08:19 | 08/03/2016

Học cách giữ bản sắc truyền thống

(LV) - Tính đến hết năm 2015, Bộ VHTTDL đã triển khai tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể như dân ca, dân vũ, dân nhạc, tiếng nói…cho các dân tộc: Pu Péo, Si La, Ơ Đu, Brâu và Rơ Măm. Đây là 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người được Bộ VHTTDL đưa vào diện cần bảo tồn khẩn cấp về các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể.

Để không bị mai một bản sắc

Có thể nói đời sống kinh tế - xã hội của 5 dân tộc Pu Péo, Si La, Ơ Đu, Brâu và Rơ Măm có xuất phát điểm thấp, tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu so với các dân tộc khác và mặt bằng chung của cả nước. Đời sống văn hoá truyền thống của đồng bào tuy phong phú nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức, đã và đang đứng trước nguy cơ rất cao bị mai một và mất dần bản sắc văn hoá.

Trước thực trạng đó, Bộ VHTTDL đã chủ trì phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum, Nghệ An tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể cho đồng bào dân tộc Pu Péo (tại Hà Giang), dân tộc Si La (tại Lai Châu), dân tộc Ơ Đu (tại Nghệ An), dân tộc Rơ Măm (tại huyện Sa Thầy) và Brâu (tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Thông qua các nghệ nhân, là những người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể truyền dạy trực tiếp cho thế hệ con cháu các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, tiếng nói… của dân tộc mình.

Trang phục truyền thống của đồng bào Si La
Trang phục truyền thống của đồng bào Si La.

Người Ơ Đu học tiếng “mẹ đẻ”

Ông Vi Sắt Son, Trưởng phòng VH-TT huyện Tương Dương cho biết, đồng bào dân tộc Ơ Đu chủ yếu sinh sống ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An với 94 hộ, 398 nhân khẩu. Người Ơ Đu sinh sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Do đặc điểm môi trường sinh sống nên các giá trị văn hóa của người Ơ Đu đang bị mai một, đặc biệt là tiếng nói của đồng bào hiện chỉ còn 3 nghệ nhân là Lo Thanh Bình, Lo Văn Nghệ, Lo Văn Cường biết và am hiểu tiếng “mẹ đẻ”, những người còn lại đều không biết chỉ sử dụng tiếng phổ thông làm ngôn ngữ giao tiếp.

Ông Lo Thanh Bình, một trong 3 nghệ nhân còn lại biết tiếng Ơ Đu cho biết, được tham gia lớp truyền dạy của Bộ VHTTDL tổ chức tôi rất vui và phấn khởi, bởi lâu nay do cuộc sống của người dân có sự giao thoa với các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn nên tiếng nói của người Ơ Đu chúng tôi đã bị mai một, ở bản chúng tôi chỉ còn tôi và 2 người nữa là còn biết ngôn ngữ của mình, còn lại hầu như không ai biết tiếng nói của người Ơ Đu, nhất là lớp trẻ.

Qua lớp truyền dạy này chúng tôi có cơ hội để truyền đạt lại cho con cháu mình biết và sử dụng được ngôn ngữ của dân tộc mình, nhằm lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp. Tôi cũng mong được Nhà nước, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tạo điều kiện hơn nữa về vật chất và tinh thần để chúng tôi yên tâm truyền dạy một cách hiệu quả và thiết thực.

Em Lương Thị Kim Anh, sinh viên Đại học Vinh cho hay, lớp trẻ chúng em đều không biết sử dụng được tiếng “mẹ đẻ” do sinh ra và lớn lên không được bố mẹ và người lớn chỉ dạy, đến tuổi đi học chúng em lại học tiếng phổ thông, nhiều khi muốn học tiếng nói của đồng bào mình mà không có cơ hội. Vì thế khi nghe tin có lớp truyền dạy tiếng nói của dân tộc mình do Bộ VHTTDL mở, em đã lặn lội hàng trăm cây số từ Vinh để kịp về tham dự, em cũng khá bất ngờ là rất nhiều người ở bản, nhất là các bạn trẻ như em tham gia lớp học, hy vọng Tết này chúng em sẽ sử dụng và nói thành thạo tiếng “mẹ đẻ” để góp phần gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc mình.

Nhạc cụ cồng chiêng được người Brâu sử dụng rộng rãi trong các lễ nghi, lễ hội…
Nhạc cụ cồng chiêng được người Brâu sử dụng rộng rãi trong các lễ nghi, lễ hội…

Bà con Brâu, Rơ Măm học cách giữ gìn bản sắc

Ông Lê Huyên, Trưởng phòng VH-TT huyện Ngọc Hồi, Kon Tum cho biết, đồng bào dân tộc Brâu chủ yếu sinh sống ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum với 138 hộ, 479 nhân khẩu. Các học viên tham gia lớp học là người dân tộc Brâu được 5 nghệ nhân A Chriêm, Thao La, A Mưu, Nàng Nhốt và Nàng Giang là những người cao tuổi, có uy tín và am hiểu văn hóa phi vật thể truyền dạy cách đánh chiêng tha, đánh Đinh Pú, Poong Bông, Âm Púc, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Brâu.

Bà Y Ban, một học viên cho biết, nhờ sự quan tâm của Bộ VHTTDL mở lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, nhạc cụ, cồng chiêng dân tộc Brâu, chúng tôi như được sống lại trong không gian văn hóa đặc sắc mà lâu rồi chúng tôi không có dịp được phô diễn vì nhiều lý do. Tới đây, chúng tôi sẽ thường xuyên luyện tập và truyền dạy lại cho con cháu các giá trị truyền thống văn hóa, để bản sắc quý báu không bị mai một mà ngày càng được bảo tồn và phát triển.

Trao đổi với các nghệ nhân, học viên dân tộc Rơ Măm, Brâu tại huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, ông Nguyễn Xuân Truyền, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum một người có thâm niên nghiên cứu và gắn bó với văn hóa Tây Nguyên cho biết: Lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào là sự quan tâm rất lớn của Bộ VHTTDL, nhằm giúp cho bà con có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ lớp học này các nghệ nhân đã nỗ lực truyền đạt lại các giá trị văn hóa của ông cha ta cho lớp trẻ kế tục truyền thống văn hóa để không làm mất đi những di sản quý báu trong quá trình hội nhập.

Thời gian tới, mong rằng các nghệ nhân sẽ tiếp tục hướng dẫn cho lớp trẻ các làn điệu dân ca, dân vũ, cồng chiêng, chiêng tha, đàn tre rất độc đáo... để mỗi dịp lễ hội hoặc sau những ngày lao động các chàng trai, cô gái Rơ Măm, Brâu lại tự hào trình diễn những giá trị văn hóa độc đáo, góp phần làm cho đời sống sinh hoạt của đồng bào thêm phong phú lành mạnh.

Một mùa xuân mới đang tràn về trên khắp các bản làng từ vùng núi cao Tây Bắc tới miền Trung và Tây Nguyên, hy vọng bằng sự nhiệt huyết của các nghệ nhân truyền dạy, đồng bào 5 dân tộc Pu Péo, Si La, Ơ Đu, Brâu và Rơ Măm sẽ gìn giữ và phát huy hơn nữa việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống mới.

Nguyễn Thị Hải Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site