13:25 | 14/03/2018

Ngành điện ảnh kỷ niệm 65 năm ngày thành lập

(LV) - Sáng ngày 15/3/2018 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và Lễ đón nhận huân chương lao động Hạng Nhì cho Cục Điện ảnh.

>>> Liên hoan phim Pháp ngữ 2018 giới thiệu 11 tác phẩm điện ảnh nước ngoài 

Đến tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện,; ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông; Cục trưởng Cục Điện ảnh - TS. Ngô Phương Lan; ông Phạm Sanh Châu, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao; Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - NSND Đặng Xuân Hải, cùng các nhà điện ảnh lão thành cách mạng, các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh, các nhà hoạt động điện ảnh trên mọi lĩnh vực...

Bộ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại buổi lễ
Bộ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại buổi lễ.

Ngày 15/3/1953, tại Đồi Cọ, thuộc Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam – đem lại vinh dự cho các nhà điện ảnh Bưng Biền và Đồi Cọ vì những thước phim đầu tiên của họ - những viên gạch đặt nền móng cho ngôi nhà Điện ảnh Cách mạng Việt Nam – đã được khẳng định.

Tại buổi lễ, TS. Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã báo cáo thành tích của Cục Điện ảnh đã đạt được trong những năm qua. Với chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, vai trò của Cục Điện ảnh thực sự quan trọng trong việc tham mưu và tổ chức xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật để ngành điện ảnh, quản lý mọi lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của ngành như sản xuất, phát hành, phổ biến phim, hoạt động đối ngoại, tổ chức các Tuần phim Việt Nam trong và ngoài nước, tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam và Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiến hành nghi thức trao Huân chương cho Đại diện Cục Điện ảnh - TS. Ngô Phương Lan
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiến hành nghi thức trao Huân chương cho Đại diện Cục Điện ảnh - TS. Ngô Phương Lan.

Từ năm 2013 đến năm 2017, Cục Điện ảnh đã triển khai và hoàn thành được nhiều công việc thực sự có ý nghĩa: cuối năm 2013, Cục đã tham mưu để Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 – bản Chiến lược mà ngành điện ảnh là ngành văn hóa nghệ thuật duy nhất được phê duyệt; tiếp đó là Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2014 sau 20 năm xây dựng dự thảo. Bên cạnh đó, các Thông tư về hoạt động của Đội chiếu phim lưu động, Thông tư về quản lý hoạt động phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt, quan trọng là Thông tư quy định về phân loại phim theo độ tuổi đã được soạn thảo thành công trên cơ sở điều kiện thực tế Việt Nam và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, vì vậy đã có tác động tích cực không chỉ đối với hoạt động điện ảnh mà còn có hiệu quả và sức lan tỏa ra xã hội. Việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim được tiến hành nghiêm cẩn, đúng luật, có lý có tình đã ngăn chặn những sản phẩm vi phạm đạo đức, trái với văn hóa Việt Nam đồng thời khuyến khích những tác phẩm có giá trị giáo dục nhân văn hoặc giải trí lành mạnh, không phân biệt điện ảnh nước nhà hay tư nhân để xây dựng nên Điện ảnh Việt Nam ngày một lớn mạnh”.

Về sản xuất phim, từ năm 2010 đến 2013 số phim truyện sản xuất trong nước mỗi năm trên dưới 15 phim, năm 2014 lên đến 25 phim, đến năm 2015 có sự tăng trưởng đột phá lên 40 phim và con số này duy trì suốt năm 2016, 2017, đạt được chỉ tiêu sản xuất phim năm 2020 trong Chiến lược phát triển điện ảnh.

Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang và nhiều nghệ sỹ khác có những giấy phút xúc động khi chia sẻ về thời gian
Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang và nhiều nghệ sỹ khác có những giấy phút xúc động tại buổi lễ

Về phát hành – phổ biến phim, chúng ta đã có một thị trường điện ảnh phát triển mạnh, doanh số chiếu phim tăng trung bình trên 20% đến năm 2017 – doanh thu là 3250 tỉ, trong đó thị phần phim Việt Nam chiếm khoảng 27%. Số lượng rạp chiếu phim trong cả nước tính đến cuối năm 2017 là 740 phòng chiếu, vượt xa chỉ tiêu trong chiến lược phát triển điện ảnh. Quan trọng là chất lượng phim Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, năm 2014, Cục Điện ảnh mạnh dạn đề xuất hình thức đặt hàng mới: Nhà nước đầu tư một phần kinh phí, tư nhân góp vốn và sản xuất. Mô hình mới này tạo thành công đột phá cho bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - bộ phim đã đạt được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước, bán vé được gần 80 tỷ đồng, gấp 10 lần so với 8 tỷ Nhà nước đặt hàng.

Hiện trên cả nước có 270 đội chiếu phim lưu động trực thuộc các Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng cùng với gần 150 đội chiếu phim lưu động của phát hành phim Quân đội hoạt động miệt mài đem phim phục vụ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Hệ thống rạp chiếu phim ở các thành phố lớn đều được trang bị hiện đại, tiện nghi, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thương hiệu điện ảnh Việt Nam dần được khẳng định bởi sự chuyên nghiệp và bài bản của các Liên hoan Phim Việt Nam và Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, các Tuần phim Việt Nam thường kỳ hoặc nhân kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước tại Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, CHLB Đức, CH Séc, Tây Ban Nha… Cục Điện ảnh đã kết hợp đẩy mạnh quảng bá du lịch và điện ảnh quảng vá nét đẹp của văn hóa, con người Việt Nam ra quốc tế. Cục Điện ảnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với cơ quan điện ảnh của các nước có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Pháp, Ba Lan.

Đây là dịp để các nghệ sỹ hai miền Nam - Bắc hội tụ và gặp gỡ, chia sẻ
Đây là dịp để các nghệ sỹ hai miền Nam - Bắc hội tụ và gặp gỡ, chia sẻ.

Qua 65 năm trưởng thành của Điện ảnh cách mạng Việt Nam, Cục Điện ảnh đã hai lần trình và được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Ngành Điện ảnh. Từ năm 2013 đến 2017, Cục Điện ảnh đã đạt được nhiều thành tích nổi trội trong hoạt động quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp điện ảnh, mở rộng hợp tác quốc tế, tạo vị thế mới cho điện ảnh Việt Nam ở trong và ngoài nước. Trong 5 năm qua, Cục đã được trao tặng một Cờ thi đua của Chính phủ, ba Cờ thi đua của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, một Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và một Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Tập thể Lao động xuất sắc”.

Với những thành tích đã đạt được, Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng công bố Quyết định tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước cho Cục Điện ảnh.

Cũng tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, ban tổ chức đã trình chiếu phim tài liệu 65 năm Điện ảnh Việt Nam – truyền thống, hội nhập và phát triển của đạo diễn Nguyễn Thước.

Dấu mốc sau hơn 6 thập kỷ thành lập là dịp để các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh cùng chia sẻ về những hồi ức, kỷ niệm đẹp đẽ và đầy cảm động, kể từ khi những tác phẩm điện ảnh Cách mạng đầu tiên ra đời cho đến hôm nay. Đây cũng là cuộc gặp gỡ nhiều xúc cảm, với sự quy tụ của nhiều gương mặt điện ảnh ghi dấu ấn từ những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam như: NSND Trà Giang, NSND Thế Anh… và các đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi như đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, NSND Minh Châu…

Cùng tự hào về những thành tựu vinh quang của 65 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, các nghệ sĩ cũng bày tỏ niềm tin, hy vọng vào thế hệ kế cận sẽ ghi tiếp trang sử của nền điện ảnh Việt với những bộ phim nhiều dấu ấn.

Minh Quế (Ảnh: Hà Nguyễn)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site