17:42 | 23/12/2018

Đỗ Đức Dục - Mẫu hình trí thức dấn thân đầy hoài bão

(LV) - Năm 2018 là năm kỷ niệm 25 năm ngày mất nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục (1915 - 1993), một trí thức lớn, nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nhà giáo dục, nhà báo, nhà luật học, nhà nghiên cứu văn học... Với những đóng góp cho dân tộc, ông xứng đáng được xếp vào hàng ngũ “Những trí thức vàng” của Việt Nam thế kỷ XX.

 >>> Người giữ hồn nhạc cụ tre truyền thống Ê Đê

Trí thức đầy hoài bão

Hơn nửa thế kỷ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, Đỗ Đức Dục là mẫu hình trí thức dấn thân không mệt mỏi trong thế kỷ XX đầy biến động. Ở ông có sự kết hợp hài hòa ba trong một: một nhà hoạt động xã hội sôi nổi, một nhà văn hóa giàu sáng tạo và một nhà nghiên cứu văn học tâm huyết. Dường như ở lĩnh vực nào, Đỗ Đức Dục cũng đều có những đóng góp đáng ghi nhận.

 

Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục (1915 - 1993) đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạnh, cho đất nước, cho sự phát triển của văn hóa và khoa học
Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục (1915 - 1993) đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạnh, cho đất nước, cho sự phát triển của văn hóa và khoa học.

Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục sinh ra trong một gia đình trí thức dòng dõi khoa bảng tại xóm Trung, làng Xuân Tảo (tục gọi là Cáo Đỉnh), phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội). Ông học tiểu học ở Trường Albert Sarraut, rồi học Trường Bưởi (Hà Nội). Sau khi đỗ Tú tài, ông trở thành sinh viên Trường Luật Đông Dương khóa 1935 - 1938, tham gia Phong trào truyền bá quốc ngữ. Tốt nghiệp Trường Luật, ông không ra làm quan cho chế độ thuộc địa mà chọn con đường dạy học, lần lượt giảng dạy tại các Trường trung học tư thục Gia Long (Hà Nội), Thuận An (Vinh). Cuối năm 1942, ông về Hà Nội dự định làm tiến sĩ luật khoa. Vào thời gian này, phong trào cách mạng chống thực dân Pháp sôi nổi khắp nơi. Đỗ Đức Dục đã tham gia tích cực vào các hoạt động của tổng hội sinh viên, tiếp tục truyền bá chữ quốc ngữ, truyền bá tư tưởng dân chủ, giới thiệu pháp luật, tuyên truyền nếp sống văn minh cho quần chúng, tham gia vào hội Ánh sáng giúp dân nghèo…

Cuối tháng 6/1945, Đỗ Đức Dục được kết nạp vào Đảng Dân chủ và cuối tháng 7, ông được bổ sung vào BCH Trung ương Đảng Dân chủ và được cử lên tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Đến cuối tháng 8/1945, ông được bầu làm Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ và làm Chủ bút tờ Độc lập, cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ. Dựa trên sở trường viết báo vốn có, Đỗ Đức Dục sử dụng ngòi bút của mình để vạch trần âm mưu phản động của Việt Quốc, Việt Cách. Từ đây, Đỗ Đức Dục thực sự tham gia vào vũ đài chính trị lớn, thỏa sức thể hiện tài năng của mình trên các lĩnh vực khác nhau.

Người thuyết trình bản Dự thảo Hiến pháp ấn tượng

Sức lan tỏa Cách mạng tháng Tám có ảnh hưởng lớn tới các trí thức. Đỗ Đức Dục đã mau chóng hòa vào dòng thác thời đại ấy. Ông đã nắm lấy thời cơ để có những đóng góp to lớn, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.

 

Trong xây dựng thể chế chính trị Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đỗ Đức Dục là 1 trong 11 đại biểu Quốc hội được Quốc hội bầu ra ngày 2/3/1946 để tham gia Ban soạn thảo Hiến pháp. Với tư cách là một người được đào tạo bài bản về luật học, lại am hiểu nhiều vấn đề quốc tế cũng như trong nước, Đỗ Đức Dục đã có những đóng góp nhất định vào bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (công bố vào tháng 11/1946). Ông được cử thay mặt Tiểu ban Hiến pháp thuyết trình về bản Hiến pháp trước Quốc Hội (8/11/1946).

Bài thuyết trình của nhà trí thức Đỗ Đức Dục được đánh giá có giá trị lớn về tư tưởng lập hiến của Quốc hội nước ta trong thời kỳ đầu. Với phong cách của một nhà luật học, ngay khi đăng đàn trước Quốc hội đầu tiên, Đỗ Đức Dục đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về một trí thức tài hoa yêu nước. Ông còn là nhà báo sắc sảo, đầy bản lĩnh.

Những đóng góp to lớn của Đỗ Đức Dục với Hiến pháp năm 1946 và sự nghiệp xây dựng Quốc hội, xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ, cho thấy giá trị của những tư tưởng đúng đắn, những tài liệu, tác phẩm... của ông vẫn còn mãi đến hiện nay và cả sau này.

Ngọn lửa đam mê nghiên cứu văn học, dịch thuật

Sự thẳng thắn, quyết liệt là nhân tố quan trọng tạo nên cốt cách trí thức của Đỗ Đức Dục nhưng cũng chính là nguyên nhân khiến ông bất ngờ chuyển sang một lối rẽ khác là nghiên cứu văn học. Từ 1960, Đỗ Đức Dục chuyển về công tác tại Viện Văn học, là cán bộ nghiên cứu của Phòng văn học nước ngoài. Dù thay đổi môi trường hoạt động, nhưng ở ông vẫn còn nguyên bản lĩnh của một trí thức chân chính. Không chỉ vững vàng về tiếng Pháp, ông còn tự học tiếng Nga để trực tiếp đọc những công trình lý luận bằng tiếng Nga. Ông nhanh chóng tự vạch cho mình con đường làm khoa học: “Nghiên cứu văn học thế giới để trở về nghiên cứu văn học Việt Nam”. Song song với công việc nghiên cứu, ông còn say mê với dịch thuật văn học, đặc biệt là các sáng tác của Balzac và một số nhà văn khác như Flaubert, Maupassant, Stendhal, Zola…

 

Các hiện vật, tư liệu về nhà báo Đỗ Đức Dục trưng bày tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Các hiện vật, tư liệu về nhà báo Đỗ Đức Dục trưng bày tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam khẳng định: Để đạt được khối lượng công việc như vậy, Đỗ Đức Dục phải là người biết nuôi dưỡng được lửa say mê và sáng tạo. Có lẽ vì thế mà mỗi lần nghĩ về ông là một lần tôi nghĩ về lửa. Đã có một ngọn lửa mang tên Đỗ Đức Dục, ở giai đoạn trước là trong lĩnh vực báo chí và hoạt động chính trị xã hội, ở giai đoạn sau là nghiên cứu văn học thế giới và văn học Việt Nam. Lõi cốt của ngọn lửa ấy là luôn vươn tới hiện đại, vươn tới sự mới mẻ.

Vũ Minh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site