10:39 | 08/10/2019

Cần thêm nhiều giải pháp để định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Bình

(LV) - Tỉnh Thái Bình được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, bao gồm cả du lịch sinh thái biển và du lịch tâm linh văn hóa lịch sử lễ hội. Tuy vậy, kết quả phát triển du lịch của tỉnh chưa thật sự xứng đáng với tiềm năng. Để du lịch Thái Bình phát triển bền vững thì cần phải có thêm nhiều giải pháp hữu hiệu.

 >>> Bình yên Phú Quý

Tài nguyên du lịch phong phú

Thái Bình chỉ cách Thủ đô Hà Nội 110 km, nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tài nguyên du lịch của tỉnh rất phong phú, đa dạng về loại hình. Riêng về tài nguyên du lịch tự nhiên, Thái Bình vốn là tỉnh ven biển thuộc vùng châu thổ sông Hồng nên có những đặc trưng riêng không phải địa phương nào cũng có. Hiện nay, các điểm tài nguyên du lịch tự nhiên của tỉnh phục vụ du lịch bao gồm các vùng trọng điểm như: bãi biển Cồn Vành, bãi biển Cồn Đen, rừng ngập mặt Thụy Trường...

 

Chiều về trên bãi biển Đồng Châu
Chiều về trên bãi biển Đồng Châu.

Trong định hướng phát triển du lịch, Thái Bình đã và đang kết hợp các tuyến du lịch sinh thái biển với di tích lịch sử văn hóa như đền, chùa, khu lưu niệm danh nhân văn hóa, các làng nghề, các vùng trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản... Đặc biệt, Thái Bình có hệ thống di tích văn hóa phong phú, tính tới cuối năm 2018, toàn tỉnh có 2969 thiết chế văn hóa, bao gồm: 731 đình; 869 chùa; 859 đình, từ, miếu, phủ, 401 từ đường, 1 khảo cổ, 101 thiết chế khác. Lễ hội của tỉnh cũng rất đa dạng, với khoảng 200 lễ hội còn được lưu giữ.

Về văn hóa, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước của dân tộc, Thái Bình là nơi phát tích của nhà Trần và nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc như Lê Quý Đôn, Nguyễn Đức Cảnh... Đây cũng là vùng đất cội nguồn, là kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc với làn điệu chèo, hát trống quân mượt mà đằm thắm, những trò rối nước độc đáo.

 

Nghệ thuật chạm trổ tinh xảo của làng bạc Đồng Xâm
Nghệ thuật chạm trổ tinh xảo của làng bạc Đồng Xâm.

Các làng nghề tại Thái Bình cũng được coi là một trong những tiềm năng du lịch trọng điểm. Tính tới hết năm 2018, toàn tỉnh có 247 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Ngoài một số làng nghề truyền thống như: Chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương), thêu (xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư), dệt vải đũi (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương), chiếu cói (huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng), mây tre đan, gỗ mỹ nghệ,... Thái Bình còn tập trung phát triển các làng nghề như chế biến thủy hải sản, chế biến lương thực thực phẩm...

Cần nhiều giải pháp để phát triển du lịch bền vững

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến với Thái Bình đạt 507.160 lượt, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 4200 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu ước đạt 2019 tỷ đồng. Tuy vậy, đây vẫn chưa phải kết quả xứng đáng với tiềm năng du lịch của tỉnh Thái Bình.

Tại buổi hội thảo “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch Thái Bình” được tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã nhận định: “Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm tới phát triển du lịch, công tác quy hoạch lĩnh vực du lịch được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa mới được đầu tư xây dựng. Đây được coi là tiền đề quan trọng để định hướng du lịch Thái Bình phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong những năm qua, kết quả phát triển du lịch của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng du lịch”.

Nghệ nhân làng Đồng Xâm đang tạo nét cho sản phẩm
Nghệ nhân làng Đồng Xâm đang tạo nét cho sản phẩm.

Trong buổi hội thảo đó, PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Văn hóa Du lịch - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng đã đưa ra những ý kiến đóng góp để phát triển du lịch như: cần bảo vệ nghiêm ngặt các di sản văn hóa đã được xếp hạng, ngoài ra phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo con người, phát triển dịch vụ, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để tăng sức hấp dẫn của điểm đến, kích cầu, định hướng và tạo ra các nhu cầu mới cho du khách.

Phải thừa nhận rằng, để phát triển du lịch tỉnh Thái Bình một cách bền vững, cần phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong đó, giải pháp hàng đầu là nâng cao nhận thức về du lịch cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương về vai trò, lợi ích của du lịch mang lại đối với kinh tế, xã hội của địa phương, trau dồi nhận thức về tầm quan trọng của việc gìn giữ và bảo vệ tài nguyên du lịch, ứng xử trong du lịch, công tác đào tạo nhân lực du lịch.

 

Thái Bình là vùng đất của những làn điệu chèo, hát trống quân mượt mà, đằm thắm
Thái Bình là vùng đất của những làn điệu chèo, hát trống quân mượt mà, đằm thắm.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cũng cần phải ban hành các chính sách, cơ chế phát triển sản phẩm du lịch; Chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng và phát triển các dịch vụ du lịch trên địa bản, thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa; Có cơ chế rà soát các dự án phát triển du lịch rõ ràng, công khai; Khuyến khích xây dựng các sản phẩm mang tính đặc thù của tỉnh, tạo nét khác biệt và cạnh tranh với các sản phẩm du lịch khác...

Để phát triển du lịch một cách hiệu quả, tỉnh Thái Bình cũng cần quan tâm tới các giải pháp khác như: tăng cường đào tạo và đãi ngộ nhân lực du lịch; tập trung đầu tư chất lượng vào các dịch vụ du lịch; đẩy mạnh liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch kết hợp với các tỉnh lân cận; chú trọng quảng bá thương hiệu du lịch tỉnh nhà...

 

Những sản phẩm của làng nghề chiếu cói
Những sản phẩm của làng nghề chiếu cói.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thái Bình nằm trong không gian trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận, thuộc vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc với tiêm năng du lịch phong phú. Với những giải pháp định hướng phát triển du lịch của tỉnh đã kể trên, tỉnh Thái Bình hoàn toàn có đủ khả năng trở thành một trong những địa phương phát triển kinh tế du lịch, xứng đáng với tiềm năng du lịch hiện tại của địa phương.

Minh Vân

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site