16:05 | 11/05/2015

Cố đô Hoa Lư

(LV) - Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng đồng thời là 1 trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An.

Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo

Hoa Lư đô thị Hán Tràng An

Hệ thống di tích ở Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử Việt Nam.

Dấu tích cung điện dưới lòng đất tại Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Hà Tuấn
Dấu tích cung điện dưới lòng đất tại Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Hà Tuấn.

Xưa nơi đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ…

Ngày 10/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 13 di tích thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Cố đô Hoa Lư (thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) là một trong ba di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng lần này.

Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87 km² thuộc tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

Hoa Lư với những dãy núi đá hình vòng cung, những con sông bao quanh, như một chiến hào vững chắc rất tiện lợi cho phòng thủ và chiến đấu. Hướng nam Hoa Lư được núi Ngự làm thành một bức tường kiên cố. Hướng tây được dải Trường Yên che chở. Hướng bắc có sông Hoàng Long. Một nhánh của sông Hoàng Long chảy theo sông Bội đổ vào động Hoa Lư - căn cứ địa đầu tiên của Ðinh Bộ Lĩnh.

Cùng với sông Lãng, sông Bội, sông Hoàng Long tạo thành một hệ thống thủy lộ chằng chịt nối liền với các vùng đất khác nhau. Vào thời ấy giao thông đường thủy hết sức quan trọng đối với quốc phòng và đời sống kinh tế, văn hóa của dân tộc. Vì vậy, Hoa Lư được Đinh Tiên Hoàng chọn làm kinh đô là điều tất yếu...

Đi theo con đường làng râm mát bóng tre xanh, qua chiếc cầu đá cổ bắc qua con sông nhỏ và những đám lục bình tím ngắt đến núi Yên Ngựa (Mã Yên sơn). Trên núi có lăng mộ Đinh Tiên Hoàng. Lăng Đinh Tiên Hoàng được xây bằng đá xám, nằm trên đỉnh núi, xung quanh cây cối um tùm, mát rượi. Đinh Bộ Lĩnh không chỉ hơn người về tài cầm quân thao lược mà còn rất giỏi trong lĩnh vực ngoại giao và xây dựng đất nước, kinh đô Hoa Lư lộng lẫy là một ví dụ.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Hà Tuấn

Trên núi Yên Ngựa, đá được bàn tay điêu khắc tài hoa của thiên nhiên tạo thành những hình thù kỳ lạ, đẹp và ngộ nghĩnh. Kia là một chú sư tử với mảng bờm dài phất phơ. Cạnh đó có ông già ngồi câu cá. Những bông hoa đá to nhỏ, những tháp tròn, tháp nhọn nhấp nhô... Phía dưới chân núi, cảnh quan thiên nhiên hiện ra như một tấm thảm tuyệt đẹp với màu xanh non của đồng lúa Yên Thành đang thì con gái. Con sông Bội ngoằn ngoèo như dải lụa bạc óng ánh, quanh co uốn lượn. Những cánh cò chao liệng, những ngọn núi đá vôi nhấp nhô như những hòn non bộ và bầu trời xanh thẳm...

Trải qua mưa nắng hơn 10 thế kỷ, các di tích lịch sử ở cố đô Hoa Lư hầu như đã bị tàn phá, đổ nát. Hiện nay chỉ còn lại đền vua Ðinh và đền vua Lê, được xây dựng vào thế kỷ 17. Cách đây vài năm, người dân địa phương đã phát hiện di tích, một tòa cung điện cũ, với các chân cột bằng đá, nằm phía trái, cách đền vua Lê hơn 50m.

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng trên nền cung điện chính, cách chân núi Yên Ngựa khoảng vài trăm mét. Trải qua gần bốn thế kỷ, ngôi đền này vẫn giữ được vẻ uy nghi trầm mặc, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Các lối đi, trụ cổng, tường gạch đều in dấu vết thời gian với những lớp rêu phong cũ kỹ. Những khu vườn um tùm, xum xuê cây trái. Trước cửa đền chính đặt long sàng làm bằng đá nguyên khối, với đôi nghê đá hai bên rất sống động. Các hình trang trí, hoa lá, hình các con vật... được chạm khắc xung quanh long sàng rất tinh xảo.

Đền thờ vua Lê Đại Hành
Đền thờ vua Lê Đại Hành. Ảnh: Hà Tuấn

Cách đền vua Ðinh 500m là đền vua Lê, thờ Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn). Đền vua Lê còn giữ được nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây, người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số đồ gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng của khu đền.

Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, Hoa Lư vẫn mang dáng dấp của một đô thị cổ kính được quan tâm, tìm hiểu. Những ngôi nhà cổ ở đây mang nét đặc trưng của châu thổ Bắc Bộ, được hình thành từ những tục quán sinh hoạt văn hóa lâu đời. Với núi cao, hào sâu, Đô thị Hoa Lư vừa là quân thành lợi hại, hiểm hóc vừa hùng tráng, hữu tình của một thắng cảnh.

Cố đô Hoa Lư hiện tại là một bộ phận (cố đô Hoa Lư, các di tích chùa Bái Đính, hang động Tràng An và Tam Cốc - Bích Động) của quần thể di sản thế giới Tràng An, là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam khi đáp ứng cả 2 yếu tố nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên.

Song Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site