03:29 | 29/08/2020

Sớm thống nhất biện pháp quản lý nhà Vương

(LV) - Mới đây, ông Vương Duy Bảo – đại diện cho họ Vương đã có đơn gửi Bộ VHTTDL đề nghị thu hồi lại danh hiệu di tích quốc gia đối với dinh thự họ Vương (xã Sà Phìn huyện Đồng Văn, Hà Giang). Xét theo đơn thì đây là việc xung đột quyền lợi giữa họ Vương với BQL di tích ở cơ sở…

Năm 1993, dinh thự họ Vương được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2002, một số hộ dân là con cháu gia tộc họ Vương được hỗ trợ di dời ra ngoài sinh sống để cơ quan chức năng trùng tu di tích, phục vụ công tác du lịch. Lúc đó, ông Vương Quỳnh Sơn – con trai vua Mèo Vương Chí Sình đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin. Văn bản số 1125 năm 2002 của Bộ Văn hóa - Thông tin thông báo kết luận của Bộ trưởng Phạm Quang Nghị với đại diện gia đình sở hữu khu nhà của dòng họ Vương nêu rõ: “Quyết định này (Quyết định 937) không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp”. Cũng trong năm 2002, UBND tỉnh Hà Giang có văn bản số 482 đồng ý với nội dung trên của Bộ Văn hóa – Thông tin.

 

Khách thăm quan Nhà Vương
Khách thăm quan Nhà Vương.

Năm 2012, Phòng văn hóa thông tin huyện Đồng Văn được chính quyền cấp giấy chứng nhận QSD đất, nhà dinh thự họ Vương. Năm 2018, ông Vương Duy Bảo và gia tộc họ Vương biết việc này và làm đơn gửi đi các cấp chính quyền, Bộ VHTTDL. Đến tháng 5/2019, UBND huyện Đồng Văn cấp Giấy chứng nhận QSD đất và nhà dinh thự họ Vương cho 16 người đại diện họ Vương. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có giấy chứng nhận được giao chứ Phòng văn hóa huyện Đồng văn chưa bàn giao nhà đất.

Không chỉ dừng lại ở việc tranh chấp sở hữu nhà, mà số tiền thu được từ kinh doanh du lịch của di tích không rõ được phân bổ như thế nào trong nhiều năm qua. Hiện tại di tích xuống cấp nghiêm trọng không được trùng tu.

Trong đơn, ông Vương Duy Bảo viết: “Di tích, tài sản thuộc sở hữu của dòng họ đã bị chính quyền tước đoạt, sở dụng vào mục đích kinh tế, thu lợi trong nhiều năm qua nhưng con cháu dòng họ Vương không hề được hưởng quyền lợi gì. Nếu dòng họ Vương trực tiếp quản lý di tích thì dòng họ sẽ có trách nhiệm trùng tu, bảo tồn, gìn giữ di tích của dòng họ mình theo đúng quy định của nhà nước, của Luật Di sản”.

 

Cổng vào dinh thự Nhà Vương
Cổng vào dinh thự Nhà Vương.

Một việc tưởng như khôi hài trong Giấy chứng nhận là ở trang 2, Mục 6, phần Ghi chú, nêu cả thông tin về việc công trình được nhà nước đầu tư, trùng tu, tôn tạo di tích với số tiền lần 1 là 7.140.090.168đ và lần 2 là 1.391.490.000đ. “Sổ đỏ ghi những nội dung này liệu có đúng theo quy định của nhà nước về những nội dung ghi trên sổ đỏ? Nếu ghi những nội dung như vậy lên sổ đỏ thì tại sao không ghi cả quá trình khai thác giá trị, bán vé tham quan thu được bao nhiêu tiền?”, ông Vương Duy Bảo thắc mắc. Phải chăng cách ghi này là để tạo tranh chấp về quyền sở hữu nhà?

Việc phân chia lợi ích từ hoạt động bán vé tham quan di tích cũng đang tranh chấp. Đầu tháng 7/2020, ông Vương Duy Bảo làm việc với UBND huyện Đồng Văn về việc chia lợi ích từ hoạt động bán vé tham quan nhà Vương. Ông Bảo cho biết: Ông kinh ngạc khi thấy UBND huyện thông báo, 60% doanh thu bán vé tham quan nộp ngân sách nhà nước. Các chủ sở hữu hợp pháp của di tích chỉ được hưởng 20% trong 40% số tiền doanh thu còn lại. Điều này có nghĩa, 16 chủ sở hữu hợp pháp của di tích chỉ được hưởng 7% tổng doanh thu bán vé. Trong khi đó, tại Quy chế quản lý di tích đã được ban hành kèm theo Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 15/2/2020, là: 30% số tiền bán vé trích nộp ngân sách nhà nước. 70% còn lại được giữ lại sử dụng cho công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa di tích. Trong đó, các chủ sở hữu của dòng họ Vương được hưởng 20% trong tổng số 70% số tiền giữ lại, tương đương 14% trên tổng số tiền bán vé thu được.

 

Trong khi tranh chấp chia lợi nhuận chưa được giải quyết thì di tích tiếp tục xuống cấp trầm trọng. Ông Vương Duy Bảo cho biết: “Thanh tra tỉnh đã có kết luận nêu rõ thực trạng xuống cấp của di tích là rất nghiêm trọng. Nhiều công trình xây dựng vi phạm quy định làm ảnh hưởng tới di tích. UBND huyện tự ý thay thế hệ thống hứng, dẫn nước. Xây dựng trái phép các công trình nhà bảo vệ, nhà vệ sinh nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích… Bên trong khu vực bảo vệ I, phần ngói phía trước mái bị xô lệch, vỡ, lọt sáng. Tường bị ố và bong tróc do thấm nước. Một số cấu kiện gỗ bị ải mục… Tuy nhiên, tới nay mọi vi phạm vẫn còn nguyên, chưa bị xử lý tháo dỡ, sửa chữa, dù đã có kết luận thanh tra và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh”.

Trước những sự việc tranh chấp từ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho đến quyền quản lý, lợi ích được phân chia không đúng, dẫn tới việc ông Vương Duy Bảo làm đơn gửi Bộ VHTTDL. Việc làm đơn này tuy đề nghị thu hồi danh hiệu di tích nhưng thực chất không phải vì di tích không xứng đáng mà là chỉ là để giải quyết các mâu thuẫn mà chính quyền địa phương, BQL di tích với một số người đại diện họ Vương.

Từ Khôi

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site