08:19 | 26/04/2016

Hồn Việt nơi mái nhà chung

(LV) - Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, bằng tâm huyết và tinh thần sáng tạo, những năm qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã và đang dần khẳng định sự phát triển bền vững và hiệu quả của mình trong phát triển du lịch văn hóa, khi mà những hoạt động ở “Ngôi nhà chung” ngày một đa dạng, phong phú, sống động và đậm đà bản sắc.

>>> Hội tụ và lan tỏa Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” 

Niềm tin từ một mô hình du lịch văn hóa

Phát triển du lịch văn hóa là hướng đi đúng đắn nhằm xây dựng một nền công nghiệp văn hóa hiện đại, hình thành thị trường văn hóa năng động và lành mạnh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trước sự suy thoái của kinh tế thế giới và trong nước, việc hiện thực hóa những mục tiêu đó quả không hề đơn giản. Nhiều bài toán phức tạp đòi hỏi có lời giải thấu đáo, nhất là việc giải quyết hài hòa, trên tinh thần biện chứng giữa bảo tồn với phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữa lợi ích kinh tế với lợi ích văn hóa trong từng khâu, từng bước của quá trình phát triển du lịch văn hóa.

Quá trình xây dựng và vận hành của “Làng” những năm qua cho thấy, với việc tiếp cận mô hình phát triển văn hóa theo hướng lấy chủ thể sáng tạo văn hóa làm trung tâm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, thực hiện kết hợp giữa văn hóa với du lịch, du lịch với văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng vật chất cho hoạt động du lịch, hoạt động du lịch làm phương tiện, đòn bẩy để thúc đẩy việc quảng bá văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc được bảo tồn, tái sinh và tỏa sáng. Có thể nói, đây là hướng đi đúng đắn, vừa đảm bảo sự phát triển bền vững văn hóa, vừa khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc phục vụ phát triển du lịch, đem lại lợi ích thiết thực cho chính đồng bào và nền kinh tế đất nước.

Sự tham gia hoạt động thường xuyên của cộng đồng các dân tộc góp phần làm phong phú và đa dạng các hoạt động phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách khi đến
Sự tham gia hoạt động thường xuyên của cộng đồng các dân tộc góp phần làm phong phú và đa dạng các hoạt động phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách khi đến "Ngôi nhà chung". Ảnh: Kim Khánh

Thực tế cho thấy, thời gian qua, các hoạt động mang tính sự kiện được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam như: “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Ngày Văn hóa Việt Nam”, Tuần “Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”… đã tạo được sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa nội địa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Ban quản lý Khu các Làng dân tộc, để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của chủ thể văn hóa cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để đồng bào các dân tộc tham gia hoạt động thường xuyên, hàng ngày của Làng trong thời gian tới. Đồng thời, chủ động tạo liên kết rộng rãi với các công ty lữ hành, các trung tâm, điểm du lịch trên khắp cả nước, nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo phục vụ tốt nhất mọi nhu cầu du lịch văn hóa của du khách bốn phương.

Sức sống mới của “Ngôi nhà chung”

Sau thời gian thực hiện thí điểm hai cộng đồng dân tộc Thái, Mường thường xuyên có mặt tại “Làng”, tái hiện cuộc sống sinh hoạt lao động sản xuất, làm nghề thủ công truyền thống... trong năm 2016, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam dự kiến sẽ bổ sung thêm các dân tộc Khơ Mú (Điện Biên); Ê Đê (Đắk Lắk); Giẻ Triêng, Xơ Đăng (Kon Tum); Chăm (Ninh Thuận); Khmer (Sóc Trăng) tham gia hoạt động thường xuyên tại “Làng” để phục vụ du khách.

Cùng với hoạt động thường xuyên, các hoạt động mang tính sự kiện trong năm 2016 cũng đã được lên kế hoạch cụ thể với nội dung, hình thức phù hợp. Khép lại chương trình “Chào năm mới 2016”, ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn” sẽ là chuỗi các sự kiện: Sắc màu các dân tộc Việt Nam; Ấn tượng mùa hè; Thiếu nhi các dân tộc; Tiếng vọng Tây Bắc; Sông nước miền Tây; Vui tết Độc lập; Du lịch qua các miền Di sản; Sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc và Món ngon vùng miền… tạo nên những điểm nhấn để giữ chân du khách mỗi khi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Có thể nói, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang thực sự chuyển mình với một diện mạo và sức sống mới. Không còn chỉ là những bản làng, phum, sóc… im ắng, đơn điệu nữa, mà trong những ngôi nhà dài của đồng bào Ê Đê, tiếng đàn Đinh Năm lúc trầm lúc bổng đã hòa trong điệu Airay, trong tiếng kể Khan của các già làng. Bên khung cửa sổ những ngôi nhà sàn, cô gái Thái trong áo Cóm tình tứ, đang ngồi bên khung cửi dệt chiếc khăn Piêu. Hay bên sườn dốc xa xa, tiếng khèn của chàng trai H’mông đang dập dìu gọi bạn… Tất cả những khuôn hình mới mẻ và sống động ấy đã, đang và sẽ tạo nên những không gian văn hóa chân thật, mang đậm bản chất, cốt cách và tâm hồn Việt của mái nhà chung.

Mông Sen
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site