11:01 | 22/10/2020

NSND Tiến Dũng - Người giữ lửa đam mê múa rối

(LV) - Nhắc đến nghệ thuật múa rối truyền thống của nước ta, chắc hẳn cái tên NSND Tiến Dũng (Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam) không còn xa lạ. Anh là một trong những nghệ sĩ đam mê rối Việt, luôn nỗ lực hết mình đưa nghệ thuật rối Việt đến gần hơn với công chúng và đi xa hơn với quốc tế. Anh vốn là con nhà nòi của nghệ thuật múa rối - con trai NSƯT Hoàng Luận - một trong bảy nghệ sĩ đầu tiên được Bác Hồ giao trọng trách đặt những viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật múa rối nước nhà.

>>> Nặng lòng với nghề truyền thống của quê hương

Nỗ lực đưa nghệ thuật rối Việt đến gần hơn với công chúng

Đến với nghệ thuật múa rối cũng bởi nghiệp “cha truyền con nối”. Nhà ở cạnh Nhà hát múa rối Việt Nam nên ngay từ bé, nghệ sĩ Tiến Dũng chia sẽ, anh hay được xem múa rối, rồi được theo bố đi biểu diễn ở khắp nơi. Tuổi thơ của anh gắn liền với những chú Tễu, cô tiên, nhưng khi lớn lên anh lại trở thành... diễn viên kịch nói của Đoàn kịch nói Quân đội chỉ vì bạn rủ rê. Rồi như một cái duyên, anh trở về với tình yêu tuổi thơ của mình và công tác tại Nhà hát múa rối Việt Nam. Mà sự trở về này nào có dễ dàng khi anh phải học việc - học cách điều khiển những con rối.

 

NSND Tiến Dũng – Người giữ lửa múa rối
NSND Tiến Dũng – Người giữ lửa múa rối.

Cặm cụi học thầy, học bạn; cặm cụi làm cho được một động tác khó thậm chí không quản trời lạnh căm căm mà vẫn đầm mình dưới nước, cuối cùng Tiến Dũng đã chinh phục được sân khấu múa rối với những vai diễn xuất sắc giành huy chương vàng các kỳ hội diễn như tráng sĩ trong vở “Chuyện một tráng sĩ”, cùng lúc đảm nhận ba vai (quan thanh tra, lâm tặc và thợ săn) trong vở “Chuyện trái đất” hoặc hai vai (chú lính chì, vịt con xấu xí) trong vở “Truyện cổ Andersen”... hay Múa phượng trong chương trình “Hồn quê”. Chưa bằng lòng với những gì đã đạt được với vai trò diễn viên, anh mạnh dạn thử sức sang lĩnh vực đạo diễn và các vở diễn của anh luôn xuất sắc giành giải cao trong các kỳ đua tài quốc tế như: “Trăng trẻ thơ”, “Aladin”, “Nét Hồng Lam”, “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, “Aladin và cây đèn thần”, “Nhịp điệu quê hương”, “Vũ điệu hoa quỳnh”…

Đặc biệt, NSND Tiến Dũng đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi đã xuất sắc chuyển tải thành công Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du lên sân khấu múa rối. Đây là lần đầu nàng Kiều từ thơ nôm lục bát của đại thi hào Nguyễn Du được giải mã bằng ngôn ngữ rối cạn. Kịch bản văn học “Thân phận nàng Kiều” do nhà văn Nguyễn Hiếu và NSƯT Lê Chức cùng chắp bút, NSND Nguyễn Tiến Dũng chuyển thể sang múa rối. Kịch bản đã có những thay đổi nhất định cho phù hợp với sân khấu múa rối nhưng diễn biến tâm lý nhân vật vẫn được đảm bảo triển khai theo những xung đột chính của nguyên tác. Sử dụng các con rối để kể về cuộc đời đầy sóng gió của nhân vật nàng Kiều là thách thức rất lớn với ê-kíp, làm sao để chuyển tải được những tầng lớp ý nghĩa dày dặn của “Truyện Kiều”, giữ được sự kỳ công trong từng lời thơ của đại thi hào Nguyễn Du mà vẫn có được sự sáng tạo riêng của mình?

Truyền tình yêu múa rối đến với nghệ sĩ trẻ

Dưới bàn tay của đạo diễn Tiến Dũng, vở rối “Thân phận nàng Kiều” thật sự là sự thử nghiệm tất cả mọi yếu tố từ âm nhạc, tạo hình, biên đạo múa… Tập thể nghệ sĩ đã dẫn dắt cảm xúc của người xem xuyên suốt thân phận của người phụ nữ nhan sắc “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh...” tài mạo thì đến độ “tài tình chi lắm cho trời đất ghen...” để diễn đạt đủ cái gọi là hồng nhan bạc mệnh của người xưa. Tập trung vào nhân vật chính, tác giả và đạo diễn cũng lược bỏ những nhân vật như Thúy Vân, Kim Trọng... và làm nổi rõ hơn ý tưởng về vòng luẩn quẩn của thân phận phụ nữ dưới chế độ còn nhiều bất công... Vượt qua những trói buộc về không gian, thời gian của sàn diễn, các nghệ sĩ đã tìm thấy không khí bảng lảng, giàu màu sắc huyền thoại vốn rất đắc địa của rối để khắc họa hình tượng nghệ thuật. Mọi tình tiết, cảnh trí trong vở đều được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối, với sự cộng hưởng của không gian, ánh sáng trừu tượng mới lạ, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại. Người xem như thấy rõ hơn sự đầu tư tâm sức cho tác phẩm khi mỗi con rối vô cùng linh hoạt, tưởng như là một, thật ra lại được hai diễn viên cùng thể hiện ăn ý.

 

Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du lên sân khấu múa rối
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du lên sân khấu múa rối.

Vở diễn “Thân phận nàng Kiều” đã đoạt nhiều giải thưởng cao tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019 như Huy chương vàng cho vở diễn xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc, 2 Huy chương vàng cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia vở.

Nghệ thuật múa rối nước ta được biết đến là một loại hình nghệ thuật diễn xướng độc nhất vô nhị, một đặc sản của văn hóa Việt, được sinh ra và lớn lên từ môi trường nước và đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo tài tình của những người “nghệ sĩ” nông dân. Trân trọng nét đẹp đó, NSND Tiến Dũng luôn nỗ lực để gìn giữ và truyền tình yêu cho lớp nghệ sĩ kế cận. Nhờ thường xuyên đổi mới, những chương trình múa rối của NSND Tiến Dũng vừa đảm bảo gìn giữ các giá trị truyền thống, vừa hấp dẫn nhiều tầng lớp khán giả. Cứ thế miệt mài trên sân khấu, NSND Tiến Dũng vẫn đang nỗ lực để xây dựng những chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung nghệ thuật. Và ngày ngày truyền tình yêu múa rối đến với nghệ sĩ trẻ, những người tiếp bước nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Phúc Nguyên

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site