07:20 | 24/06/2019

Câu chuyện về Kho báu trên tàu cổ

(LV) - Gần 500 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 13 - 18 đã được tìm thấy và tuyển chọn từ kho tàng di vật đồ gốm sứ Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc trên những con tàu cổ dưới đáy đại dương. Các hiện vật này đang được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia với nhiều câu chuyện bí ẩn của lịch sử.

Những hiện vật, di vật được giới thiệu là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại Biển Đông Việt Nam. Điều đó khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trong giao thương quốc tế ở thời kỳ hoàng kim của "con đường tơ lụa" trên biển.

Gốm men trắng trên tàu Thế kỷ 18 tại Cà Mau
Gốm men trắng trên tàu Thế kỷ 18 tại Cà Mau.

Sự trở về của "báu vật" từ lòng đại dương

Sau 30 năm, kể từ khi con tàu đầu tiên - tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu) được phát hiện và khai quật vào năm 1990. Tính đến nay hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam. Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân - chủ yếu do tính phức tạp của công việc khảo cổ học dưới nước và những yêu cầu rất lớn về nguồn kinh phí của các cuộc khai quật, đến nay mới có 6 con tàu cổ được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tham gia nghiên cứu, khai quật một cách chính thức. Việc khai quật những con tàu này đem lại cho bảo tàng những tài liệu, hiện vật vô giá, những nhận thức mới về khoa học khảo cổ, chứng minh tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển Việt Nam trong mối giao thương quốc tế. Dưới đáy biển Việt Nam cũng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, hứa hẹn một tương lai phát triển của ngành khảo cổ học dưới nước.

Việt Nam với trung tâm sản xuất gốm Chu Đậu, Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc sản xuất và cung ứng hàng hóa xuất khẩu tới các nước trên thế giới vào thế kỷ 15 - 16. Một số sản phẩm phục chế của Công ty Cổ phần Gốm sứ Chu Đậu cũng được giới thiệu tại trưng bày, nhằm tôn vinh việc phục hồi và phát triển một dòng gốm mang tính truyền thống độc đáo của Việt Nam.

Đồ gốm bị hàu và rêu bám chặt trên tàu Thế kỷ 15 tại Cù Lao Chàm
Đồ gốm bị hàu và rêu bám chặt trên tàu Thế kỷ 15 tại Cù Lao Chàm.

TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, trưng bày không chỉ cuốn hút từ tên gọi mà qua từng hiện vật, công chúng đều có cơ hội khám phá những báu vật vô giá dưới đáy đại dương huyền bí. Lần đầu tiên trong một không gian được thiết kế công phu, trưng bày về kho báu dưới đáy biển sẽ xuất hiện trong bốn chủ đề gồm: Biển Việt Nam và thương mại đường biển; Đồ gốm thương mại Việt Nam; Con đường tơ lụa trên biển và Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam.

Chủ đề điểm nhấn Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam đã mang đến cho khách tham quan nhiều cảm xúc bất ngờ với vô số hiện vật đắt giá, ẩn chứa những giá trị khó có thể đong đếm. Những di tích tàu đắm cổ được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam đã chứng minh cho sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa đường biển đương thời.

Tổ hợp 9 đĩa trang trí hoa lá làm bằng gốm men trắng vẽ lam vào Thế kỷ 16 – 17 trên tàu cổ Bình Thuận
Tổ hợp 9 đĩa trang trí hoa lá làm bằng gốm men trắng vẽ lam vào Thế kỷ 16 – 17 trên tàu cổ Bình Thuận.

Câu chuyện của “kho báu”

Lịch sử Việt Nam với sự giao thương trên biển được thể hiện rõ qua Triển lãm. Khi các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo bắt đầu hình thành và phát triển, người Việt cũng bắt đầu sử dụng đường biển để thực hiện các hoạt động giao thương. Do vị trí địa lý đặc biệt này mà tại các vùng duyên hải Việt Nam dần xuất hiện thêm nhiều tuyến đường biển, hải cảng và trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cũng như điểm dừng chân của các thuyền buôn Trung Quốc và các thương thuyền đến từ các quốc gia.

Ấm vẽ mục đồng cưỡi trâu, tung mũ cỏ lên trời xanh, ngụ ý “sỹ đồ bình bộ thanh vân” trên tàu cổ Cà Mau
Ấm vẽ mục đồng cưỡi trâu, tung mũ cỏ lên trời xanh, ngụ ý “sỹ đồ bình bộ thanh vân” trên tàu cổ Cà Mau.

Lần đầu tiên trưng bày lần một khối lượng đồ sộ những hiện vật gốm sứ trong các tàu cổ Bình Thuận, Hòn Dầm, Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Cà Mau. Thông qua các hiện vật, tư liệu phong phú, đặc đắc, những câu chuyện về kho báu tìm được dưới đáy đại dương từ các con tàu cổ đã được khắc họa rõ nét về lịch sử, con người Việt Nam và các nước xung quanh.

Với 240.000 di vật, hiện vật đa dạng được trục vớt, khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm từ năm 1997 – 2000. Điều đáng chú ý là các nhà khoa học đã khai quật được 11 bộ hài cốt của thương nhân và thuyền viên trên tàu. Bên cạnh đó, đồ gốm sứ Việt Nam được phát hiện trên con tàu rất đa dạng về loại hình, men và hoa văn trang trí, bao gồm đồ gốm hoa lam, gốm men ngọc, gốm men trắng, men nhiều màu, men nâu... Dựa vào kiểu dáng, kỹ thuật nung, hoa văn trang trí có thể thấy được đặc trưng của đồ gốm Việt Nam thế kỷ XV mang những đặc điểm khác biệt so với gốm sứ Trung Quốc đương thời.

Trong tàu cổ Bình Thuận (khai quật năm 2001 - 2002), kết quả khai quật đã thu được hơn 60.000 hiện vật, đa số là đồ gốm sứ hoa lam, một số lượng đáng kể là đồ sứ vẽ nhiều màu trên men. Những điều biết được từ hàng hóa gốm sứ trong tàu cổ Bình Thuận xác nhận sự lan tỏa của đồ gốm sứ thời Minh sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tượng người cưỡi ngựa, gốm men tam thái vào thế kỷ 18, xuất sứ Trung Quốc trên tàu cổ Cà Mau
Tượng người cưỡi ngựa, gốm men tam thái vào thế kỷ 18, xuất sứ Trung Quốc trên tàu cổ Cà Mau.

Tại di tích tàu cổ Hòn Dầm, có khoảng 16.000 hiện vật gốm Thái Lan vùi dưới cát, nằm sâu dưới mực nước biển 40 mét đã được tìm thấy. Các nhà khoa học cũng khai quật được đồ sành men nâu, ngà voi, đồ đồng, tiền đồng cổ. Trong số các mẫu vật là tiền đồng cổ phát hiện được tại đây có tiền "Vĩnh Lạc Thông Bảo" (1403 - 1424) của Trung Quốc, một tư liệu quan trọng giúp cho việc xác định niên đại của tàu cổ Hòn Dầm.

Tàu cổ Cà Mau được khai quật ở độ sâu 35m và chỉ còn dấu vết chiều dài khoảng 24m và rộng gần 8m; số lượng cổ vật thu từ các nguồn khai thác khác nhau lên tới gần 130.000. Nhiều nhất là đồ gốm sứ men trắng vẽ lam và kết hợp vẽ nhiều màu, sản xuất tại Trung Quốc vào đời Ung Chính (1723 - 1735). Hoa văn trang trí trên đồ gốm sứ tàu cổ Cà Mau rất phong phú, thể hiện bằng các kỹ thuật in khuôn, khắc, vẽ lam dưới men, vẽ màu trên men và sự kết hợp các kỹ thuật và hình thức khác nhau.

"Báu vật" khai quật trong tàu cổ Hòn Cau gồm trên 60.000 hiện vật. Đây là chuyến hàng gốm sứ Trung Quốc, sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của phương Tây nên hình dáng, sắc màu và lối bố cục trang trí có nhiều loại, khác lạ so với phong cách truyền thống. Ngoài đồ sứ men trắng vẽ lam còn có những loại bát, đĩa, thìa, hộp, bình, chén thuộc dòng sứ trắng sản xuất ở lò Đức Hóa tỉnh Phúc Kiến.

Vũ Minh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site