10:54 | 21/10/2020

Người “điều chỉnh thời gian” trên phố Hàng Phèn xưa

(LV) - Đọc những tư liệu viết về phố Hàng Phèn (Hà Nội), tôi tình cờ biết được thông tin trên con phố này từ vài chục năm trước đã có một cửa tiệm sửa chữa đồng hồ của ông Đào Văn Dư - người thợ duy nhất ở Việt Nam sở hữu 7 tấm bằng diplome của các hãng đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sỹ. Mấy năm nay, tuổi đã cao, sức yếu, ông Đào Văn Dư lui về nghỉ ngơi và truyền lại nghề cho con trai là Đào Vũ Hải, chủ cơ sở sửa chữa đồng hồ tại số 32L phố Lý Nam Đế (Ba Đình, Hà Nội).

>>> Nghệ nhân đánh thức nhạc cụ hơi ở Mường Ẳng

Dành trọn niềm đam mê với “thế giới đồng hồ”

Ngạn ngữ Nga có câu: “Ai điều khiển được lòng say mê của mình thì đó là ông chủ”, chiêm nghiệm vào bản thân, ông Đào Văn Dư cảm thấy rất tâm đắc bởi gần cả cuộc đời, ông đã dành trọn niềm đam mê với “thế giới đồng hồ”. Trong thế giới này, ông như là “ông chủ tốt bụng”, như là vị bác sĩ từ tâm đã trả lại “sự sống” cho những chiếc đồng hồ bị hỏng hóc, tậm tịt…

 

Ông Đào Văn Dư, người thợ sửa đồng hồ duy nhất tại Việt Nam có 7 bằng diplome
Ông Đào Văn Dư, người thợ sửa đồng hồ duy nhất tại Việt Nam có 7 bằng diplome.

Hồi tưởng lại cái “duyên nợ” với nghề sửa chữa đồng hồ, ông Đào Văn Dư cho biết, cụ thân sinh ra ông vốn là một thợ sửa chữa đồng hồ lâu năm ở Hà Nội, vì vậy từ ngày còn bé, ông đã được làm quen với những kim ngắn, kim dài, bánh xe và tiếng tích tắc... Năm 14 tuổi, cậu bé Dư tự mày mò “chữa bệnh” thành công cho những chiếc đồng hồ bị hỏng hóc đơn giản. Rồi niềm đam mê làm “bác sĩ đồng hồ” cứ ngấm dần vào máu. Cho đến khi ông đã theo học ngành sư phạm, nhưng cái “nghiệp duyên” với đồng hồ cứ đeo bám khiến ông từ bỏ cả chức vụ hiệu trưởng của một ngôi trường ở Quảng Xương (Thanh Hóa) đề trở về Hà Nội gắn bó với nghề sửa chữa đồng hồ.

Năm 1960, khi Nhà nước thành lập liên doanh đồng hồ đầu tiên, ông Dư lúc ấy mới 24 tuổi nhưng đã trở thành một trong những người thợ trẻ nhất có bậc thợ cao (5/7). Ông tham gia dạy nghề sửa chữa đồng hồ cho hàng trăm người ở Hà Nội và các tỉnh lân cận và còn sát hạch tay nghề và quản lý hệ thống thợ sửa đồng hồ tại Trường Kỹ thuật điện tử ở Hàng Bông.

Sự am hiểu tường tận về kỹ thuật đồng hồ

Người ta vẫn gọi đồng hồ là thứ lưu giữ thời gian chiều thẳng đứng, với những người sưu tập, sửa chữa đồng hồ thì có lẽ điều đó càng có ý nghĩa. Ông Dư còn nhớ như in những năm 70 của thế kỷ trước, hệ thống đồng hồ công cộng của Hà Nội sử dụng chung đường dây với hệ thống đồng hồ bưu điện Hà Nội và hoạt động rất thất thường. Thế nên mới có hiện tượng ở chợ Hàng Da có 3 đồng hồ quay mặt về 3 hướng với các giờ khác nhau. Vậy nên ông thường xuyên phải túc trực để điều chỉnh lại cho đúng giờ. Ông chia sẻ, làm thợ sửa đồng hồ không chỉ cần có sự thông minh, sáng tạo, khéo tay mà còn cần sự am hiểu tường tận về kỹ thuật đồng hồ. Nhưng để trở thành một người thợ sửa đồng hồ giỏi, người ta cần ít nhất 10 năm kiên trì học hỏi, thực hành và cần cả chút năng khiếu nữa.

 

Bộ đồng hồ cổ quý giá đang được gia đình ông Đào Văn Dư lưu giữ
Bộ đồng hồ cổ quý giá đang được gia đình ông Đào Văn Dư lưu giữ.

Nhớ lại những năm tháng đi tu nghiệp tại Thụy Sỹ, ông Đào Văn Dư bùi ngùi: “Năm 1979, tôi được Nhà nước và UBND TP. Hà Nội cử đi tu nghiệp tại Thuỵ Sỹ về sữa chữa và lắp đặt đồng hồ. 10 năm sau, tôi lại được mời sang Thuỵ Sỹ để tham gia các lớp học nâng cao về sửa chữa và bảo hành đồng hồ và được thực tập tại nhiều hãng đồng hồ tên tuổi như Rađo, Omega... Trong 2 chuyến đi tu nghiệp này, tôi đã vinh dự được các hãng đồng hồ danh tiếng trên trao cho 7 bằng chứng nhận Diplome. Đó là vinh dự này không dễ gì đạt được”.

Đến nay, ông đã có trên 50 năm kinh nghiệm sửa chữa đồng hồ và chưa bao giờ chịu thua chiếc đồng hồ nào. “Về mặt nguyên lý thì sự cố nào cũng có nguyên nhân vài tiếng là xong”. Chỉ có điều chẳng còn như xưa là bây giờ không còn nhiều người đi sửa đồng hồ nữa, vì vậy chỉ những ai thực sự say nghề mới “sống chết” với thế giới đồng hồ... Và con trai ông là Đào Vũ Hải cũng được “nhiễm” cái sự mê say đồng hồ của cha mình trong máu, vì vậy mới quyết tâm theo đuổi, tiếp nối “nghề gia truyền”…

Bây giờ, mỗi lần đi qua bờ hồ Hoàn Kiếm, ngước nhìn lên nóc toà nhà Bưu điện TP. Hà Nội, ông Đào Văn Dư vẫn nghe nhịp tim mình xốn xang, bồi hồi. Những dòng ký ức của một thời kỳ bao cấp khốn khó mà thân thương, những kỷ niệm buồn vui trong mấy chục năm làm nghề gia truyền trên phố Hàng Phèn mãi không phai mờ trong ký ức của ông. Nhắc lại kỷ niệm, lòng ông trào dâng một niềm tự hào bởi tên tuổi ông cũng đã đã góp phần tạo thêm một nét chấm phá cho sự đa dạng, phong phú ngành nghề của 36 phố phường trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Sông Lam

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site