10:58 | 06/09/2019

Hang Kia, Pà Cò điểm du lịch mới hấp dẫn

(LV) - Cách Hà Nội không xa, chỉ khoảng 3 đến 4 giờ xe chạy, du khách đã có thể trút bỏ hoàn toàn những ồn ào để đến với Hang Kia, Pà Cò, hai xã có nhiều tiềm năng du lịch của huyện Mai Châu, Hòa Bình. Tại hai xã này đã có những nhà nghỉ cộng đồng thu hút khách du lịch. Hiện nay, Hòa Bình cũng đã có những chính sách ưu tiên xây dựng để biến nơi đây thành trọng điểm du lịch của tỉnh.

 >>> Bình yên Phú Quý

Từ điểm “đen” ma túy đến điểm du lịch hấp dẫn

Từ quốc lộ 6A, vượt qua đèo Thung Khe hay còn gọi là đèo đá trắng, đến Loóng Luông, đi tiếp 8 km là hai xã Hang Kia và Pà Cò. Nơi cheo leo này từng nằm trên cung đường ma túy, nổi tiếng một thời. Ngày nay, Hang Kia, Pà Cò bình yên với phong cảnh thơ mộng. Con đường vào đây uốn mình vắt ngang những dãy núi đá cao, quanh co dẫn lối qua những ngôi nhà sàn đơn sơ của đồng bào người Mông. Những nếp nhà gỗ nép mình bên màu xanh biếc của vườn đào, vườn mận. Đi bộ qua cung đường đẹp nhất Hang Kia, Pà Cò, xuyên khu bảo tồn thiên nhiên, khám phá thảm động thực vật quý hiếm nơi đây là một trong những hoạt động được nhiều du khách ưa tìm hiểu, khám phá. Khí hậu trong lành, mát mẻ, Hang Kia, Pà Cò được ví như “chiếc điều hòa nhiệt độ” của thiên nhiên. Đến Hang Kia, Pà Cò, du khách còn có thể thỏa mãn giấc mơ được chơi đùa cùng những đám mây bồng bềnh quanh mình.

 

 

Hang Kia, Pà Cò với phong cảnh bình yên, thơ mộng
Hang Kia, Pà Cò với phong cảnh bình yên, thơ mộng.

Ngoài phong cảnh hữu tình, nhiều du khách thích thú trải nghiệm những sinh hoạt đời thường của người Mông. Nghỉ tại các nhà nghỉ cộng đồng nơi đây, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động của đồng bào, tham gia vào cuộc sống sinh hoạt như ăn cơm cùng đồng bào, được vào bếp cùng nấu các món ăn đặc trưng của người Mông, tìm hiểu các công đoạn để tạo ra những bộ trang phục rực rỡ của người Mông hay cùng người dân lên núi hái chè shan tuyết, trồng rau, thu hoạch ngô... Thu hút từ những điều bình dị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, năm 2018, khoảng 332 nghìn lượt khách đã đến với Mai Châu, trong đó, lượng khách đến hai xã Pà Cò, Hang Kia lần lượt là 5.000 và 6.000 lượt khách, trong đó, khách nước ngoài chiếm đến 60%.

Xây dựng vùng du lịch trọng điểm của tỉnh

Dù có nhiều tiềm năng và khá hấp dẫn khách du lịch cùng các đơn vị lữ hành trong nước, quốc tế đã bắt đầu biết đến Hang Kia - Pà Cò. Nhưng trên địa bàn hai xã mới chỉ có tổng cộng 6 hộ làm du lịch cộng đồng kết hợp cung cấp dịch vụ du lịch. Các hoạt động này cũng mang tính manh mún, tự phát. Ông Đặng Mai Sơn, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết, “Nhiều năm nay, chính quyền địa phương luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao nguồn thu nhập cho đồng bào hai xã Hang Kia, Pà Cò. Ðến nay, phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng được xác định sẽ là hướng đi để người dân hai xã vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ, phát huy được các giá trị văn hóa đặc sắc. Gần đây, Ban chỉ đạo du lịch huyện Mai Châu đã tổ chức nhiều cuộc họp với người dân để động viên, khuyến khích những hộ dân có tiềm năng đăng ký phát triển loại hình dịch vụ homestay, các hộ còn lại được vận động sản xuất nông nghiệp sạch để phục vụ du lịch, từ đó từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ làm nông nghiệp hoàn toàn sang du lịch, dịch vụ. Những hộ dân đang kinh doanh homestay được tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý kinh doanh và kỹ năng phục vụ du lịch…”.

 

Hang Kia, Pà Cò với phong cảnh bình yên, thơ mộng
Hang Kia, Pà Cò với phong cảnh bình yên, thơ mộng.

Chị Sùng Y Múa, chủ homestay (nhà nghỉ cộng đồng) Y Múa (Hang Kia) cho biết, gia đình cô làm du lịch từ năm 2012. Lúc đầu, cả nhà hăng hái lắm nhưng khách đến ít nên cũng buồn. Chỉ đến năm 2016, nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia Dương Minh Bình tư vấn, giới thiệu du lịch cộng đồng, gia đình đã sửa sang lại một số nội dung phục vụ du khách. Khách đến đông dần qua các năm: Năm 2016 đón hơn 1.000 khách, 2017 đón hơn 2.000 khách, 2018 đón gần 3.000 khách, riêng đầu năm 2019 đã đón khoảng 2.000 khách. Thông thường khách trước giới thiệu cho khách sau chứ hometay Y Múa chưa được quảng bá nhiều. “Du lịch mang lại thu nhập khá ổn định, cao gấp 4 - 5 lần so với đi làm nông với cây nông nghiệp chủ yếu là ngô chỉ có một mùa, sản lượng thấp. Du lịch cũng tạo công ăn việc làm cho bà con Hang Kia, nhiều chị em phụ nữ ở Hang Kia vốn thiệt thòi, ít được tiếp xúc với bên ngoài nay có cơ hội được học chữ, học nấu ăn, giao tiếp với du khách…”, chị Sùng Y Múa phấn khởi chia sẻ.

 

Du khách được trải nghiệm những sinh hoạt đời thường của người Mông
Du khách được trải nghiệm những sinh hoạt đời thường của người Mông.

Với mục tiêu xây dựng hai xã thành trọng điểm du lịch của tỉnh, Hòa Bình đã lập danh mục năm dự án để thu hút đầu tư vào Hang Kia và Pà Cò. Đó là Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp sinh thái Tà Xông A; dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái Tà Xồ; dự án Khu du lịch Thung A Láng; dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời; dự án Khu du lịch sinh thái Thung Mặn, Thung Ảng. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện thành công các dự án, bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Linh Lan

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site