11:13 | 18/04/2013

“Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” nhìn lại một chặng đường 5 năm (2008 – 2013)

(LV) - Thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ giao phó nhằm phát triển nền văn hoá nước nhà.

Đồng bào dân tộc Mông tham gia Phiên chợ vùng cao tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.2012
Đồng bào dân tộc Mông tham gia Phiên chợ vùng cao tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2012. Ảnh: Hà Tuấn

Sau 5 năm, nhìn lại một chặng đường với nhiều hoạt động đã diễn ra, chúng ta không khỏi tự hào về một số những thành quả đã đạt được bước đầu. Việc tổ chức phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, ngành và các địa phương đã được triển khai thực hiện cùng với tinh thần tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ công chức, người lao động và đồng bào các dân tộc tại địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam là dịp để đồng bào các dân tộc nhìn lại kết quả đạt được và kiểm điểm những phần việc còn khiếm khuyết, cần phải khắc phục để thực hiện tốt chính sách dân tộc, đặc biệt là chính sách đối với các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Các hoạt động mang tính sự kiện trong chương trình Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam của các khối cơ quan Trung ương, địa phương đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc ở cơ sở, là đối tượng trực tiếp hưởng thụ, đồng thời là chủ thể của các hoạt động này nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Năm năm không phải là một chặng đường dài nhưng đã đánh dấu một giai đoạn bước đầu với nhiều thành quả đáng khích lệ:

Thứ nhất, đây là chuỗi những hoạt động văn hoá nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, tạo một “sân chơi” giao lưu học hỏi, tăng cường sự hiểu biết về văn hoá giữa các dân tộc với nhau. Đây cũng là dịp để các dân tộc gần gũi, quý trọng nhau hơn, nhằm nâng cao tình đoàn kết dân tộc và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam ở cả nước, ở từng vùng, miền, địa phương, nâng cao ý thức tôn trọng, tương trợ giúp đỡ nhau về mọi mặt, nhằm khơi dậy trong lòng đồng bào ý thức và trách nhiệm của dân tộc mình.

Thông qua các hoạt động văn hoá như: hội thi thể thao, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi tuyên truyền sách, tuần văn hoá và du lịch, giới thiệu lễ hội và trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số, văn hoá ẩm thực và đặc sản vùng miền (tái hiện các phiên chợ quê, phiên chợ vùng cao, chợ nổi miền Tây…), giới thiệu, trình diễn trang phục của các dân tộc…

Có thể nói, chưa khi nào chúng ta thấy được một cách tổng thể nhất về bức tranh đa sắc màu của văn hoá các dân tộc Việt Nam, nó rực rỡ và toả sáng chính bởi những giá trị văn hoá truyền thống từ bao đời nay. Những hoạt động tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là điểm thu hút được đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước về dự ngày hội, tạo ra một không gian văn hoá các dân tộc ấm cúng, đoàn kết và cởi mở.

Thứ hai, những hoạt động trên quy mô cả nước của Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã thực sự có ý nghĩa to lớn trong việc khích lệ sáng tạo những giá trị văn hoá mới, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tiến bộ.

Chúng ta biết rằng, hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số thường sinh sống ở những địa bàn khó khăn về các điều kiện phát triển sản xuất, giao thông đi lại nên việc tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nói chung và văn hoá tiến bộ nói riêng còn nhiều hạn chế. Ở một số nơi vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, tình trạng di canh di cư còn diễn ra, việc tôn vinh khen thưởng để động viên khích lệ cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu chưa kịp thời và thường xuyên, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá cấp cơ sở vùng dân tộc thiểu số vừa thiếu, vừa yếu, tại địa phương việc chỉ đạo của cơ quan quản lý văn hoá cấp cơ sở còn nhiều lúng túng, bất cập.

Tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
Tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn

Việc tham gia vào Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam là dịp để đồng bào các dân tộc được tiếp cận và tiếp nhận với các giá trị văn hoá, văn minh, góp phần bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, hạn chế những tác động xấu của văn hoá ngoại lai, thực hiện chủ trương “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá”. Ngoài ra, việc tôn vinh các “chủ thể văn hoá” là các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, nhân sĩ, trí thức,… cũng là một trong những biện pháp động viên khích lệ họ gìn giữ và phát huy sáng tạo những giá trị văn hoá mới, phù hợp với mục tiêu “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Thứ ba, Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam là dịp để chúng ta quảng bá văn hoá truyền thống với khách du lịch trong nước và bạn bè quốc tế. Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều hoạt động phong phú hơn, chuyên nghiệp hơn và đậm chất truyền thống dân tộc hơn, nhiều du khách bày tỏ sự thích thú và ngạc nhiên bởi sự phong phú, đa dạng cũng như độc đáo của văn hoá các dân tộc thiểu số nói chung. Đây là tín hiệu mừng để chúng ta có thể phát triển ngành du lịch nước nhà bằng chính những giá trị văn hoá truyền thống của mình - một yếu tố giữ vai trò nền tảng quan trọng.

Phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm trước, năm 2013 là năm thứ 5 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức Ngày Văn hoá các dân tộc việt Nam. Đây cũng là năm gắn với nhiều hoạt động chào mừng Năm Gia đình Việt Nam. Cùng với đồng bào các dân tộc trên khắp cả nước nô nức tổ chức Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam tại địa phương mình, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động. Với nội dung phong phú, nhiều ý nghĩa và sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các chủ thể văn hoá, chúng ta hy vọng rằng năm 2013 sẽ là năm kỷ niệm Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp!

Hoàng Đức Hậu

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site