15:53 | 22/11/2018

Triển lãm Phía sau cánh cửa

(LV) - Triển lãm “Phía sau cánh cửa” chính thức mở cửa từ ngày 23/11 - 31/12/2018 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhằm phản ánh thực trạng xã hội về vấn đề bạo lực gia đình,

Triển lãm nhằm hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” của Hội LHPN Việt Nam, đồng thời nhằm phản ánh thực trạng xã hội về vấn đề bạo lực gia đình, cũng như thể hiện những nỗ lực của Hội LHPN Việt Nam trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Để thực hiện triển lãm này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã nghiên cứu hơn 60 trường hợp bị bạo lực gia đình, trong đó một nửa là các ca bạo lực được cung cấp từ Nhà bình yên của Trung Tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã trao đổi trực tiếp với tất cả các nhân vật nhưng chỉ có chưa đến 20 nhân vật đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình, thậm chí một số nhân vật đã đồng ý nhưng sau đó suy nghĩ lại và từ chối không tham gia. Trong số những nhân vật đồng ý chia sẻ, thì chỉ có 07 nhân vật cho ghi âm, chụp ảnh và cho phép Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sử dụng trong trưng bày nhưng phải qua xử lý hình ảnh, không lộ danh tính. Lý do chính là họ sợ câu chuyện công khai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, con cái của mình, của chồng mình - dù đó cũng là người gây ra bạo lực. Đây thực sự là một điều đáng để chúng ta suy nghĩ.

Những số liệu quốc gia về các ca bạo lực gia đình ngày càng đáng báo động tuy nhiên đó cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những gì ẩn sâu dưới mặt băng xã hội mới là những nguy hiểm tiềm tàng có thể phá hủy những gì nó đi qua trong quá trình phát triển xã hội. Và những gì Chính phủ, các Bộ ban ngành, các cấp Hội LHPN Việt Nam đang thực hiện chưa dễ lấp đầy khoảng trống bình đẳng giới, bởi gần như vấp phải sự im lặng đáng sợ của chính những người trong cuộc, cũng như của nhiều người trong xã hội. Giới và bình đẳng giới thực chất là gì khi chúng ta đứng lên kêu gọi, nhưng chính người phụ nữ không dám, chưa dám lên tiếng để bảo vệ chính cuộc sống của mình.

Theo thống kê của hơn 60 trường hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp cận, nạn nhân bị bạo lực ở lứa tuổi 8X, 9X chiếm 61%; trong đó người đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Thạc sĩ chiếm 85%; những người gây bạo lực có trình độ Đại học, Cao đẳng, thậm chí Thạc sĩ cũng chiếm 61%. Nguyên nhân bạo lực ở khía cạnh kinh tế chiếm 10,3%; tác động xã hội như nghiện hút, ngoại tình, ghen tuông, gia trưởng, cờ bạc, bia rượu chiếm 83,8%... Hình thức bạo lực: bạo lực thể chất chiếm 98%, bạo lực tinh thần chiếm 100%, bạo lực tình dục chiếm 31%.

Từ kết quả nghiên cứu trường hợp thực tiễn, khuôn khổ triển lãm chỉ đề cập đến bạo lực gia đình trong mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau bởi theo nghiên cứu nạn nhan Bạo lực gia đình đa phần là phụ nữ, đặc biệt phụ nữ có chồng chiếm tỉ lệ cao, “Phía sau cánh cửa” muốn gửi đi thông điệp: hãy nói ra, phá bỏ sự im lặng, khi bạo lực diễn ra một lần nó sẽ tiếp tục diễn ra. Triển lãm sử dụng phương pháp trưng bày sắp đặt, tạo ra 5 modul gợi mở về những không gian khác nhau trong mỗi gia đình để khách tham quan tự cảm nhận bằng cảm giác cũng như kinh nghiệm của mình trong cuộc sống với các chủ đề Lời ru buồn, Mặt nạ của hạnh phúc, Gánh nặng không cùng san sẻ, Những trái tim lạc lối, Bỏ thì thương vương thì tội. Những tâm sự, chia sẻ của các nhân vật cùng không gian sắp đặt mang tới sự gần gũi quen thuộc, và chính từ sự gần gũi quen thuộc đó giúp công chúng giật mình nhận ra nhiều góc, nhiều vấn đề của chính mình. Bởi thói quen trong suy nghĩ, trong cuộc sống làm xúc cảm của người ta bị mài mòn, tình yêu bị khô cạn, nỗi đau trở nên chai lì… nhưng người ta vẫn thay nhau mang chiếc mặt nạ của hạnh phúc, mà quên đi hoặc không nhận ra rằng trong một khoảnh khắc nào đó mình đã vô tình tạo ra bạo lực hoặc bản thân mình chịu bạo lực tại chính ngôi nhà - nơi đáng ra là tổ ấm của mỗi người. Từ chính những điều nhỏ bé, đơn giản đó cộng hưởng với nhau biến nó thành vấn đề nóng của xã hội - xã hội mà mỗi người là một tế bào cùng xây dựng nên.

Bạo lực giữa chồng và vợ xảy ra, phần lớn do người đàn ông nhận thức sai lầm về vị trí vai trò của mình trong gia đình, khi cho rằng mình có quyền phán xét, giáo dục vợ. Nếu vợ làm trái ý mình hoặc không thực hiện theo mệnh lệnh, người vợ có thể bị mắng chửi, đánh đập. Trong khi đó, người phụ nữ cũng không xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của bản thân đối với chồng, gia đình nhà chồng, tự hạ thấp bản thân mà không biết phát huy, vận dụng quyền dân chủ của mình. Lý do căn bản nhất là do họ thiếu kiến thức về bình đẳng giới, nhận thức sai lệch về vị trí của bản thân, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống gia đình. Các hình thức bạo lực gia đình hiện nay cũng diễn biến phức tạp và tinh vi hơn trước. Nó thể hiện “dữ dội, ồn ào” ở các gia đình có mức sống bình dân, tầng lớp lao động phổ thông và diễn ra “âm thầm, lặng lẽ” trong các gia đình tri thức. Chính vì vậy, bạo lực gia đình không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình, mà trở thành vấn đề của xã hội, cần sự chung tay, lên tiếng của cộng đồng với thông điệp “Hãy phá bỏ im lặng, chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình”.

Nội dung triển lãm gồm:

Chủ đề 1: Những điều mắt thấy

Giới thiệu khái quát tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay và những nỗ lực của Hội LHPN các cấp trong hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.

Bạo lực gia đình – SOS: Bạo lực gia đình vẫn tăng cao sau 10 năm áp dụng Luật Phòng, chống BLGĐ; Nạn nhân BLGĐ đa phần là phụ nữ; Số nạn nhân BLGĐ bị bạo lực từ chồng chiếm tỉ lệ cao; Nhiều nạn nhân còn giữ im lặng; Thông tin trên một số trang báo về các vụ án liên quan đến bạo lực gia đình.

Chặng đường xa: Mô hình Ngôi nhà bình yên (các câu chuyện nạn nhân được sự giúp đỡ của NBY đã hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống tốt đẹp hơn); Mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng (Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Trị, Bình Dương); Hoạt động của Hội phụ nữ các cấp (Đà Nẵng, Hà Nội, Nghệ An)

Chủ đề 2. Phía sau cánh cửa: Giới thiệu các câu chuyện của một số nạn nhân đã phải rời bỏ tổ ấm của mình để đến với Ngôi nhà Bình yên của Hội LHPN Việt Nam. Các câu chuyện với nhiều khía cạnh khác nhau sẽ được tập hợp thành những nhóm vấn đề, phản ánh chân thực, sinh động thực trạng, nguyên nhân về bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay.

Lời ru buồn: Hôn nhân không tình yêu; Mang thai ngoài ý muốn…

Mặt nạ của hạnh phúc: Những nỗi đau âm thầm; Xấu chàng hổ ai

Gánh nặng không cùng san sẻ; Những “đứa trẻ” không chịu lớn; Sự phụ thuộc về kinh tế;

Những trái tim lạc lố: Ngoại tình; Ma túy, rượu

Bỏ thì thương, vương thì tội: Thuyền theo lái, gái theo chồng; Sự day dứt

Mở lòng: Những người đã bước qua; Chia sẻ của cộng đồng;

Ngoài ra còn nhiều hoạt động bên lề khác như: Thực hiện chiến dịch Phá bỏ im lặng, chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình; Hoạt động giáo dục dành cho sinh viên.

Vũ Minh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site