09:55 | 13/10/2020

Không gian xưa ở nhà cổ Phùng Hưng

(LV) - Nhà cổ Phùng Hưng là một trong những mẫu nhà cổ đẹp nhất của kiến trúc cổ Hội An. Là minh chứng qua bao thăng trầm trong lịch sử, thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan mỗi năm.

>>> Nhà cổ Tấn Ký – Kiến trúc cổ đậm chất Hội An

Lối kiến trúc truyền thống

Nhà cổ Phùng Hưng tọa lạc tại địa chỉ số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngôi nhà này được xây dựng cách đây hơn 220 năm, vào khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, cũng là thời kỳ phồn thịnh của khu phố cổ Hội An lúc bấy giờ.

 

Nhà cổ Phùng Hưng với kiến trúc mặt tiền rộng rãi
Nhà cổ Phùng Hưng với kiến trúc mặt tiền rộng rãi.

Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là người Việt giàu có, buôn bán rất phát đạt và có mối quan hệ, giao lưu rộng rãi. Ông đặt tên cho ngôi nhà là Phùng Hưng có nghĩa là hưng thịnh với mong muốn gia đình luôn làm ăn phát đạt. Xưa kia đây là tiệm bán các mặt hàng lâm thổ sản như quế, tiêu, muối và các mặt hàng tơ tằm, đồ sứ, thủy tinh,... Chủ nhân hiện nay là con cháu thuộc thế hệ thứ 8 vẫn sống và bảo quản, gìn giữ ngôi nhà cổ rất tốt. Nhà cổ Phùng Hưng là một trong số những điểm tham quan trong khu phố cổ Hội An. Những thành viên của gia đình kiêm thuyết minh, hướng dẫn cho du khách. Ngoài ra, tại đây còn lập một cơ sở thêu, ren thủ công của gia đình và bán sản phẩm cho khách.

 

Nhà cổ Phùng Hưng với kiến trúc mặt tiền rộng rãi
Nhà cổ Phùng Hưng với kiến trúc mặt tiền rộng rãi.

Nhà cổ Phùng Hưng là kiến trúc tổng hợp của ba trường phái kiến trúc: Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc. Hệ thống ban công và cửa chớp theo kiểu Trung Quốc, mái nhà ở gian giữa có bốn hướng gọi là mái “tứ hải” là kiến trúc của Nhật Bản (giống mái của chùa Cầu). Còn lại là hệ thống sườn gỗ, hệ thống xà ngang, xà dọc, mái truyền thống hai hướng ở gian trước và gian sau là kiến trúc Việt Nam. Nhà cổ Phùng Hưng được thiết kế theo mô hình nhà buôn bán phổ biến thời bấy giờ, trong đầu thế kỷ XIX. Nhà hình ống với mặt tiền rộng, với ý nghĩa mở rộng cửa đón rước tài lộc vào nhà. Vật liệu chủ yếu là các loại gỗ quý hiếm cho nên sau hơn 2 thế kỷ qua, nhà cổ Phùng Hưng vẫn giữ được nét đẹp vẹn nguyên như ngày đầu.

Tinh hoa kiến trúc của châu Á

Nhà có 80 cột chính hoàn toàn bằng gỗ lim, tất cả được đặt trên chân đá được gọt giũa tỉ mỉ để tránh việc tiếp xúc giữa chân cột với mặt đất. Điều này nhằm mục đích giảm độ lún, giữ cho ngôi nhà khỏi bị ẩm mốc hay mối mọt.

 

Bên trong căn nhà được trang trí với không gian đậm chất cổ điển
Bên trong căn nhà được trang trí với không gian đậm chất cổ điển.

Các cửa trong nhà cổ Phùng Hưng theo kiểu ‘trên song dưới bản’ vừa dễ di chuyển, lại còn tạo không khí mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Các cánh cửa này thậm chí còn có thể tháo rời ra để phục vụ nhu cầu của chủ nhân ngôi nhà. Mái nhà được lợp ngói âm dương luôn thông thoáng nhờ những rãnh nhỏ nằm giữa các lớp.

Điểm độc đáo của căn nhà chính là tính linh hoạt khi sử dụng. Vào mùa mưa, Hội An rất dễ bị lụt nên người thiết kế đã khéo léo lắp đặt cánh cửa sập thông lên gác trống để tiện cho việc di chuyển những đồ đạc có giá trị.

 

Khu ban công mang hơi hướng Trung Hoa
Khu ban công mang hơi hướng Trung Hoa.

Các thanh ngang dọc thuộc bộ phận đỡ mái hiên ở nhà cổ Phùng Hưng được chạm khắc tỉ mỉ những hình cá chép, vốn là biểu tượng cho sự hưng thịnh và may mắn. Là linh vật mang ý nghĩa của cả 3 hướng văn hóa hội tụ. Cá chép trong văn hóa Trung Hoa là biểu tượng của sự may mắn, đối với Việt Nam là sự thịnh vượng, và với người Nhật lại là sự quyền lực.

 

Nhà có 80 cột chính hoàn toàn bằng gỗ lim
Nhà có 80 cột chính hoàn toàn bằng gỗ lim.

Bên trong nhà cổ Phùng Hưng được trang trí bằng rất nhiều các bức chạm trổ hoa văn trang trí từ rất nhiều loại vật liệu do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (ngôi làng nổi tiếng với nghề thợ mộc thuộc xã Cẩm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam).

 

Mái ngói âm dương với nhiều rãnh xen kẽ khiến không khí trong nhà cổ Phùng Hưng luôn thoáng mát
Mái ngói âm dương với nhiều rãnh xen kẽ khiến không khí trong nhà cổ Phùng Hưng luôn thoáng mát.

Trên gác, tại phòng thờ của gia đình còn đặt trang thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu được chạm trổ tinh xảo, với niềm tin Thánh Mẫu sẽ phù hộ cho cả gia đình mãi mãi về sau. Trên bàn trước cửa bệ thờ trong nhà cổ Phùng Hưng luôn được đặt 7 quân xúc xắc bằng đá cẩm thạch trong bát. Theo lời kể thì mục đích của chúng là để chủ nhà sử dụng để quyết định thời gian khởi hành trước khi đi xa. Đây cũng là một thói quen phổ biến đối với những thương gia thời này.

 

Hình tượng cá chép mang ý nghĩa cầu chúc sự hưng thịnh cho gia chủ
Hình tượng cá chép mang ý nghĩa cầu chúc sự hưng thịnh cho gia chủ.

Nhà cổ Phùng Hưng được cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 29 tháng 6 năm 1993. Cho đến nay, ngôi nhà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn các đường nét kiến trúc nội, ngoại thất cổ. Đây cũng là một nguồn tài liệu chân thực và quý giá về nghệ thuật và lối sống của tầng lớp thương nhân Hội An xưa.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site