08:19 | 19/04/2016

Tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số

(LV) - Trong cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình thương yêu tới tất cả đồng bào dân tộc Việt Nam, luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tình thương của Người trải rộng tới mọi đối tượng, giai tầng trong xã hội, nhưng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Người luôn dành tình cảm đặc biệt nhất.

>>> Học cách giữ bản sắc truyền thống 

>>> Hội tụ và lan tỏa Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” 

Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

Ngày 03/12/1945, chỉ ba tháng sau khi nước Việt Nam tuyên bố độc lập, Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc đã diễn ra tại Hà Nội. Đến dự đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân biệt nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy độc lập càng cần phải đoàn kết hơn nữa”. Người cùng Chính phủ đã hứa sẽ thực hiện dân tộc bình đẳng, cố gắng giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt: mở mang nông nghiệp, nâng cao trình độ học thức cho dân tộc. Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình.

Với Người, các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều là anh em một nhà, là thành viên của đại gia đình các dân tộc Việt Nam... và chúng ta cần chung tay để xây dựng mái nhà Việt Nam, cùng giúp nhau tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc ít người dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2 năm 1956
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc ít người dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2 năm 1956.

Với tình cảm đó, khi Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku, lúc đó do bận rộn việc nước trong những ngày đầu mới thành lập, không thể đích thân tới dự được. Ngày 19 tháng 4 năm 1946, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi tới Đại hội, thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Người đối với đồng bào các dân tộc.

Trong thư, Người viết: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào... Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...” , nên tất cả chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để “giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. Người nhấn mạnh, chúng ta phải “quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập”, dù “sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Để thực sự đoàn kết giữa các dân tộc, Người khuyên đồng bào các dân tộc phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, xóa bỏ những bất đồng, mặc cảm, tôn trọng và có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc... “để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”.

Từ những lời Người viết, có thể thấy, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn là đối tượng được Người quan tâm, chăm sóc, động viên và ân cần dạy bảo.

Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên

Sau này, trong suốt những năm tháng lãnh đạo đất nước, trải qua cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người đã nhiều lần gửi thư cho các đồng bào dân tộc, thăm hỏi, động viên, khẳng định quyết tâm cùng chung sức chiến đấu với kẻ thù. Những người con Tây Nguyên dũng cảm lập chiến công được Người nhiệt liệt khen ngợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thổi khèn do nhân dân huyện Châu Yên tặng nhân dịp Người thăm tỉnh Lạng Sơn năm 1959
Chủ tịch Hồ Chí Minh thổi khèn do nhân dân huyện Châu Yên tặng nhân dịp Người thăm tỉnh Lạng Sơn năm 1959.

Những người dân Tây Nguyên hết sức kính yêu Người, nhà nhà đều lập bàn thờ Bác với niềm kính yêu vô hạn. Tại Tây Nguyên hiện nay có Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai, có Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Gia Lai và Kon Tum là những công trình thể hiện ước nguyện của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai, Kon Tum nói riêng “chưa được đón Bác vào thăm, thì làm nhà rước Bác vào ở”. Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Gia Lai và Kon Tum có trưng bày bản khắc gỗ bức thư Người gửi đồng bào các dân tộc thiểu số năm 1946 với tất cả sự trân trọng.

Mới đó mà đã 70 năm từ ngày Người viết bức thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số (19/4/1946 - 19/4/2016). Hồ Chủ tịch đã đi xa, nhưng những lời Người dặn vẫn còn mãi với toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung, với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Chúng con nguyện luôn ghi sâu lời Người dặn, cùng chung tay thực hiện sự đoàn kết vững chắc giữa đồng bào các dân tộc anh em, để đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.

TS. Chu Đức Tính
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site