05:01 | 06/09/2014

Ngày khai giảng và giấc mơ của những người “gánh” chữ ngược ngàn

(LV) – Khi các em học sinh cùng cả nước đang tưng bừng trong không khí ngày đầu khai giảng hãy cùng đến thăm điểm trường khó khăn bậc nhất của tỉnh Lào Cai để thêm hiểu và thêm quý trọng những thầy cô đang ngày ngày làm nhiệm vụ cao quý “gánh” chữ ngược ngàn

  >>>Linh hồn trong lễ hội của người Chăm

  >>>Sự đổi thay của bản Mông

Được biết đến là những điểm trường khó khăn bậc nhất của tỉnh Lào Cai - Pờ Sì Ngài, Bản Giàng, Hán Nắng (thuộc trường Tiểu học Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vẫn chung cảnh nhà tranh, vách nứa; những đứa trẻ chân trần bám đất đến trường dù mùa đông giá lạnh còn cách không xa...

“Ốc đảo trên cạn” đã có đường vào

Không giống như những ngôi trường vùng cao khác và càng khác biệt so với những ngôi trường ở đồng bằng, đô thị, Phân hiệu trường Pờ Sì Ngài, trường Tiểu học Pa Cheo nằm vắt vẻo trên lưng chừng núi. Sau gần một thập niên “lỗi hẹn”, mới đây, thầy và trò phân hiệu trường phấn khởi khi con đường dẫn tới trường đã được đổ bêtông. Hơn 2km vòng vèo qua ba ngọn đồi, qua 2 lưng núi để tới được điểm trường từng được ví như “cung đường tử thần” với một bên là vách đá dựng đứng, lởm chởm, bên kia là vực thẳm chông chênh, nay đã đổi khác.

Với những thầy, cô giáo và hơn 50 học sinh tại điểm trường Pờ Sì Ngài, con đường hoàn thành trước ngày khai giảng năm học mới là niềm vui, niềm hạnh phúc quá lớn lao. Thầy Lê Thanh Phúc, Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Pa Cheo cho hay, trước đây, khi đến Phân hiệu Pờ Sì Ngài chẳng may ra về gặp trời mưa thì chỉ còn nước bị “giam lại” tại trường chứ không thể xuống núi vì con đường trơn trượt, hết sức nguy hiểm. Bởi thế, nhiều người vẫn ví Pờ Sì Ngài giống như một “ốc đảo trên cạn” khi trời đổ mưa, bởi con đường đất sét quánh lại, chôn chặt chân người và cách ly hoàn toàn ngôi trường với bên ngoài.

Sau gần một thập niên “lỗi hẹn” giờ đây con đường dẫn tới trường đã được đổ bêtông
Sau gần một thập niên “lỗi hẹn” giờ đây con đường dẫn tới trường đã được đổ bêtông.

Cùng đi với chúng tôi hôm ấy có cô Cồ Thị Sợi, người hơn 20 năm gắn bó với nghiệp dạy học cho trẻ vùng cao, mắt cô ánh nét buồn khi dẫn chúng tôi tham quan khu lớp học và nhà công vụ. Tất cả tài sản của phân hiệu trường gồm 4 giáo viên và hơn 50 học sinh chỉ vỏn vẹn mấy bộ bàn ghế, chiếc bảng xanh, chiếc tivi đen trắng trong nhà công vụ đã bất động từ nhiều tháng nay.

Bản thân lãnh đạo trường, Hiệu trưởng Đặng Văn Thanh cũng bày tỏ sự ái ngại về sự thiếu thốn, nghèo nàn quá mức của “đứa con” Pờ Sì Ngài. Bốn gian phòng học và gian nhà công vụ được người dân trong các bản Mông chung sức, dựng nên từ tre, nứa và lá rừng cho trẻ em đồng bào Mông có nơi học tập. “Cũng xót xa lắm nhưng biết làm sao, vì trường không có tiền, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm thôi”, thầy Thanh bảo.

Tương tự, điểm trường Bản Giàng nằm sâu trong rừng già, điểm trường Hán Nắng nằm trên cao dãy núi Hoàng Liên Sơn nên mùa đông các điểm trường này bị bao phủ bởi mây mù, sương giá... Theo thầy Thanh, đây là những điểm trường hiện đang khó khăn nhất, thiếu thốn nhất của tỉnh Lào Cai. Đáng nói, các điểm trường này hiện vẫn chưa có nguồn nước sạch và mạng điện ổn định để sử dụng. “Ngọn đèn dầu, cây nến vẫn là nguồn sáng chủ yếu của ngôi trường trên núi này”, cô Nguyễn Thị Ngà - giáo viên phân hiệu trường Hán Nắng chia sẻ.

Đời sống của các giáo viên tại đây rất khó khăn, thiếu thốn
Đời sống của các giáo viên tại đây rất khó khăn, thiếu thốn.

Đồng phục - mơ ước xa xỉ của trẻ vùng cao

Cờ, hoa và những bộ đồng phục góp phần làm nên không khí rộn ràng, ý nghĩa của ngày khai giảng đầu năm học mới, nhưng với cô và trò tại trường Tiểu học Pa Cheo, những nhu cầu thiết yếu ấy lại trở thành thứ xa xỉ và chưa bao giờ những đứa trẻ tại đây dám mơ ước. Là địa bàn vùng cao tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc Mông quanh năm quay quắt với cái nghèo, bởi thế, việc vận động đưa trẻ đến trường trở nên quá sức với những người chăm lo cho sự nghiệp giáo dục tại đây.

Với các thầy cô giáo tại điểm trường Bản Giàng, những ngày đầu năm học mới luôn là thời điểm bận rộn nhất, bởi các cô phải tìm đến từng nhà để động viên trẻ đến trường. Không dễ để thuyết phục, khi phần đông đồng bào vẫn lạc hậu và chưa coi trọng việc học. Thậm chí, để nhận được sự đồng ý của gia đình học sinh, các cô phải chấp nhận đưa em nhỏ cùng đến trường và cô giáo cũng kiêm luôn bảo mẫu. “Khi tuyên truyền, mình phải phân tích, nêu rất cụ thể lợi ích của việc học, đồng thời phải đảm bảo quyền lợi cho gia đình khi có trẻ đi học như được cấp tiền, cấp gạo... thì họ mới cho con đi học”, cô Phan Thanh Nhàn - giáo viên điểm trường Bản Giàng tâm sự.

Thương các em đến trường trong bộ dạng nhếch nhác, quần áo vá víu, các cô lại bảo nhau quyên góp, rồi vận động người thân quyên góp tiền để mua cho mỗi em một bộ áo tươm tất đón ngày khai giảng. “Nghĩ đến cuộc sống của các em, trách nhiệm, tình thương lại thôi thúc chúng tôi làm tất cả những gì có thể”, Hiệu trưởng Đặng Văn Thanh chia sẻ.

Nói về cuộc sống của các em học sinh khi mùa đông đang đến gần, thầy Thanh không giấu nổi nét mặt buồn. Thầy cho biết, từ trước đến nay, bất kể tiết trời thế nào, trẻ em vẫn tới trường trong tình trạng quần áo tàn tạ, dép không có để đi, trông xót xa, nhưng cũng chỉ biết để đó chứ không thể làm được gì hơn. “Thu nhập mỗi giáo viên là 5 - 6 triệu/tháng, với những gia đình có con học đại học dưới thành phố, mức thu nhập này chỉ vừa đủ, chứ không thể tích lũy”, thầy Thanh cho biết.

Nhiều em vừa học, vừa phải trông em nhỏ tại lớp
Nhiều em vừa học, vừa phải trông em nhỏ tại lớp.

Những người “gánh” chữ ngược ngàn

Những ngày này, điểm trường Pờ Sì Ngài trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn hẳn, khi không khí của ngày lễ khai giảng đang đến gần. Với cô trò điểm trường Pờ Sì Ngài, ngày lễ khai giảng tại đây diễn ra thật đặc biệt. Không hoa, không đội nhạc, chỉ một chiếc còi làm hiệu lệnh tập trung và các trò lớp lớn đồng thanh hát quốc ca, chào cờ, buổi lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, nhưng cũng rất nghiêm trang. Cũng trong ngày này, các cô sẽ chuẩn bị bột gạo để làm bánh và cùng các trò chia sẻ, chung vui sau giờ lễ. Nhiều hoạt động vui chơi khác như kéo co, giải đố có thưởng cũng được các cô sáng tạo để khuấy động phong trào, tạo nên một buổi lễ ấm cúng, rất ý nghĩa. “Thầy cô trên này là vậy, do điều kiện hạn hẹp và đặc thù nên phải tìm mọi cách để tạo niềm hứng thú cho trẻ đến trường”, cô Cồ Thị Sợi cho biết.

Vượt qua những khó khăn, thử thách, thầy và trò trường Tiểu học Pa Cheo vẫn nỗ lực tìm tòi, tự tạo lấy ánh sáng để thắp lên con chữ. Những câu chuyện đời, chuyện nghề của những người “cõng” chữ ngược ngàn tiếp tục viết lên bản ca đẹp về những con người dám đương đầu, cống hiến cho những nơi xa xôi, khốn khó tận cùng đất nước.

Lớp học tại Phân hiệu Pờ Sì Ngài – Tiểu học Pa Cheo
Lớp học tại Phân hiệu Pờ Sì Ngài – Tiểu học Pa Cheo.

Bản thân thầy Đặng Văn Thanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Pa Cheo, quê ở tỉnh Thái Bình, thực hiện chủ trương của Nhà nước, hai vợ chồng thầy đã chủ động xin lên Lào Cai để dạy học. Đến nay, ở tuổi 42, nhưng thầy đã có tới 15 năm gắn bó với đồng bào vùng cao. Lương tháng giáo viên của hai vợ chồng tích cóp từng bấy năm cũng chỉ đủ để thầy mua được mảnh đất và dựng tạm căn nhà cấp 4 ven thị trấn huyện Bát Xát. Thầy tâm sự, chưa bao giờ, vợ chồng thầy có suy nghĩ sẽ rời bỏ vùng đất này. “Đây là quê hương thứ hai của chúng tôi và những học sinh nơi đây chính là động lực, thôi thúc chúng tôi tiếp tục cống hiến”, thầy Thanh cho biết.

Tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cô giáo trẻ Phan Huyền Trang (quê Hà Nam) gây ấn tượng đặc biệt với chúng tôi bởi sau khi tốt nghiệp, Trang có cơ hội lựa chọn nhiều vị trí việc làm hấp dẫn, nhưng bất ngờ, cô đã lựa chọn giảng dạy tại tỉnh Lào Cai. Chính cô cũng chủ động xin về giảng dạy tại huyện vùng cao. Đến nay, cô giáo trẻ đã có hơn 2 năm gắn bó với điểm trường Bản Giàng và minh chứng rõ nhất cho quyết tâm và ước nguyện được gắn bó với học sinh vùng cao, chính là đám cưới với một thầy giáo cũng giảng dạy tại trường tiểu học Pa Cheo. “Mình chỉ nghĩ đơn giản là các em học sinh đồng bào dân tộc chịu nhiều thiệt thòi, nếu bản thân không giúp các em học chữ, tương lai các em sẽ về đâu”, Trang tâm sự.

VT (Nguồn: laodong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site