18:54 | 09/02/2017

15 năm bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các dân tộc thiểu số: Bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa tiêu biểu

(LV) - Năm 2001, Bộ VHTTDL đã triển khai “Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các dân tộc thiểu số” tại các làng, bản, buôn, phum, sóc… nhằm tạo nên mô hình hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích trên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

>>> Báo xuân - món quà tinh thần đầu năm 

Dự án đi vào cuộc sống

Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Hoàng Đức Hậu, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL cho biết: Thông qua dự án đồng bào các dân tộc có điều kiện khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hoá tiêu biểu trong không gian văn hoá - xã hội truyền thống của mình, từ đó góp phần tôn vinh giữ gìn bản sắc, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân tại các làng, bản, buôn về vai trò, vị trí của văn hoá trong việc phát triển của địa phương; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ở các làng, bản buôn có điều kiện để phát triển và duy trì khá thường xuyên; hoạt động của các đội văn nghệ cơ sở, các câu lạc bộ, các hình thức giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao từng bước đi vào ổn định; các thiết chế văn hoá cơ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền trên địa bàn các làng, bản, buôn, phum, sóc… từng bước được tăng cường thông qua đầu tư hỗ trợ của nhà nước, sự tài trợ của các ngành, các đơn vị kinh tế, các tổ chức xã hội, sự đóng góp công sức của dân.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Bá Ngọc

Thông qua dự án, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy qua việc bảo tồn các thiết chế văn hóa truyền thống (nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở, kiến trúc tuyền thống…) và các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ dân nhạc, trang phục truyền thống, nghề truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt, việc thực hiện dự án đã tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống thiết thực, hiệu quả, công tác xoá đói giảm nghèo, lĩnh vực giáo dục, y tế - chăm sóc sức khoẻ, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc trẻ em, chính sách xã hội tại các làng, bản, buôn, phum, sóc… được quan tâm thường xuyên, có kết quả tích cực.

Những mô hình tiêu biểu

Với mô hình bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mường tại thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, những giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể luôn được phát huy có hiệu quả như nếp nhà sàn văn hóa mường được giữ nguyên, các công cụ lao động sản xuất, săn bắt, thêu thùa được lưu lại và phát triển tốt hơn; các giá trị phi vật thể như lễ hội cúng thần rắn, lễ Kéo Xi gọi vía, lễ Pồn Poong, lễ cơm mới được lưu giữ và phát triển phù hợp với tình hình mới.

Việc bảo tồn làng Lương Ngọc phát huy hiệu quả bảo tồn, phát triển văn hóa du lịch với phát triển kinh tế, đã đem lại hiệu quả thiết thực. Khách du lịch sau khi tham quan các cảnh đẹp tự nhiên của suối cá, còn được thưởng thức các giá trị ẩm thực của người Mường, hát ru, các lễ hội truyền thống, các tục lệ cưới hỏi, hòa tấu cồng chiêng... Hiện tại trong khu du lịch suối cá có khoảng 25 hộ gia đình đang hoạt động kinh doanh tạo công ăn việc làm cho gần 100 người, ngoài ra còn có hơn 50 người của các thôn lân cận cũng tham gia hoạt động buôn bán, kinh doanh tại suối cá đã đem lại hiệu quả kinh tế và doanh thu cao.

Ngôi nhà tường trình của đồng bào Mông ở Hà Giang
Ngôi nhà tường trình của đồng bào Mông ở Hà Giang. Ảnh: Minh Đức

Ở Hà giang, ông Lâm Tiến Mạnh, Phó giám đốc Sở VHTTDL chia sẻ: Nhờ triển khai Dự án “Bảo tồn làng văn hóa truyền thống Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang” đã phát huy có hiệu quả và đảm bảo các tiêu chí đề ra của dự án, góp phần cải thiện nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa tinh thần cho bà con dân tộc Lô Lô. Việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn, phục dựng 3 ngôi nhà cổ tại làng Lô Lô và hỗ trợ 40 gia đình trong thôn phát triển nghề thêu dệt trang phục dân tộc. Đặc biệt dự án đã bảo tồn và khôi phục được một số nghề truyền thống như nghề làm ngói máng, nghề mộc, nghề bốc thuốc nam và bảo tồn văn hóa ẩm thực của dân tộc Lô Lô, thu hút nhiều khách du lịch tham gia, trải nghiệm. Cùng với danh thắng quốc gia Cột cờ Lũng Cú, làng Lô Lô Chải hiện đang là điểm tham quan, trải nghiệm và nghiên cứu văn hóa truyền thống của du khách trong và ngoài nước.

Người Lô Lô ở Lũng Cú, Hà Giang
Người Lô Lô ở Lũng Cú, Hà Giang.

Mô hình bảo tồn làng truyền thống dân tộc Vân Kiều, xã Đắk Krông, huyện Đắk Krông, tỉnh Quảng Trị đã giúp cho đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, bản làng dần thay đổi, các hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ, hiện một số làng nghề truyền thống như làm chổi đót, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, đan lát được khơi dậy và duy trì giúp cho đồng bào cải thiện cuộc sống, đồng thời giữ gìn được các giá trị văn hóa đặc trưng trước sự phát triển chung của đất nước.

Nằm trong dự án được bảo tồn, những năm qua tại các địa phương trên cả nước còn có nhiều mô hình đươc bảo tồn hiệu quả như làng Cát Cát, dân tộc Mông, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; Sóc Bom Bo, dân tộc S’tiêng, xã Bom Bo huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; Bản Che Căn, dân tộc Thái, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Bản Pác Ngòi, dân tộc Tày, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; Bản Quyên, dân tộc Tày, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; Bản Pang Cáng, dân tộc Mông, xã Suối giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái…

Nhà dài truyền thống của người M’nông Preh ở Tây Nguyên
Nhà dài truyền thống của người M’nông Preh ở Tây Nguyên. Ảnh: Tấn Vịnh

Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các dân tộc thiểu số đã tạo ra mô hình mới trong công tác bảo tồn văn hoá truyền thống, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và chủ thể văn hóa về vị trí và ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu, gắn nhiệm vụ phát triển văn hóa dân tộc thiểu số với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, từng bước giảm dần sự cách biệt về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, để văn hoá thực sự là “nền tảng tinh thần”, là “mục tiêu” và “động lực” thúc đẩy xã hội phát triển.

Nguyễn Thị Hải Nhung (Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site