08:19 | 05/01/2016

Lần đầu vinh danh nghệ nhân

(LV) - Sau hàng chục năm chuẩn bị, năm nay, lần đầu tiên Nhà nước xét tặng danh hiệu cho các Nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Trong đợt đầu tiên này, có 617 nghệ nhân ở 56 tỉnh, thành được Hội đồng cấp Nhà nước thông qua hồ sơ.

Đây là niềm vui và sự động viên lớn với các nghệ nhân bởi nhiều người đã chờ đợi cả đời về một danh hiệu chính thức của Nhà nước. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện việc trao quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của Chủ tịch nước cho các nghệ nhân.

Sự động viên, khích lệ chưa quá muộn

Trong dịp kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam vừa qua, Hà Nội đã trao cho 39 nghệ nhân ở các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (ca trù, xẩm, cồng chiêng, chèo tàu, hát dô…) và nghệ nhân loại hình tri thức dân gian (ẩm thực, làm diều sáo, nặn tò he, nhạc cụ truyền thống…). Rất nhiều nghệ nhân cao tuổi đã thực hành gìn giữ, trao truyền di sản nhiều năm nay chỉ bằng tình yêu với di sản, lần đầu tiên được Nhà nước công nhận danh hiệu, các cụ không giấu được niềm vui. Nghệ nhân Nguyễn Thị Vây ở Thường Tín, Hà Nội rưng rưng khi được công nhận danh hiệu. Cụ cho biết: “Nay cụ đã 79 tuổi, biết hát Trống quân từ hồi 5 tuổi. Trước đây, hát Trống quân là tập quán nhưng nay, người dân ngại, xấu hổ khi hát chỗ đông người. Còn cụ thì chả lúc nào ngại, sáng mở mắt dậy là hát, ra đồng hát, ngồi nhai trầu hát, tối lên giường cũng hát. Hát Trống quân ngấm vào máu, vào lời ru con cháu... Nay nhân ngày Di sản, được lãnh đạo vinh danh Nghệ nhân ưu tú cụ mừng lắm”.

Rất nhiều nghệ nhân tuổi trên dưới 90 tuổi như nghệ nhân Ca trù Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Thị Vượn… được công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Dù tuổi đã cao nhưng các nghệ nhân đã có mặt khá đông đủ để nhận Bằng khen công nhận Nghệ nhân ưu tú và Kỷ niệm chương. Các nghệ nhân chia sẻ, dù tuổi cao mới được công nhận danh hiệu cũng vui, vì còn chờ được đến ngày này. Không ít nghệ nhân tài năng đã ra đi khi chưa có danh hiệu như nghệ nhân đàn đáy Năm Hồng. Trong đợt này, Hà Nội cũng quyết định truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cho nghệ nhân Vũ Văn Hồng (Năm Hồng) - người từng được xưng tụng là “nghệ nhân đàn đáy kỳ tài”, “cây đàn qua hai thế kỷ”…

Ca nương Phạm Thị Huệ cho biết cô rất vui và vinh dự khi nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú: “Điều này lẽ ra phải làm từ lâu rồi, vì những di sản văn hóa phi vật thể vốn phụ thuộc vào con người. Nếu không ghi nhận, những di sản sẽ mất đi. Việc vinh danh này sẽ làm cho giới trẻ nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của các di sản”.

Nghệ nhân múa Bài bông Lương Tất Tố cũng vui mừng chia sẻ: “Gắn bó với di sản từ năm 1962, từ trước đến nay chỉ lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến, truyền dạy cho các cháu nhỏ. Sau nhiều năm chờ đợi, hôm nay nhận được quyết định của Chủ tịch nước tôi thấy quá vui”.

Nhiều nghệ nhân cả đời gắn bó với di sản, vẫn đam mê, đau đáu mong muốn được truyền dạy cho con cháu và giờ nhiều người ở cái tuổi gần đất xa trời được vinh danh. Đó cũng là sự động viên, khích lệ chưa quá muộn để những thế hệ sau tiếp tục gìn giữ những di sản quý báu ấy.

Sau danh hiệu là…

Sau danh hiệu, điều cần thiết vẫn là chính sách đãi ngộ các nghệ nhân, chính sách bảo tồn di sản. Ca nương Phạm Thị Huệ cho rằng để các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy thì điều quan trọng nhất là Nhà nước phải hỗ trợ. Nhà nước hiện đã quan tâm hơn nhưng vẫn chưa có định hướng cụ thể cho từng loại hình nghệ thuật và từng nghệ nhân. “Phải làm sao để những người làm nghệ thuật dân gian có thể sống với nghề và tiếp tục truyền dạy. Còn lớp trẻ khi nhìn vào thấy họ có tương lai để sẵn sàng theo đuổi. Bản thân những người như chúng tôi chỉ biết cố gắng truyền dạy, biểu diễn, quảng bá di sản bằng nhiều hình thức khác nhau” - ca nương Huệ chia sẻ.

GS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian cho rằng: “Nhà nước cần hỗ trợ cho nghệ nhân bảo tồn di sản bằng nhiều phía. Cần rút kinh nghiệm một số nước. Ví dụ như Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ hỗ trợ nghệ nhân rất cao, Nhật Bản lên đến hàng nghìn đô la mỗi tháng. Việt Nam có nhiều di sản, đất nước chưa giàu, theo tôi Việt Nam nên tạo điều kiện cho nghệ nhân gắn bó và sống được bằng di sản sẽ tốt hơn là cấp thẳng tiền cho họ mỗi tháng. Còn sự hỗ trợ và các chính sách ưu tiên đương nhiên phải có, hỗ trợ bao nhiêu tùy theo khả năng. Đây cũng là hướng bảo tồn của UNESCO và UNESCO khuyến khích bảo tồn di sản theo hướng này”.

Câu chuyện bảo tồn di sản bền vững cần thiết phải có sự bắt tay giữa Nhà nước, nghệ nhân và xã hội. Bởi vậy, sau cả chục năm để chuẩn bị cho danh hiệu của các nghệ nhân thì ngoài các chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân cũng cần các chính sách đồng bộ để phát huy di sản, để di sản có thể nuôi sống nghệ nhân. Thiết nghĩ, đó mới là hướng bảo tồn bền vững.

Tùng Linh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site