14:40 | 01/09/2015

Tái hiện dòng chảy “Lịch sử - Văn hóa Việt Nam”

(LV) - Gần 300 hình ảnh, tư liệu, bản trích, số liệu... đã giới thiệu khái quát, cô đọng tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời Tiền sử qua thời dựng nước đầu tiên, thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

>>> Đơn sơ nhà sàn Bác Hồ 

>>> “Vui tết Độc lập” trong “Ngôi nhà chung” 

>>> Khai mạc Trưng bày chuyên đề “Sưu tập Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945” 

Sáng 01/9, Triển lãm “Lịch sử - Văn hóa Việt Nam” đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Lích sử quốc gia Việt Nam. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2015).

TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc Triển lãm
TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc Triển lãm. Ảnh: Hà Tuấn

Theo đó, Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh, tư liệu, bản trích, số liệu... giới thiệu khái quát, cô đọng tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời Tiền sử qua thời dựng nước đầu tiên, thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) cũng như công tác bảo tồn, phát huy, tôn vinh và quảng bá giá trị di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từ đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý chí độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nội dung trưng bày gồm 6 phần:

Việt Nam thời Tiền sử (cách ngày nay khoảng 500.000 - 4.000 năm).

Những dấu tích của người vượn đứng thẳng (Homo Erectus) tìm thấy ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), cách ngày nay khoảng 500.000 - 400.000 năm đã chứng minh nước ta là một trong những cái nôi của loài người ở khu vực Đông Nam Á. Từ thời đại Đá cũ tới thời đại Đá mới, các văn hóa với những đặc trưng chung và sắc thái riêng phát triển nối tiếp nhau ở mọi miền đất nước. Trong quá trình này, người tiền sử Việt Nam đã chuyển dần từ vùng núi, trung du xuống khai phá đồng bằng, ven biển và hải đảo; hoàn thiện, phát triển các kỹ nghệ công cụ đá, định cư làm gốm, nông nghiệp sơ khai và chăn nuôi, tạo tiền đề Việt Nam bước vào thời kỳ văn minh - nhà nước sớm.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm
Các đại biểu cắt băng khai mạc... Ảnh: Hà Tuấn

Việt Nam thời dựng nước đầu tiên (khoảng 4.000 - 2.000 năm cách ngày nay).

Thời đại Kim khí, trên lãnh thổ nước ta có ba phổ hệ văn hóa là Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Đồng Nai ở miền Nam cùng tồn tại và phát triển rực rỡ. Các phổ hệ văn hóa này mang sắc thái riêng nhưng có mối quan hệ qua lại với nhau. Trong đó, phổ hệ văn hóa Đông Sơn với nông nghiệp trồng lúa nước và công nghệ luyện kim đúc đồng phát triển ở trình độ cao đã sớm trở thành cơ sở vật chất dẫn tới sự hình thành nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc, mở ra thời đại Hùng Vương - thời kỳ dựng nước đầu tiên của Việt Nam, đặt nền tảng cho những truyền thống văn hóa của dân tộc.Việt Nam từ cuối TK 2 TCN đến đầu TK 10.

Việt Nam thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (từ cuối thế kỷ II trước Công nguyên - giữa thế kỷ X).

Ngay sau buổi đầu dựng nước, dân tộc ta đứng trước thử thách bị đồng hóa văn hóa và ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Song, sức sống văn hoá Việt vẫn được bảo tồn và phát triển. Đồng thời, những cuộc đấu tranh chống đô hộ, giành độc lập dân tộc diễn ra bền bỉ, liên tục. Mở đầu từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 sau Công nguyên và kết thúc bằng chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, đã mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc lâu dài.

Văn hóa Champa ở miền Trung và văn hóa Óc Eo - Phù Nam ở miền Nam với những thành tựu rực rỡ đã có những đóng góp quan trọng hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa Xã hội.

... và tham quan Triển lãm
... và tham quan Triển lãm. Ảnh: Hà Tuấn

Việt Nam thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước (từ giữa thế kỷ X - đầu thế kỷ XX).

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền và sự kiện vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển rực rỡ: kỷ nguyên văn minh Đại Việt - Việt Nam. Các nhà nước phong kiến nối tiếp nhau đã không ngừng củng cố vững mạnh nền độc lập tự chủ, xây dựng đất nước lớn mạnh, quốc gia thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo tồn, phát triển nền văn hóa dân tộc. Thời kỳ này đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể, trải rộng trên cả nước từ Bắc chí Nam, là kết quả lao động sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, của các nhà văn hóa kiệt xuất, tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn dân tộc. Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Từ giữa thế kỷ 19, lịch sử Việt Nam bước vào giai đoạn đầy thử thách cam go trước sự xâm lược của Thực dân Pháp. Song, với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện chống thực dân, giải phóng dân tộc đã kết thúc thắng lợi bằng Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, mở ra thời đại mới: thời đại Hồ Chí Minh và kỷ nguyên độc lập, tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Một số hình ảnh, tư liệu tại Triển lãm
Một số hình ảnh, tư liệu tại Triển lãm.

Việt Nam - Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cha ông ta đã sáng tạo, bồi đắp, tạo dựng nên kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, đậm đà bản sắc dân tộc. Khối di sản này đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên của Việt Nam đã trở thành di sản thế giới, là tài văn hóa chung của nhân loại. Ngày nay, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, công tác bảo tồn, phát huy, tôn vinh và quảng bá giá trị di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân.

Song Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site