16:59 | 14/07/2020

Trưng bày chuyên đề “Lời tri ân”

(LV) - Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo tổ chức trưng bày chuyên đề “Lời tri ân”.

Trưng bày được chia thành hai nội dung chính: Trọn một lời thề và Lời tri ân.

Phần nội dung thứ nhất Trọn một lời thề là những câu chuyện trên một “trận tuyến đặc biệt” - ngục tù của thực dân, đế quốc. Giữa nơi ngục lửa, những người con trung hiếu của dân tộc vẫn kiên tâm, bền chí trước những trận đòn tra tấn thấu xương hay khi cận kề cái chết. Nhiều tấm gương kiên trung trong ngục tù thực dân, đế quốc đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thông qua nội dung trưng bày, khách tham quan được hiểu về hệ thống nhà tù nhiều hơn trường học dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc; về chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã kiên cường vượt qua, đó là:

Một Hỏa Lò - Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội, nơi cuộc sống của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng là một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại chế độ lao tù hà khắc. Từ gáo nước, khẩu phần ăn hằng ngày, việc phát thêm chiếu, chăn chống rét… đều phải trải qua những cuộc đấu tranh quyết liệt.

 

Trưng bày
Trưng bày giúp khách tham quan hiểu hơn về những “địa ngục trần gian”, sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc

Một Sơn La - Nơi rừng thiêng nước độc với những căn phòng tối bằng gạch và đá kiên cố, đặc biệt hệ thống xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3m. Khi cánh cửa gỗ đóng lại thì mỗi xà lim cá nhân biến thành một hộp kín, tù nhân phải nằm co và khó phân biệt thời gian ngày và đêm. Khu xà lim biệt giam đã từng giam các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Tô Hiệu…

Một Khám Lớn Sài Gòn - Vùng đất dữ với các khu biệt giam, xà lim án chém, phòng để máy chém và khu hành quyết tù nhân. Đây là khám đường lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh, một trong những “biểu tượng” cho bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở Nam kỳ.

Một Côn Đảo ác liệt, “là địa ngục trần gian” cách xa đất liền, nơi những chiến sỹ cộng sản phải đương đầu với bộ máy khủng bố tinh vi và tàn bạo; nơi tù nhân bị bỏ đói, bỏ khát trong các Chuồng cọp, hiếm có nơi nào mà mạng sống của con người bị coi rẻ đến như vậy; cũng hiếm có nơi nào, sự sống của tù nhân lại được duy trì kiên cường đến thế.

Một Phú Quốc - Trang sử bi hùng, nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chọn làm địa điểm xây dựng trại giam bởi vị trí nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, kẻ thù có thể mặc sức dùng mọi thủ đoạn tra tấn gây chết chóc, thương tật về thể xác, đày ải về tinh thần. Chúng còn “sáng tạo” ra các kiểu giam “độc đáo” để hành hạ, đày đọa tù binh đến tận cùng như Chuồng cọp kẽm gai. Chỉ vài ngày bị giam tại đây, toàn thân người tù bị lột hết da.

Cùng Các nhà tù khác như: Nhà lao Tân Hiệp, Khám Chí Hòa… đều là những nơi giam cầm, đày ải khắc nghiệt và cướp đi sinh mạng của biết bao chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam.

Tất cả những “địa ngục trần gian” này chính là một “chiến trường đặc biệt” dù không có tiếng súng rền vang, nhưng đã cướp đi một phần thân thể và sinh mạng của biết bao người con ưu tú của dân tộc từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước. Những câu nói, những lời nhắn đầy tâm huyết của các chiến sỹ cách mạng trước khi ra pháp trường như đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Tần… được thể hiện nổi bật trong trưng bày.

Một phần diện tích của trưng bày thể hiện khát khao tự do cháy bỏng của mỗi chiến sỹ cách mạng khi bị bắt, giam trong các “địa ngục trần gian” là tận dụng mọi thời cơ để tổ chức vượt ngục. Biết bao thử thách hiểm nghèo họ phải đối mặt: bị truy lùng, bắt giam trở lại; phải chịu những trận đòn tra tấn đến chết đi sống lại hay có thể bị dông bão, sóng biển nhấn chìm hoặc làm mồi cho thú dữ nơi rừng sâu nước độc nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục tập thể. Ngày 12/12/1952, 198 tù nhân bị bắt đi làm đường đến Bến Đầm đã bí mật vượt ngục nhưng sóng to, gió dữ đã đánh chìm những chiếc thuyền thô sơ do tù nhân tự tạo. Phát hiện tù nhân vượt ngục, kẻ địch truy đuổi gắt gao: 81 chiến sỹ hy sinh, 117 chiến sỹ bị bắt lại.

Phần nội dung trưng bày thứ hai Lời tri ân là những câu chuyện thời hậu chiến vẫn còn day dứt cho tới ngày hôm nay. Nhiều chiến sỹ may mắn được trở về trong vòng tay của gia đình, của đồng đội, nhưng có những người đã mãi mãi ra đi, thân thể họ đã hòa trong đất mẹ: … Có hôm nay là xương máu đổi về/ Của bao người đã tràn trề thương tích/ Của các anh vẫn chưa rõ lai lịch/ Ở nghĩa trang hay núi cát sông rừng.

Những câu thơ trong bài “Các anh không về” của tác. giả Sở Lưu Hương như lời nhắc nhở cho thế hệ hôm nay luôn khắc ghi công lao to lớn của biết bao người trở về không còn lành lặn, mang thương tật trong mình, bao người đã ngã xuống nhưng chưa xác định được danh tính, hiện đang yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước.

Tổ hợp chính “Lời tri ân” được thể hiện như một bông hoa tươi thắm mang ý nghĩa: Sự hy sinh của biết bao người chiến sỹ để làm cho đất nước được trường tồn, nở hoa. Tại đây, người xem như trầm lắng lại khi đứng trước những hình ảnh bạt ngàn các ngôi mộ không tên, không tuổi ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ… sẽ mãi mãi là những chứng tích lịch sử không thể lãng quên của một thời Hoa - Lửa. Những nghĩa trang ấy còn là nơi yên nghỉ của hàng triệu người lính năm xưa hừng hực khí thế lên đường chiến đấu, giờ quây quần bên nhau mộ thẳng một hàng.

Đền, đài, bia tưởng niệm và nghĩa trang liệt sỹ trở thành những địa danh lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ. Nơi an nghỉ của những linh hồn bất tử, nơi các thế hệ tìm đến, kính cẩn nghiêng mình, tri ân những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống cho đất nước được độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ: Hương đã thắp cho bao mộ phần nước mắt vẫn chưa khô/ Xin thành kính trước anh linh bao người con trung hiếu/ Hàng triệu người đã về thăm lặng đi và chợt hiểu/ Giá của sự hy sinh quá đỗi lớn lao này… (“Thăm Nghĩa trang Trường Sơn”, Nguyễn Quyết Thắng)

Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm nhưng nỗi đau còn âm ỉ trong những người mẹ tìm con, vợ tìm đợi chồng, anh tìm em, con ngóng tìm cha. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, bổ sung hồ sơ liệt sỹ là ước vọng tâm linh cháy bỏng không chỉ riêng các gia đình, thân nhân liệt sỹ mà của toàn xã hội.

Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về những “địa ngục trần gian”, sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc. Hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng thanh xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước; để thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực hơn, nhiệt huyết hơn công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chương trình khai mạc diễn ra vào 8h30 ngày 17/7/2020 (Thứ Sáu) tại Di tích Quốc gia Côn Đảo.

Minh Quế



Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site