16:57 | 08/08/2015

250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du:

Di sản và các giá trị xuyên thời đại

(LV) - Sáng 8/8, tại Hà Nội, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) với chủ đề "Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại".

>>> Kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Hà Tĩnh

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học đồng chủ trì hội thảo. Về phía Hà Tĩnh có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và lãnh đạo các sở, bàn, ngành và gần 500 đại biểu, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước.

Sự nghiệp thi ca của Đại thi hào Nguyễn Du trải dài suốt cuộc đời, có cả thơ chữ Hán (tổng cộng 250 bài) và thơ tiếng Việt (chữ Nôm), có cả Đường thi và lục bát dân tộc, có cả thơ trường thiên và đoản thiên. Với kiệt tác "Truyện Kiều", Nguyễn Du đã khẳng định được vị trí số một trong nền văn học dân tộc Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh văn đàn thế giới. Tính đến nay, kiệt tác Truyện Kiều đã được chuyển ngữ và giới thiệu trong 37 bản dịch với hơn 20 thứ tiếng.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội thảo
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MH

Di sản mà Nguyễn Du để lại cho hậu thế, nhất là Truyện Kiều thể hiện sinh động chủ nghĩa nhân văn cao cả, lòng yêu thương, khát vọng giải phóng con người khỏi áp bức bất công, hướng tới tự do, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, thi ca, cốt cách con người Việt Nam. Hơn 200 năm qua, di sản vô giá Nguyễn Du đã không ngừng được nghiên cứu, khám phá trên nhiều phương diện khác nhau và lan tỏa với nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh khẳng định: “Có thể nói, ở đâu trên đất nước này, nơi nào có cuộc sống ở đó có Nguyễn Du. Từ những trí thức đến những người lao động bình thường, người ta đọc Kiều, lẩy kiều, bói Kiều, ru con bằng những câu Kiều. Và tôi nghĩ, nhiều cô bé, cậu bé nằm nôi lớn lên từ những lời ru đó, không thể sống ác được, không thể không thương người, thương mình trong những lúc truân chuyên. Trong suy nghĩ của chúng ta, di sản Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh của trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam. Qua tài năng trác việt của ông và qua qua thời gian, di sản ấy đã trở thành tinh hoa của nhân loại”.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự khẳng định thêm những giá trị tốt đẹp của mảnh đất Hà Tĩnh, góp phần hun đúc nên cốt cách Nguyễn Du. Từ mạch nguồn văn phái Hồng Sơn, nối tiếp dòng văn Tiên Điền, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế những tác phẩm như: "Thanh Hiên thi tập", "Nam trung tạp ngâm", "Bắc hành tạp lục", "Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu", "Thác lời trai phường nón"... Với trái tim nhân hậu, Tố Như đã nói về nỗi đau của những kiếp người, phê phán các thế lực phong kiến tàn bạo, ngợi ca tình yêu, và thể hiện niềm khao khát vươn tới công lý và cái đẹp vĩnh hằng.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: MH

Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự đánh giá: “Hà Tĩnh – vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, được mệnh danh là nơi địa linh – nhân kiệt. Nhân dân Hà Tĩnh luôn cần cù trong lao động, yêu nước nồng nàn, có tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất, sống nhân nghĩa, thủy chung, đặc biệt rất hiếu học và có nhiều người học giỏi. Nơi đây hầu như thời kỳ nào cũng sản sinh ra những bậc anh hùng hào kiệt, danh nhân, chí sỹ lớn của đất nước”.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, những năm qua, Hà Tĩnh đã nỗ lực bứt phá, đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực. Cùng với các thành tựu kinh tế, Hà Tĩnh đã quan tâm đầu tư có chiều sâu các lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Đến nay, Hà Tĩnh đã lập hồ sơ và được xếp hạng 2 di tích thế giới, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia, hơn 350 di tích cấp tỉnh. Cùng với quan tâm và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt và di sản của Đại thi hào Nguyễn Du, tỉnh đang tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới của người Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập văn hóa ngay trên mảnh đất của chính mình.

Ngay sau phiên khai mạc, hội thảo được chia thành 2 tiểu ban thảo luận hai nội dung chính: Cuộc đời, di sản của Nguyễn Du – nhìn từ trong và ngoài quốc gia; Truyện Kiều – những phương thức diễn dịch và chuyển hóa.

Nhiều đại biểu quốc tế đã chia sẻ những nghiên cứu sâu về hành trình sáng tạo của Nguyễn Du, đặc biệt trong thời gian Đại thi hào đi sứ Trung Quốc, về sự phong phú trong tư tưởng của Nguyễn Du với sự giao thoa tinh thần Phật giáo, Nho giáo.

Các đại biểu cũng khẳng định, tư tưởng của Truyện Kiều bắt nguồn từ cội nguồn văn hóa, văn học dân gian Việt Nam. Đặc biệt dịch giả, nhà nghiên cứu Triệu Ngọc Lan đến từ Trường Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, xuất phát từ sự tôn sùng và cảm phục đại thi hào Nguyễn Du, bà đã nghiên cứu Truyện Kiều khá sâu sắc đồng thời bắt tay dịch Truyện Kiều từ tiếng Việt sang tiếng Trung.

Hoài Nam

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site