường mỹ thuật ở Việt Nam: Phải được xây từ gốc rễ

(LV) - Nói một cách ví von, trong âm nhạc, người nghệ sỹ cứ chơi đàn và khán giả của họ cứ nghe đàn bằng cặp “tai trâu” thì sẽ chẳng còn là âm nhạc nữa. Trong mỹ thuật, nếu người vẽ cứ vẽ và người xem thì chả hiểu gì về tác phẩm thì cũng chẳng khác nào “mang tranh treo trước anh mù”. Điều này đúng với không chỉ âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh mà còn đúng với mọi loại hình nghệ thuật hiện nay.

>>> Hướng đi nào cho thị trường mỹ thuật Việt Nam? 

Chớ “bẻ ngọn” vấn đề

Hiện tượng tranh chép, tranh nhái như trong cuộc Hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh kinh tế-xã hội đương đại” do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tổ chức mới đây có nêu chỉ là sự đối phó của những người làm nghề trong giai đoạn thị trường mỹ thuật đang mò mẫm không lối thoát. Khi đó, hễ cứ cái gì bán được thì những Gallery lập tức cho “chép”, nhân bản để bán với giá rẻ. Điều này trực tiếp làm hỏng, thậm chí phá hoại thị trường mỹ thuật nước nhà.

Còn khách hàng của thị trường mỹ thuật thì vẫn tiếp tục mua tranh như vậy bởi họ không có năng lực tự đánh giá giá trị của những sản phẩm mình mua. Họ mua tranh phần nhiều là vì thấy thinh thích, vì đã từng nghe tên tuổi của tác giả ở đâu đó, hoặc đại loại như vậy. Cũng bởi vậy mà những họa sỹ, những đơn vị trung gian chỉ cần nghe ngóng xem các “thượng đế” cần gì để đáp ứng. Đáp ứng nhu cầu người mua cũng là đáp ứng “nhu cầu sống được với nghề” của chính bản thân tác giả, của phòng tranh. Việc nhân bản, chép, đạo ý tưởng… hiện nay phần nhiều phụ thuộc vào tâm đức của người nghệ sỹ và người kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt này. Điều đáng buồn là hiện tượng này không chỉ xẩy ra trong lĩnh vực mỹ thuật mà còn trong hầu hết các loại hình nghệ thuật khác hiện nay.

Tại Hội thảo nói trên, đã có rất nhiều ý kiến tham gia cho rằng: Cần phải có cơ chế đãi ngộ của nhà nước về mỹ thuật; phải có các chuyên gia thẩm định giá trị tác phẩm và được Nhà nước cấp bằng hành nghề; doanh nghiệp đầu tư vào thị trường mỹ thuật và có chính sách miễn thuế cho họ; để hình thành thị trường mỹ thuật thì phải coi đó là một thị trường, vận động theo các quy luật của thị trường.… Thiết nghĩ, những giải pháp này rồi sẽ chẳng đi về đâu nếu như chính những người thụ hưởng mỹ thuật vẫn chẳng hiểu gì về những tác phẩm được trưng bầy, được bán trên thị trường mỹ thuật ấy.

Hình chỉ mang tính chất minh hoạ
Muốn xây dựng thị trường Mỹ thuật Việt Nam phải nâng cao kiến thức và nhận thức về mỹ thuật (Hình chỉ mang tính chất minh hoạ).

Năng lực thẩm mỹ là phải là “gốc rễ”

Trong mỹ thuật cũng như những loại hình nghệ thuật khác. Điều cơ bản tạo nên giá trị của tác phẩm chính là việc tác phẩm đó được sự công nhận, đánh giá của những người thụ hưởng nghệ thuật. Một tác phẩm mỹ thuật dù được coi là có giá trị nghệ thuật đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu người thụ hưởng không hiểu những giá trị đó hay không có đủ năng lực thẩm mỹ để hiểu thì sẽ dẫn đến tình trạng như “đàn gẩy tai trâu”, và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm sẽ trở về con số 0 tròn trĩnh.

Muốn cho giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm mỹ thuật đến với người thụ hưởng bằng nguyên giá trị của nó thì trước hết phải hướng đến những đối tượng hưởng thụ có đủ năng lực thẩm mỹ để đánh giá giá trị của tác phẩm. Giống như trong văn học có cảm thụ văn học, trong âm nhạc có cảm thụ âm nhạc thì trong mỹ thuật cũng vậy. Người thụ hưởng những giá trị nghệ thuật của tác phẩm phải cảm thụ được cái đẹp, cảm thụ được giá trị thẩm mỹ của tác phẩm mỹ thuật. Những họa sỹ được đào tạo tại các trường về mỹ thuật đều được học môn “mỹ học” là một môn cơ bản giúp nâng cao khả năng hiểu và cảm thụ các tác phẩm mỹ thuật. Tuy nhiên, không phải ai cũng được học môn học này. Mỹ thuật và thẩm mỹ lại là những phạm trù có tính trừu tượng cao, không thể định tính hay định lượng theo những cách thông thường. Việc đánh giá dựa vào cảm tính là vô cùng khó và không dễ phổ cập, không dễ để đến với số đông người hưởng thụ.

Một thị trường sẽ không hình thành nếu thiếu đi một nhân tố cơ bản là bên mua. Bên mua của thị trường mỹ thuật phải có đủ năng lực để cảm thụ và đánh giá giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thì họ mới mua. Chính vì vậy, giải pháp cho việc phát triển thị trường mỹ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế-xã hội đương đại phải đi từ việc làm sao để nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng, của cộng đồng. Giúp họ hiểu những giá trị của mỹ thuật và yêu mỹ thuật mới là giải pháp gốc rễ của thị trường mỹ thuật vốn rất trừu tượng và cảm tính này.

Vũ Thanh
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site