11:09 | 15/10/2020

Lễ cầu mưa của người Mạ

(LV) - Trong canh tác nương rẫy, người Mạ chỉ có thể trồng được một vụ lúa duy nhất trong năm vào mùa mưa, họ không sử dụng thủy lợi, tất cả trông chờ vào nước mưa. Vậy nên, lễ cầu mưa - một loại hình tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy, mà ngày nay vẫn còn tồn tại trong cộng đồng người Mạ.

>>> Đồng bào Tày, Nùng làm lễ giải hạn đầu năm

Lễ cầu mưa “Lẽh dăn duh Mhiu” của người Mạ chỉ diễn ra khi việc trỉa hạt trên nương đã hoàn tất, mà trời vẫn khô hạn, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa; một vụ mùa bội thu không bị hạn hán và dân làng có cuộc sống bình yên. Đây được coi là một lễ lớn của buôn làng và do chủ làng (chau kuăng bon), trưởng tộc (Pô Nào) và các chủ gia đình (Pô Hiu) đứng ra tổ chức. Chủ làng sẽ là người chủ trì nghi lễ. Mọi công việc chuẩn bị được chủ làng phân công cụ thể đến từng nhóm thành viên trong buôn làng. Đàn ông làm cây nêu và những công việc nặng nhọc khác. Phụ nữ lo chuẩn bị củi, nước, rau, gạo, rượu cần để cúng lễ và đãi khách. Nghi lễ cầu mưa được bắt đầu bằng nghi thức cúng mời gọi Yàng tại nhà chủ làng, sau đó mới đến nghi thức đâm trâu tại sân lễ chính.

Nghi thức gọi Yàng tại nhà chủ làng

Đến ngày lễ đã được ấn định, từ sáng sớm các gia đình đã mang lễ vật gà, rượu, gạo,… tập trung tại nhà chủ làng. Lễ vật dùng để gọi thần linh bắt buộc phải có một con vật hiến tế (thường là vịt), bởi người Mạ quan niệm rằng vịt là đại diện cho thế giới nước, cùng với một chóe rượu cần, vài ba quả bầu khô đựng nước và một ống tre đựng các loại hạt giống (mỗi loại 7 hạt). Nghi thức được diễn ra quanh cây nêu buộc chóe rượu mời Yàng (ở giữa nhà sàn).

 

Bà con cùng nhau vui hội
Bà con cùng nhau vui hội.

Sau khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, chủ lễ chính thức bắt đầu tiến hành lễ thức đầu tiên với ý nghĩa thông báo cho các thần linh về dự lễ. Ông châm nước vào chóe rượu mời Yàng, cùng với lời khấn được mang theo: “Hỡi thần mưa (Yàng Mhiu), thần nước (Yàng Đạ), thần lúa (Yàng Kòi),.. hôm nay dân làng chúng tôi làm lễ cầu mưa. Thay mặt dân làng, tôi mời gọi các Yàng hãy về đây cùng chứng kiến và nhận lễ....”. Vừa khấn, chủ lễ vừa nhổ một nhúm lông con vật hiến sinh cho vào bếp, để khói bay lên mời các Yàng. Sau đó, ông cầm đầu con vật hiến tế đập mạnh vào cột nhà gần cây nêu, cho máu của con vật hiến tế bắn ra để lấy máu làm lễ tế thần. Máu con vật hiến tế được trộn với cơm nếp và bột nghệ, rồi bôi lên cây nêu và chóe rượu cúng để mời Yàng. Lúc này, cồng chiêng bắt đầu được phép diễn tấu và họ tin rằng khi nghe tiếng chiêng các Yàng sẽ về dự lễ.

Nghi thức hiến sinh (đâm trâu) tại sân lễ

Sau nghi thức gọi Yàng, mọi người cùng nhau kéo ra sân lễ. Nơi những chóe rượu ngon và một con trâu khỏe mạnh được chọn để làm vật hiến sinh đã được cột cạnh cây nêu. Khi mọi người đã tập trung đông đủ, thành vòng tròn xung quanh cây nêu. Chủ lễ trang nghiêm tiến hành lễ đâm trâu, ông vừa bôi cơm nếp lên cây nêu vừa khấn: “Hỡi Yàng Mhiu (thần mưa) và các đấng thần linh bốn phương! Hãy về đây chứng kiến dân làng giết trâu dâng các Yàng và xin đừng để cây lúa, cây ngô trên nương khô héo nữa; hãy cho những cơn mưa hiền hòa, để cho cây lúa được lên đều và trổ nhiều hạt; những búp măng, ngọn rau trên rừng đâm chồi nảy lộc; hãy cho những cơn mưa rào để nước chảy về đầy lòng con sông, con suối, cho dân làng có nước để uống, có tôm, có cá để ăn,...”. Cùng với những điệu thức của cồng chiêng lúc này, lời khấn trở nên huyền ảo, linh thiêng hơn. Tiếp đó, chủ lễ cắm cần vào chóe rượu nghi lễ và xin phép được thực hiện nghi thức hiến sinh, rồi ông trao cây xà gạc nghi lễ cùng cây lao vào tay một người đàn ông khỏe mạnh đã được chọn từ trước để đâm trâu. Con vật hiến sinh ngã xuống trong tiếng hò reo của dân làng. Máu của con vật hiến sinh được bôi lên cây nêu cùng tất cả các thành viên tham dự lễ để cầu may. Sau đó, chủ làng là người đầu tiên uống rượu từ chóe rượu cần cúng Yàng, rồi đến những người quan trọng khác và các vị khách.

 

Sau cơn mưa các cô gái lên rừng hái lộc
Sau cơn mưa các cô gái lên rừng hái lộc.

Nếu sau lễ cầu mưa, mà trời đổ mưa, họ cho rằng lòng thành của buôn làng đã được Yàng chấp nhận. Mọi người sẽ rủ nhau xuống suối để bắt tôm cá, lên rừng để hái rau và nhà nào cũng hứng nước mưa vào đầy các vật đựng nước. Bởi người Mạ coi đó như là “nước thần” của thần linh đã ban cho, mà họ thường gọi là “Đạ kơn nơh”.

 

Nghi thức đâm trâu trong lễ cầu mưa
Nghi thức đâm trâu trong lễ cầu mưa.

Kết thúc nghi lễ, đầu trâu được treo lại trên cây nêu để dâng cho các thần, đùi trâu được chia đều cho từng gia đình, phần thịt còn lại cùng nội tạng được mang đi chế biến các món ăn để đãi khách. Tối đến, bên ánh lửa hồng và chóe rượu cần, mọi người tiếp tục quây quần bên nhau cùng uống rượu và nhảy múa trong tiếng chiêng, tiếng khèn rộn rã với hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với buôn làng.

Thanh Bình

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site