07:26 | 31/07/2014

Lên chốn mờ sương

(LV) - Ở chốn quanh năm mây mù có một khu dân cư tuy còn nghèo khó, nhưng lại là điểm đến ước mơ của dân phượt. Đó là Cao Sơn. Đây là tên gọi chung của 3 bản vùng cao gồm: Son, Bá và Mười thuộc xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa).

>>> Phát triển du lịch cộng đồng ở Lai Châu 

>>> Nhân sự kiện UNESCO công nhận Tràng An là Di sản thế giới 

Hành trình lên “Sa Pa” thu nhỏ

Nằm trên đỉnh của dãy núi Pha Hé, Pha Chiến, ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, bản chạy song song với mạch núi Pù Luông - Cúc Phương hùng vỹ. Chính bởi vậy mà nơi đây gần như tách biệt với các bản, làng khác dưới chân núi, có khí hậu quanh năm ôn hòa, khung cảnh hữu tình và được ví như Sa Pa hay Đà Lạt thu nhỏ.

Để lên Cao Sơn có thể đi bằng 2 đường. Nếu không muốn mất công vòng qua Hòa Bình với quãng đường gần 200 km, thì con đường mòn dốc đá gần 10km là lựa chọn duy nhất. Để lên được với “thiên đường” này, chúng tôi cũng không ngoại lệ.

Bản Hiêu - Vẻ đẹp hoang sơ
Bản Hiêu - Vẻ đẹp hoang sơ.

Trong màn sương mờ ảo cuối ngày, dãy Pha Hé hiện ra trước mắt. Vào nhà trưởng thôn Son - Ngân Văn Đức, chúng tôi được cùng ông ăn cơm tối với su su luộc đặc sản nơi này và chén rượu ngô mời khách, tuy nhạt, nhưng ấm tình người. Trong bữa cơm còn có già làng Ngân Văn May. Già May nhấp chén rượu ngô rồi nhìn tôi cười ha hả: “Nhà báo cứ ở đây thì hôm nào cũng được ăn su su. Rau cải, bí đỏ, mướp đắng, súp lơ, cà chua cũng có vị ngọt riêng. Ở đây bà con cũng chỉ dùng duy nhất thứ nước ở các mó, khe để tưới cho cây”.

Già May là thế hệ người già trong làng, ông kể Son, Bá, Mười được người Thái đến khai phá cách đây gần 400 năm. Đó là những người di cư một phần từ Hòa Bình qua và dưới Lũng Cao lên. Son, Bá, Mười hiện có 172 hộ (riêng làng Son được xem là trung tâm nên có số hộ đông nhất là 97). Son, Bá, Mười còn nghèo nhưng nay mai khi có con đường rồi, bà con sẽ khấm khá hơn, người dân ở đây tin thế.

Rồi ngày mới cũng bắt đầu nơi vùng cao đặc biệt này. Những vạt nắng sớm ngọt ngào và êm dịu trải khắp thũng lũng Son, Bá, Mười. Bên ô cửa sổ nhà sàn, tôi thỏa thích ngắm nhìn mây mù vẫn còn giăng trên dãy Pha Hé, Pha Chiến và hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành. Phía xa xa hàng chục nóc nhà ẩn mình dưới chân núi trong mùa. Bên trong góc nhà sàn, gian bếp vẫn đỏ lửa. Người Thái quan niệm bếp lửa mang lại hơi ấm, sự may mắn, nên bất cứ gia đình nào ở đây cũng đỏ lửa quanh năm.

Người dân Cao Sơn thân thiện và mến khách
Người dân Cao Sơn thân thiện và mến khách.

Tiềm năng phát triển du lịch

Trưởng thôn Đức dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ gia đình làm du lịch ở bản Son. Vừa đi anh vừa cho biết: Cao Sơn sương mù quanh năm, nhiệt độ thường từ 18 đến 22 độ C. Có thời điểm giảm xuống còn 5 độ C. Vài năm trước trên Son, Bá, Mười nước cũng đã đóng băng. Vì thế, khách du lịch đến rải rác trong năm.

Để phân biệt các hộ làm du lịch với các gia đình khác, đó là tấm biển được gắn chữ trên chái nhà ghi rõ “Nhà nghỉ du lịch sinh thái bản Son”.

Nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nên bà con ở đây có điều kiện để làm du lịch khi khách đến khám phá Pù Luông. Bởi vậy BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình làm du lịch cộng đồng từ năm 2009. Khách đến đây chủ yếu là người nước ngoài, đi du lịch từ bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) sang hay dưới bản Hiêu (Cổ Lũng, Bá Thước) đi bộ qua con đường mòn từ Lũng Cao đến.

Lên “thiên đường” này du khách thích thú khi được thưởng thức những món ăn dân giã, đặc sản của đồng bào như cá đồ, cơm lam, gà đồi, măng chua, rượu ngô. Cùng khám phá nét văn hóa truyền thống còn nguyên sơ với điệu khắp Thái giao duyên, tỏ tình, hát mừng quê hương. Cùng thêu thùa váy, áo với người con gái Thái.

Với khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng lý tưởng là điều kiện thuận lợi cho bà con trồng rau, quả trái vụ. Ở đây có cây đặc sản là đào hồng và quýt vàng, vào mùa bán được khá tiền. Hầu như gia đình nào ở đây cũng có đào. Đào trồng dọc lối đi vào nhà, đào bên hiên và cả trên sườn đồi. Quít cũng vậy. Nơi đây còn là mảnh đất tiềm năng cho các loại cây dược liệu nổi tiếng.

Cao Sơn còn được nhiều nhà khoa học đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để trồng cây dược liệu như: bạch chỉ, bạch truật, ba kích, thanh hao hoa vàng… Hiện xã Lũng Cao đã quy hoạch vùng trồng cây dược liệu có diện tích 15ha, được phân bổ ở 2 khu vực có độ cao khác nhau. Khu vực 1 với 12ha thuộc làng Cao, làng Chình, làng Him nằm ở độ cao 400 - 500m, khu vực 2 nằm trên địa phận làng Son, cao hơn 1.000m so với mực nước biển.

Chia tay những con người chân chất và thân thiện nơi đây, chúng tôi xuống núi với một niềm tin mãnh liệt: Cao Sơn rồi sẽ thức giấc từ tiềm năng của mình.

Ngọc Huấn

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site